Để giải quyết triệt để tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025" nhằm xử lý những vi phạm trên.
Nhiều dự án bỏ quên công trình hạ tầng xã hội
Là quận đang có tốc độ đô thị hóa mạnh với hàng loạt KĐT, tòa nhà cao tầng được xây dựng, tuy nhiên theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng, trên địa bàn quận nhiều chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà để bán, chậm thực hiện xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như trường học, công viên cây xanh, bãi đỗ xe…
Hầu như các ô quy hoạch các công trình hạ tầng xã hội đã được nhượng cho các chủ đầu tư thứ phát nhưng không được các nhà đầu tư này thực hiện kịp thời. Đơn cử như dự án KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp, rộng 50ha, được quy hoạch thành quần thể bao gồm hơn 20 nhà cao tầng, hơn 100 nhà biệt thự, nhà vườn, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà hàng, bệnh viện, trường học, mẫu giáo nhà trẻ, trụ sở làm việc...
Nhưng đến nay, sau 20 năm đưa vào sử dụng chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống trường học theo quy hoạch. Bên cạnh đó, các vi phạm trước đây về quy hoạch gây áp lực lên hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của quận, điển hình khu HH Linh Đàm tại phường Hoàng Liệt xây dựng sai so với quy hoạch dẫn đến dân số tăng cao, gây áp lực về giải quyết nhu cầu người dân như bãi đỗ xe, trường học, trạm y tế…
Thực trạng KĐT bỏ quên xây trường học không chỉ xảy ra tại quận Hoàng Mai mà còn xảy ra nhiều nơi khác trên địa bàn Thủ đô. Hàng loạt cái tên như KĐT Thành phố giao lưu, khu Ngoại giao đoàn, KĐT mới Vân Canh, KĐT mới Phùng Khoang… mặc dù có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông nhưng chủ đầu tư đều chậm xây dựng hoàn thiện theo quy hoạch.
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các Nghị định của Chính phủ như 37/2010/NĐ-CP; 44/2015/NĐ-CP… đều đã quy định cụ thể và bắt buộc về đất dùng để xây dựng công trình văn hóa giáo dục. Hay theo Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia 2019 (quy mô tối thiểu của công trình, dịch vụ cấp đơn vị ở) thì với trường mầm non, cứ 1.000 dân/50 cháu, chỉ tiêu đất là 12 m2/cháu; trường tiểu học cứ 1.000 dân/65 học sinh, với chỉ tiêu đất là 10 m2/học sinh…
“Quy định đã rất rõ ràng nhưng do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch được duyệt còn rất lỏng lẻo, không nói là yếu kém nên đã gây ra áp lực lớn về việc phát triển giáo dục của các địa phương tại Hà Nội” – KTS Phạm Thanh Tùng nêu.
Quyết liệt với các giải pháp đồng bộ
Trên thực tế những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP cùng với sự chủ động, tích cực thực hiện của các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, đến nay công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, hạ tầng xã hội tại các dự án KĐT cũng đã đạt được kết quả nhất định.
Tại 15 KĐT đã cơ bản hoàn thành (KĐT mới Trung Hòa – Nhân Chính, khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, khu nhà ở Bắc Linh Đàm mở rộng, KĐT mới Định Công, Đại Kim – Định Công, Mỹ Đình I, Mỹ Đình II, Mỹ Đình – Mễ Trì, KĐT Royal City, Văn Quán – Yên Phúc, KĐT Đông nam đường Trần Duy Hưng, Khu nhà ở Phú Thịnh – Sơn Tây, KĐT sinh thái Vincom Village, Trung Yên), hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các dự án này đã được đầu tư hạ ngầm đồng bộ, hiện đại, các công trình công cộng, hạ tầng xã hội (như trường học, nhà trẻ, y tế, văn hóa, chợ...) đã được đầu tư xây dựng đồng bộ với các công trình nhà ở, cơ bản đáp ứng nhu cầu của dân cư tại khu đô thị.
Tình trạng thiếu vắng trường công lập mẫu giáo, tiểu học tại các KĐT mới hay trong các quận nội thành đã dẫn đến việc bố mẹ ở nơi này nhưng trẻ con lại phải đi học nơi khác gây ra nhiều hệ lụy. Đây có thể coi là thời điểm cấp bách để chính quyền TP quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để giải quyết dứt điểm “căn bệnh nan y” thiếu trường lớp và các công trình hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân Thủ đô.
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Qua rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội tại 78 dự án KĐT mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng công trình công cộng (nhà trẻ, trường học phổ thông): Có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình công cộng với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; 27 dự án có tiến độ xây dựng các công trình công cộng theo quy hoạch được thực hiện cơ bản đồng bộ với tiến độ xây dựng nhà ở, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của Nhân dân khu vực dự án. Tuy nhiên, trong số này có tới 15 dự án đầu tư xây dựng chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
“Việc thiếu các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội thiết yếu tại các KĐT mới, khu nhà ở vẫn còn xảy ra, dẫn đến tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu về đời sống, sinh hoạt, học tập và vui chơi của người dân” – UBND TP nhận định.
Với quyết tâm giải quyết những bất cập, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, đáp ứng nhu cầu về đời sống của người dân, UBND TP đã ban hành một Chuyên đề riêng trong đó đề ra các giải pháp hết sức cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng sở ngành, quận, huyện, thị xã nhằm sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại các KĐT.
Đáng chú ý, TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm chính trong việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư các dự án KĐT mới, khu nhà ở thuộc địa bàn quản lý thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình công cộng khác tại dự án, đảm bảo tiến độ, phù hợp với quy hoạch và nội dung của dự án đã được phê duyệt.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, xử lý các vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng theo các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, trật tự xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, không triển khai hoặc chậm triển khai đầu tư xây dựng các công trình (đặc biệt là các công cộng, công trình hạ tầng xã hội), vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, cần kịp thời báo cáo UBND TP xem xét, thu hồi đất, thu hồi dự án theo quy định để tổ chức lựa chọn chủ đầu tư khác thực hiện hoặc giao UBND cấp huyện thực hiện đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Có thể thấy để khắc phục những tồn tại từ nhiều năm, khó khăn còn nhiều và để giải quyết dứt điểm được tình trạng này, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền TP và vai trò giám sát từ HĐND TP, truy xét đến cùng trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng như trách nhiệm của các chủ đầu tư KĐT.
Phần lớn các chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng công trình nhà ở phục vụ mục đích kinh doanh, chưa quan tâm đến xây dựng công trình công cộng phục vụ đời sống người dân trong phạm vi dự án. Vì vậy phải có những biện pháp xử lý mạnh tay, TP cũng cần phải truy xét trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân từ khâu phê duyệt dự án cho tới kiểm tra, giám sát triển khai, bởi đây là vấn đề về tổ chức thi hành pháp luật, không phải vấn đề của các quy định pháp luật còn thiếu.
KTS Trần Huy Ánh - Chuyên gia đô thị