Thiếu công nghệ, khó cạnh tranh

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là cơ hội để các quốc gia kém phát triển đuổi kịp các quốc gia phát triển nhưng dường như, DN Việt Nam, trong đó có đội ngũ DN khởi nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc.

Nếu không chuẩn bị tốt về công nghệ, DN sẽ thua ngay chính trên sân nhà, chưa nói đến cạnh tranh khi hội nhập.

Không chịu lớn, khó dẫn dắt cuộc chơi

Cuộc CMCN 4.0 đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, tại Hội nghị "Doanh nghiệp số 2017: Kỷ nguyên số và quốc gia khởi nghiệp" do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức mới đây, các diễn giả đã chỉ ra, DN Việt Nam, trong đó có đội ngũ DN khởi nghiệp dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước thời gian qua thể hiện rất rõ giữa các DN truyền thống và các DN ứng dụng công nghệ mới.

Doanh nghiệp Việt giới thiệu đến khách hàng sản phẩm công nghiệp tại Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chuyên gia cao cấp Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy CTS không đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ dẫn dắt cuộc CMCN 4.0, bởi quy trình nghiên cứu và phát triển (R&D) còn quá kém. "Các DN Việt Nam chỉ có than thở cơ chế này, cơ chế kia không thuận lợi nhưng lại không biết số hóa công ty mà vẫn đang làm sổ sách thủ công, làm Excel các báo cáo tài chính" - ông Hòa chỉ ra.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, công nghệ có thay đổi đến mấy nhưng nếu người lãnh đạo không chịu thay đổi, không áp dụng cái mới thì không thể bắt kịp cuộc cách mạng này. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các DN Việt Nam "không chịu lớn".

Bắt đầu từ công nghệ số

Dù đối diện nhiều thách thức, song Việt Nam có nhiều cơ hội trong CMCN 4.0. Yếu tố đầu tiên là suốt 5 năm qua, Việt Nam vẫn dẫn đầu Diễn đàn kinh tế thế giới về tăng trưởng điện thoại thông minh (smartphone) và Internet. CMCN 4.0 đã thay đổi toàn diện vào kinh tế, chính trị, xã hội… mở đầu một thời kỳ mới, gần như cơ hội duy nhất để dân tộc phát triển sau đuổi kịp nước phát triển đi trước.

PGS. TS Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh hy vọng, sẽ có một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam áp dụng tốt công nghệ số để làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. "Lực lượng chủ lực khởi nghiệp, đi đầu ở Việt Nam sẽ là các DN số. Tuy nhiên, lực lượng DN phải được tổ chức lại, có tiếng nói và Chính phủ có chính sách thiết thực để hỗ trợ. Nếu cứ lẽo đẽo công nghiệp hóa thì ta vĩnh viễn đi sau"- PGS. TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc iBosses Việt Nam Tăng Ngọc Trường An cho rằng, DN Việt Nam có hai thử thách quan trọng khi khởi nghiệp. Một là chương trình khởi nghiệp và hai là lòng tự trọng của những người làm khởi nghiệp. "Tự trọng tức là tôn trọng luật chơi của thế giới, tôn trọng CNTT thì mới đi xa hơn. Tri thức là rất quan trọng với DN khởi nghiệp. Người Việt Nam muốn khởi nghiệp hãy học cách khởi nghiệp trước"- ông Trường An nói.

Qua kinh nghiệm từ một số quốc gia phát triển cho thấy nếu DN khởi nghiệp không sử dụng công nghệ số thì khó thành công. Dù tại Việt Nam, Chính phủ có hẳn nghị định về phát triển công nghệ số, nhưng các chuyên gia đều cho rằng thành công hay không chính là hành động của DN.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố, tăng cường năng lực cho các cán bộ, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến 2025”. Theo đó, đến 2025, Đề án xây dựng Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Cơ quan điều phối quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng thành một đơn vị mạnh chuyên nghiệp; có năng lực về nhân sự, kỹ thuật, công nghệ để quản lý tình hình sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc, phản ứng nhanh, điều phối ứng cứu kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ xử lý các sự cố nghiêm trọng... (Quỳnh Hoa)
Đối với DN khởi nghiệp lớn nắm vững số liệu khách hàng sử dụng là chìa khóa thành công. Với việc nghiên cứu khách hàng, chủ động lấy thông tin từ khách hàng và đưa ra chiến lược cụ thể. Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam trải qua 20 năm và 5 năm trở lại đây xuất hiện khởi nghiệp từ công nghệ, sáng tạo ra các phần mềm ứng dụng. Tận dụng cơ hội lớn từ các nền tảng công nghệ số hiện có ở Việt Nam là cầu nối tốt để các khởi nghiệp đi nhanh với các nước phát triển.
Đặng Thúy Hà

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu người tiêu dùng Nielsen Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần