Thiếu kết nối cung - cầu, đường ra cho hàng Việt nhiều gian nan

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều sản phẩm Việt, nhất là nông sản không tìm được đầu ra đã phải kêu gọi người tiêu dùng “giải cứu”. Doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ chưa xây dựng được kết nối cung - cầu sản phẩm bền vững là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.

Cung cầu chưa gặp nhau

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với dịch Covid-19 nhưng công tác kết nối cung ứng hàng hóa đã góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống. Thêm vào đó, xung đột giữa Nga - Ukraine đang có những ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng, lưu chuyển thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Người tiêu dùng mua thủy sản Việt tại siêu thị Big C
Người tiêu dùng mua thủy sản Việt tại siêu thị Big C

Tại hội thảo “Kết nối cung - cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định FTA qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên những FTA này cũng tạo thuận lợi cho hàng hóa nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, trong khi đó đa phần doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ, tiềm lực không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập...

Đồng tình với ý kiến này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, thực tế hoạt động kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm thời gian qua cho thấy giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà bán lẻ chưa tìm được tiếng nói chung. Cụ thể, doanh nghiệp phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng. Trong khi đó hộ nông dân do chưa xây dựng được thương hiệu nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng nên gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững.

Tương tự, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú phản ánh, mặc dù người nông dân đã chuyển dần sang sản xuất rau sạch nhưng hiện việc tiêu thụ vẫn dựa vào kênh phân phối truyền thống đến 70% sản lượng. Kênh này với nhiều thành tố trung gian, khiến chi phí marketing của kênh tăng, trong khi giá trị sản phẩm không thay đổi. Trong khi đó, kênh phân phối “Nông dân - người bán lẻ - tiêu dùng” lại chiếm sản lượng tiêu thụ rất thấp, khoảng 10%. Thực trạng trên cho thấy, cung và cầu nông sản sạch, an toàn ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng nghịch lý là kết nối cung - cầu vẫn chưa gặp nhau.

Cần chiến lược kinh doanh lâu dài

Theo các chuyên gia kinh tế, để lấy được niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cho thị trường, tránh biến động giá. Cùng với đó, cần tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng và tiện lợi nhất.

 

Một trong những giải pháp cơ bản trong phát triển thị trường trong nước là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - TS Võ Đại Lược cho rằng, để xây dựng được kết nối cung - cầu bền vững đòi hỏi Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ kỹ thuật. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và hộ gia đình ngang với doanh nghiệp FDI. Đặc biệt nên cân nhắc áp dụng các ưu đãi cho doanh nghiệp FDI khi đầu tư công nghệ cao, hoặc có cam kết chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nỗ lực phấn đấu vươn lên; cần có sự thay đổi trong quản lý nhân sự, tuyển dụng người tài vào làm việc, kết hợp hiện đại hóa cơ chế quản trị, tiếp thu, học hỏi từ doanh nghiệp nước ngoài qia đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới trong kinh doanh. 

Người tiêu dùng mua nông sản Việt tại siêu thị Big C
Người tiêu dùng mua nông sản Việt tại siêu thị Big C

Để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh đề xuất, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho nhà bán lẻ. Ngoài ra, cần tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm cho người dân, trong đó chú trọng đến vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để người tiêu dùng có thể mua được hàng Việt nhanh chóng.

Trong khi đó, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị, bên cạnh việc hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp logictics… cần đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác, hoạch định cho phát triển vùng, để không bị mất cân đối, không bị dư cung và khó khăn trong tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu, có cơ chế chính sách để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng hệ thống phân phối phát triển rộng khắp, tập trung phát triển thương mại điện tử để kích thích nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ.

“Cần tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng, từ đó có định hướng các cơ chế chính sách trong phát triển vùng, tránh được tình trạng mất cân đối, dư cung. Đặc biệt, công tác phát triển hạ tầng thương mại không được gây mất cân đối giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn”, bà Trần Thị Phương Lan góp ý.

Ý kiến của chuyên gia kinh tế, nhà quản lý cho thấy doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng cần bắt tay chặt chẽ trong việc xây dựng mối liên kết cung - cầu, qua đó tránh hiện tượng mất cân đối trong quá trình cung ứng, tiêu thụ hàng hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần