Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thiếu cơ chế để lắng nghe dân

Kinhtedothi - Chiều 23/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Trưng cầu ý dân.
Hầu hết ý kiến ĐB tán thành việc cần thiết phải ban hành luật này, nhưng những quy định cụ thể trong Dự Luật về phạm vi trưng cầu, chủ thể đề xuất vấn đề trưng cầu ý dân vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

Đề cao trách nhiệm của người dân khi trưng cầu

Phần lớn ĐB tán thành việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người dân trực tiếp tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước. Luật này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta vì từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, vấn đề trưng cầu ý dân mới được cụ thể hóa thành luật. Đây là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể.
Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) phát biểu ý kiến.   	Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Quan điểm trọng dân, tin dân phải được quán triệt xuyên suốt trong quá tình xây dựng luật này. “Tin dân là tin vào trí tuệ của Nhân dân vì trưng cầu ý dân là ý dân quyết định. Luật phải thể hiện niềm tin của Quốc hội vào Nhân dân và thực tế qua quá trình xây dựng công phu, thảo luận thẳng thắn đã thể hiện niềm tin đó. Lắng nghe ý kiến của người dân thì mọi người sẽ quan tâm, tham gia nhiều hơn đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Khẳng định trách nhiệm của người dân thì người dân sẽ cân nhắc nâng cao trách nhiệm của mình. Cứ như thế thì vai trò và trách nhiệm của dân sẽ cao hơn” - ĐB phân tích.

Có ý kiến chưa tán thành với Dự Luật đưa ra bởi chưa làm rõ được câu hỏi Luật ra đời để làm gì. Dự Luật cũng không cho thấy cơ chế nào quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục tập hợp ý kiến của Nhân dân về nội dung và mục đích trưng cầu ý dân. Sự công khai, minh bạch trong vấn đề này cũng không được đề cập. Có ĐB đề nghị bổ sung những điều luật để người dân có quyền cơ bản như: Đưa ra sáng kiến về nội dung và phạm vi trưng cầu ý dân; giám sát việc tập hợp ý kiến nguyện vọng của Nhân dân một cách công khai, minh bạch…

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) băn khoăn vì theo Dự Luật, HĐND hầu như đứng ngoài cuộc trong khi quy định vai trò, trách nhiệm, công việc của UBND các cấp rất đậm nét trong tổ chức trưng cầu ý dân. ĐB cũng đề nghị thể hiện rõ sự tham gia của cử tri và người dân đối với quá trình tổ chức trưng cầu ý dân. Phải có quy định cơ chế và hoạt động giám sát của Nhân dân đối với trưng cầu ý dân; bổ sung quy định công dân Việt Nam đang học tập, công tác, lao động ở nước ngoài tham gia bỏ phiếu; quyền của người đang bị tạm giữ, tạm giam tham gia bỏ phiếu.

Nên có cả phạm vi trưng cầu ở địa phương

Đi vào các quy định cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể những vấn đề trưng cầu ý dân bao gồm: những vấn đề sửa đổi Hiến pháp (sửa căn bản và quy định mới); quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng có liên quan đến nhân dân cả nước; quyết định tham gia vào các tổ chức quốc tế, liên minh quân sự, các điều ước quốc tế liên quan đến nhân quyền; những vấn đề liên quan đến nhân dân cả nước; những vấn đề hệ trọng của quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, những vấn đề quan trọng khác mà Quốc hội thấy cần thiết như tăng thuế, kết hôn đồng giới, vấn đề lãnh thổ… Tuy nhiên, theo ĐB Trần Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) lại cho rằng, nếu Dự Luật luật quy định quá cụ thể sẽ không bao quát hết ý dân.

Một trong những vấn đề được nhiều ĐB băn khoăn là chủ thể nào có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Dự thảo Luật trình 2 phương án: Phương án 1 gồm UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số ĐBQH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Phương án 2 bao gồm các chủ thể như phương án 1, mở rộng thêm một số chủ thể khác như MTTQ. Nhiều ĐB đồng tình với phương án 2. Tuy nhiên, có ĐB cho rằng, tinh thần của Hiến pháp là Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân chứ không quyết định những vấn đề nào để trưng cầu ý dân. Thủ tướng cũng không có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Luật này chỉ là quy định thủ tục về trưng cầu ý dân. Luật không thể tự chế ra nội dung trưng cầu ý dân, mà phải do Quốc hội quyết định. Vì thế không thể quy định bổ sung quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng.

Phạm vi trưng cầu ý dân cũng có những quan điểm khác nhau. Một số ý kiến thì cho rằng, chỉ nên quy định phạm vi trưng cầu ý dân là cả nước. Nhưng ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng: Với các vấn đề quan trọng của cả nước thì các cuộc trưng cầu ý dân thực hiện trên phạm vi cả nước cả nước, còn các vấn đề tại địa phương thì Quốc hội nên quyết định trưng cầu ý dân tại địa phương đó. ĐB Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) thì cho rằng nên có quy định mở, để trong một số trường hợp có thể trưng cầu ý dân tại một số tỉnh, TP về các vấn đề mang tính chuyên biệt của địa phương đó. Theo ĐB, trưng cầu ý dân là những vấn đề dân bỏ phiếu xong, chọn phương án nào là khi công bố có giá trị ngay mà không cần cơ quan nào can thiệp, thậm chí Quốc hội cũng không cần ra nghị quyết.

Về kết quả trưng cầu ý dân, các đại biểu cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành. Nếu quy định phải 2/3 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và phương án được quá 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành thì rất khó.
Sáng 23/6, Quốc hội đã thảo luận Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Nhiều ĐB cho rằng, bản chất của các vụ kiện hành chính là dân kiện “quan” vì người ra các quyết định hành chính là người có chức vụ, quyền hạn. Do vậy, việc xét xử sao cho chính xác, khách quan cần đặt ra. Cần quy định để hội đồng xét xử điều hành sao để bên khởi kiện và bên bị kiện đều có thể trình bày được các chứng cứ của mình.  Các ĐB đề nghị cân nhắc quy định không đưa các khiếu kiện về quyết định hành chính của cơ quan, tổ chức ra xét xử tại tòa án các cấp. Tán thành việc giao cho tòa án xử lý một số khiếu kiện về quyết định hành chính nội bộ của cơ quan, tổ chức, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) lý giải: Điểm khác nhau giữa tố tụng hành chính và dân sự là bên đi kiện là người yếu thế, bên bị kiện có quyền lực trong tay. Đối tượng bị dân kiện theo luật này chính là hệ thống hành chính nhà nước, cơ quan hành pháp. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhóm đối tượng là những người trong bộ máy công chức bị đuổi việc, thôi việc. Theo quy định, khi bị đuổi việc, thôi việc, công chức phải kiện ra tòa lao động, nhưng luật tố tụng hành chính cũng có thể mở rộng xem xét đến quyền lợi của đối tượng này chỉ trong trường hợp bị đuổi việc, thôi việc mà thôi.
Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

03 Jul, 09:44 PM

Kinhtedothi - Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo cụ thể về tiến độ đối với các công tác: xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ