Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội):

Thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ nguồn lực giữa các tỉnh trong vùng

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng hiện nay sự phát triển, hỗ trợ, hợp tác giữa các vùng, giữa các tỉnh đang hết sức mờ nhạt.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tăng vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư trong phát triển kinh tế vùng

Chiều 1/6, phát biểu tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đề cập đến phát triển kinh tế vùng, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) nêu, trong tháng 4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chủ trì quán triệt Nghị quyết 11 và 13 về phát triển kinh tế Trung du miền núi Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.

Tuy nhiên, theo ĐB Mai, chúng ta cần triển khai kịp thời sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế phát triển kinh tế vùng. “Nếu như nhìn vào hệ thống pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, chúng ta nhận thấy đang thiếu cơ chế điều hòa, phối hợp, chia sẻ nguồn lực giữa các tỉnh trong một vùng” – ĐB Vũ Thị Lưu Mai nêu.

Nói đến phát triển kinh tế vùng là đề cập đến sự phát triển tổng thể, chia sẻ, hỗ trợ, bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên nhìn từ góc độ phân bổ nguồn lực, chính sách từng địa phương khá độc lập. Trên thực tế, sự phát triển, hỗ trợ, hợp tác giữa các vùng, giữa các tỉnh hết sức mờ nhạt.

Bên cạnh đó, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng phải tăng cường hơn nữa vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư trong phát triển kinh tế vùng mà Hiến pháp quy định rõ. Tuy nhiên, thực tế đáng là trong những năm gần đây, ngân sách T.Ư trong lĩnh vực này đang giảm dần. Năm 2021, mặc dù ngân sách T.Ư có tăng thu nhưng chỉ chiếm 21,7%; trong giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn lực T.Ư đầu tư cho các dự án liên kết vùng chỉ chiếm 11,7%. Đây là mức rất thấp.

Trong khi đó, khối địa phương chủ động một tỷ lệ chi khá cao, từ năm 1992 là 20% lên hơn 60% năm 2020; hiện nay đang tiếp quản hươn 3/4 nguồn lực đầu tư công. So với các nước trên thế giới, việc phân bổ tỷ lệ chi cũng có tỷ lệ cao hơn so với các nước có cùng trình độ phát triển là 20%.

“Nếu chúng ta tiếp tục giữ vai trò của ngân sách T.Ư như hiện nay, thì việc thực hiện thành công các nhiệm vụ liên kết vùng như Nghị quyết của Đảng đã đề ra sẽ gặp khó khăn” – ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói.

Liên quan liên kết vùng, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cũng nêu khía cạnh quy mô các tỉnh, thành Việt Nam. Nếu so sánh với nhiều nước trên thế giới, quy mô tỉnh thành của Việt Nam tương đối nhỏ. Chúng ta có 1,5 triệu dân bình quân trên một tỉnh; trong khi khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - PV) là 3 triệu dân.

Diện tích Việt Nam nhỏ nhưng số lượng tỉnh thành lớn. Năm 1986 chúng ta có 40 tỉnh, thành; hiện nay chúng ta có 63 tỉnh, thành. Đây là một thực tế khó có thể thay đổi, xét dưới giác độ quản lý cũng tạo ra những lợi ích nhất định. Tuy nhiên nhìn từ khía cạnh liên kết vùng thì cũng ảnh hưởng phần nào đến phát huy tối đa tiềm lực của từng tỉnh cho mục tiêu chung.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

“Xuất phát từ ý nghĩ như vậy, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần hoàn thiện thể chế. Cần có cơ chế điều phối hợp lý, linh hoạt giữa các tỉnh trong một vùng, giữa các tỉnh trong cả nước để tạo ra sức mạnh tổng thể trong phát triển kinh tế vùng. Đặc biệt, cần đề cao vai trò của ngân sách T.Ư để thực hiện các mục tiêu có ý nghĩa vùng miền” – ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề xuất.

“Chúng ta đang lãng phí nguồn lực, ngân sách”

Về gói phục hồi kinh tế, ĐB Vũ Thị Lưu Mai đánh giá Nghị quyết 43 thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên thực tế không thể phủ nhận là chúng ta đang chậm so với tiến độ. Rất có thể, những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra phải hoàn thành trong năm 2022, 2023 chúng ta không thể thực hiện.

“Câu hỏi đặt ra là chúng ta có lý do để chậm hay không? Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta không có nhiều lý do để chậm” – ĐB Lưu Mai nói. Đồng thời chỉ rõ, chúng ta triển khai gói phục hồi trong bối cảnh có điều kiện thuận lợi. Dịch bệnh cơ bản được khống chế, đẩy lùi; nguồn lực cũng sẵn sàng; quy trình thủ tục cũng được đơn giản hóa đến mức tối đa; việc phân cấp cũng được thực hiện ở mức tối đa.

ĐB Lưu Mai trăn trở: “Một câu hỏi khác đặt ra, chúng ta có đang lãng phí cơ hội, lãng phí thời gian hay không? Nếu như chúng ta lãng phí thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang lãng phí nguồn lực, ngân sách”. Và cho rằng, “chúng ta có một kỳ họp đặc biệt với một chương trình đặc biệt nhưng cũng rất cần một quyết tâm đặc biệt và một cách làm đặc biệt”.

Chính phủ có thể rà soát tổng thể làm rõ chúng ta đang làm chậm ở đâu, đang vướng ở đâu. Đồng thời, cũng cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc không đảm bảo tiến độ.

ĐB mong rằng chúng ta sẽ không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở thành nguội lạnh.