Thiếu kết nối là điểm yếu cần khắc phục trong quy hoạch không gian ngầm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên TP đặt ra một đề bài lớn cho quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm Hà Nội.

Thiếu kết nối là điểm yếu cần khắc phục trong quy hoạch không gian ngầm - Ảnh 1Trong rất nhiều đồ án quy hoạch lớn được triển khai xác lập sau khi có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, với yêu cầu đặt ra cho việc khai thác, quản lý không gian ngầm đô thị, đây là đồ án phức tạp và khó. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Vinh - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội về đồ án quy hoạch đặc biệt này.

Việc xác lập Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm – TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chắc hẳn là một đề bài khó, thưa ông?

- Chắc chắn là khó bởi đây là lần đầu tiên ở đô thị Việt Nam đặt ra vấn đề nghiên cứu không gian ngầm một cách tổng thể. Còn việc sử dụng phần ngầm để làm thoát nước chẳng hạn thì chưa gọi là không gian ngầm. Không gian ngầm là phải khai thác được không gian dưới mặt đất để phục vụ cho đô thị, bao gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật và cả hạ tầng xã hội, những công trình công cộng, siêu thị, thương mại… Các công trình này phải có sự kết nối. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam cũng bắt đầu đề cập đến không gian ngầm để triển khai. Lần đầu tiên chúng ta “động” xuống lòng đất nên có nhiều vấn đề nảy sinh. Từ trước đến nay các đô thị cũng đã sử dụng phần ngầm cho các công trình nhưng chưa có sự quản lý phù hợp. Điều này thể hiện ở việc đào bới tại các tuyến phố, anh này vừa lấp lại, anh kia lại đào lên.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả khai thác không gian ngầm tại khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội?

- Hiệu quả khai thác không gian ngầm sẽ rất cao, bởi các chỉ tiêu sử dụng đất của khu vực nội đô đang quá thiếu. Việc khai thác không gian ngầm phục vụ cho đô thị sẽ giúp tăng chỉ tiêu sử dụng đất. Ở Hà Nội đã có những công trình khai thác không gian ngầm với quy mô lớn. Điển hình như các dự án của Vingroup như Times City, Royal City… đã khai thác một cách rất hiệu quả không gian ngầm. Một số chủ đầu tư khác cũng đang khai thác không gian ngầm với những công trình có 3 - 4 tầng ngầm.

Cái yếu hiện nay trong sử dụng không gian ngầm đó là việc khai thác mới chỉ dừng lại ở mức độc lập của từng công trình, từng dự án mà chưa có sự kết nối không gian ngầm của các công trình với nhau và kết nối với không gian công cộng để người dân có thể di chuyển dưới lòng đất, đi đến nhiều nơi, giúp giảm áp lực giao thông trên mặt đất.

Với những vị trí trung tâm như Ga Hà Nội, có tính đến việc khai thác không gian ngầm không thưa ông?

- Hiện nay Nhật Bản đang giúp Hà Nội nghiên cứu để phát triển không gian ngầm tại những vị trí  TOD - kết hợp phát triển giao thông công cộng với phát triển không gian ngầm đô thị, tạo sự kết nối. Đây là một trong những mô hình mà Hà Nội đang hướng tới. Ga Hà Nội, ga Giáp Bát là những khu vực đang được tính đến việc khai thác không gian ngầm.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần