Thiếu đồng bộ quản lý hạ tầng khiến đường ngập úng

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống thoát nước là một bộ phận của công trình đường bộ, việc duy tu, bảo trì kết cấu nền, mặt đường và hệ thống thoát nước không được thực hiện đồng bộ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại cũng như sinh hoạt của người dân.

Cứ mưa là ngập

Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn huyện Thường Tín cho biết trên đường QL1A đoạn Km198+350 – Km198+450, Km206+400 – Km206+700 cứ trời mưa lại rơi vào tình trạng ngập sâu. Có những thời điểm mưa lớn kéo dài khiến hàng trăm mét đường này luôn trong tình trạng ngập úng gây ảnh hưởng không nhỏ đến phương tiện tham gia giao thông cũng như người dân sinh sống bên đường.

Không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, hoạt động kinh doanh bên đoạn đường thường xuyên xảy ra úng ngập cũng rơi vào tình trạng trì trệ. Thay vì chuyên tâm buôn bán, mỗi lần trời mưa, những người dân sống bên tuyến đường này lại vội đóng hàng quán, chuẩn bị dụng cụ phòng lúc phải tát nước ra đường. Nhiều hộ gia đình đã chủ động tôn nền nhà lên cao hơn so với mặt đường vì không biết bao giờ tình trạng ngập trên tuyến đường mới được xử lý dứt điểm.

Đường QL1A ngập úng sau mưa nhiều giờ đồng hồ.
Đường QL1A ngập úng sau mưa nhiều giờ đồng hồ.

Theo người dân ở đây, sở dĩ ngập là do hệ thống cống thoát nước được xây dựng từ hàng chục năm trước đã xuống cấp. Khả năng tự thoát nước kém lại không được duy tu, bảo dưỡng và nạo vét thường xuyên.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, ông Đào Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín cho biết: “Tình trạng ngập đường QL1A đoạn qua địa bàn xã đã xảy ra trong suốt thời gian dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại cũng như sinh hoạt của người dân”.

Theo ông Đào Văn Sơn, trời cứ mưa là ngập, có những thời điểm nước ngập 40 - 50cm. Đáng nói, sau khi tạnh mưa nước đọng lại nhiều giờ đồng hồ không rút mà chỉ chờ bốc hơi khiến hoạt động kinh doanh buôn bán hai bên đường bị trì trệ.  

Chị Nguyễn Thúy Hà, người dân sinh sống bên QL1A cho biết: “Đây là con đường quốc lộ huyết mạch, qua địa bàn huyện Thường Tín nên đông đúc phương tiện đi lại. Sau mỗi trận mưa lớn, đường lại ngập khiến giao thông rơi vào tình trạng ùn tắc. Không ít phương tiện cố tình vượt qua vũng nước sâu thì bị chết máy”.

Theo chị Nguyễn Thúy Hà, mỗi lần đi qua đoạn nước ngập rất bất an khi không biết dưới lòng đường tiềm ẩn nguy hiểm gì. Có những hôm, trời nắng rất to nhiều giờ đồng hồ nhưng nước thì không thoát được.

“Người dân sống bên đường chúng tôi cứ mưa là đóng cửa hàng nghỉ cả ngày, có những thời điểm hoạt động kinh doanh, buôn bán phải nghỉ cả tuần” – chị Nguyễn Thúy Hà chia sẻ.

Quản lý khó khăn

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Công ty CP Đường bộ 1 Hà Tây, đơn vị đang trực tiếp duy tu, bảo dưỡng tuyến đường này cho biết: “Hiện nay, có nhiều vị trí trên tuyến QL1A, khi có mưa, thường xuyên xảy ra tình trạng úng ngập gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân cũng như làm hư hại mặt đường. Nguyên nhân chúng tôi đánh giá là do hệ thống rãnh bên phải tuyến (phía đường tàu) có tác dụng thu, chứa và thoát nước. Nhưng bị lấp, tắc do đá trên đường tàu rơi xuống, tập kết tà vẹt trong quá trình duy tu đường sắt và nhiều hộ dân đổ vật liệu, rác thải… làm mất tác dụng thoát nước”.

Theo vị đại diện này, phía khu vực dân cư, về cơ bản hệ thống rãnh được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhưng cũng thường xuyên bị lấp bùn đất, nạo vét không thường xuyên. Hoặc đơn vị nạo vét sử dụng xe chỉ hút các hố ga, cục bộ các vị trí bị tắc không tháo dỡ bản rãnh để nạo vét triệt để. Ngoài ra, không nạo vét cửa xả, cống ngang dẫn đến tình trạng chỉ một thời gian ngắn rãnh lại tắc trở lại hoặc phát sinh tắc dồn đến vị trí khác.

Theo Văn bản số 2287/UBND-ĐT, TP Hà Nội giao Sở GTVT tổ chức quản lý, bảo trì hệ thống thoát nước trên các tuyến đường do TP quản lý bao gồm: Đường vành đai trên cao, đường cao tốc, đường quốc lộ và đường tỉnh khu vực ngoại thành.

Tuy nhiên, hệ thống thoát nước của tuyến đường QL1A đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín đang thuộc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị là đại diện chủ đầu tư duy tu bảo trì đến hết ngày 31/12/2024 theo hợp đồng trúng thầu. Như vậy, hết năm 2024 mới có thể bàn giao lại hệ thống thoát nước trên tuyến QL1A cho Sở Giao thông vận tải quản lý.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đơn vị quản lý duy tu đường lại không được quản lý cống thoát nước của tuyến đường đang gây ra những khó khăn trong việc thoát nước mỗi khi mưa xuống.

Kỹ sư cầu đường Nguyễn Đức Việt chia sẻ: “Hệ thống thoát nước là một bộ phận của công trình đường bộ, việc duy tu, bảo trì kết cấu nền, mặt đường và hệ thống thoát nước không được thực hiện đồng bộ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác duy tu, bảo trì của các đơn vị liên quan”.

Theo sư cầu đường Nguyễn Đức Việt, việc để đường úng ngập thời gian dài không chỉ gây ảnh hưởng đến đi lại cũng như đời sống sinh hoạt của người dân mà còn khiến cho kết cầu nền đường bị “no” nước dẫn đến tình trạng nứt, gãy mặt đường. Khó có biện pháp nào có thể khắc phục tình trạng hỏng mặt đường nếu úng ngập thường xuyên xảy ra nhiều giờ đồng hồ.

 

“Việc sớm bàn giao và quản lý đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và hệ thống thoát nước các tuyến đường tuyến đường vành đai trên cao, đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh khu vực ngoại thành là hết sức cấp thiết. Như vậy khi đơn vị duy tu đường bị ngập nước sẽ có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng, dọn dẹp, cũng như thông tắc cống thoát nước trên mặt đường” - kỹ sư Nguyễn Đức Việt