Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu khuôn văn hóa chuẩn tại chung cư

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù sống trong những khu chung cư hiện đại với đầy đủ tiện ích, song lối sống, văn hóa ứng xử của nhiều cư dân nơi đây vẫn còn lộn xộn, thiếu chuẩn mực.

Từ thực tế ấy, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, cần phải xây dựng một chuẩn mực về văn hóa ứng xử tại các khu chung cư.
Những hành vi không chuẩn mực
Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp những sự việc liên quan đến hành vi ứng xử không chuẩn mực của nam giới với phụ nữ, trẻ em trong thang máy tại các chung cư ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khiến cho dư luận bức xúc. Điều đáng nói, trong cả hai vụ việc này, đối tượng đều là những người có học thức, làm việc tại DN và cơ quan Nhà nước. Không chỉ riêng hành vi sàm sỡ phụ nữ, trẻ em trong thang máy, hiện nay ở các khu chung cư, không ít hộ dân còn giữ lối sống tùy tiện như đốt lò than tổ ong, nuôi chó trong căn hộ, bật loa đài ầm ĩ...
 Mỗi cư dân chung cư phải xây dựng văn hóa ứng xử tốt để tạo môi trường sống lành mạnh. Ảnh:  Hải Linh
Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, thói quen sinh sống tại các khu nhà ở tập trung, nhà cao tầng đã được hình thành tại các đô thị Việt Nam từ nhiều thập kỷ nay. Trước đây là những khu nhà tập thể, hiện nay là những chung cư mới. Cả 2 loại hình nhà ở này đều có nét tương đồng với nhau, nhiều hộ gia đình sinh sống quần tụ với nhau tại một tòa nhà. Tuy nhiên, những nét văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của cộng đồng dân cư tại các dự án chung cư mới đang bộc lộ nhiều bất cập.
“Đó là chưa có sự đồng nhất về một “khuôn” văn hóa chuẩn tại các tòa nhà chung cư. Mỗi một tòa nhà chung cư lại có một hình thức quản lý khác nhau, phụ thuộc vào từng chủ đầu tư và từng ban quản lý nhà chung cư. Chỉ những chung cư nào có quy định rõ ràng và giám sát chặt chẽ thì việc thực hiện sẽ quy củ, ngược lại sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn, thiếu nền nếp” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Trước tốc độ phát triển quá nhanh của hệ thống chung cư mới trên cả nước, đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... cần phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung làm quy chuẩn cho các chung cư. Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được hai bộ quy tắc về ứng xử, trong đó có bộ quy tắc về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Rất nhiều TP khác trên cả nước cũng đã xây dựng được cho mình bộ quy tắc về văn hóa ứng xử, nhưng lại chưa có bộ quy tắc về văn hóa ứng xử nào dành cho chung cư.
Cùng quan điểm, nhà xã hội học Phạm Đình Hòa cho biết, việc xây dựng một bộ quy tắc về quy chuẩn văn hóa tại chung cư mới là điều tốt và nên làm. Nhưng mỗi cư dân sống tại các tòa nhà chung cư cũng cần phải tự ý thức cho mình về tính văn hóa nơi công cộng. “Việc tự xây dựng cho mình một nếp sống chuẩn mực tại các nơi công cộng nói chung và các tòa nhà chung cư nói riêng, sẽ góp phần tạo nên nhân cách sống văn minh hơn của con người trong thế giới hiện đại” - ông Hòa nói.
Phải có chế tài mạnh
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vì hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, có mức xử phạt tối đa là 200.000 đồng. Theo TS Phạm Đình Hòa, chế tài xử phạt về hành vi thiếu chuẩn mực văn hóa, xúc phạm đến nhân phẩm của người khác theo luật tại Việt Nam còn quá nhẹ và chưa có tính răn đe. Do đó, để hình thành một nếp sống văn hóa, văn minh thì cần phải có chế tài mạnh, trước hết đó là đánh vào kinh tế.

"Chỉ tính riêng tại Thủ đô Hà Nội, ở thời điểm hiện tại có 919 tòa nhà chung cư các loại (trong đó 745 tòa nhà chung cư thương mại và 174 tòa nhà chung cư tái định cư). Định hướng phát triển đến năm 2030, 80% nhà ở của Hà Nội sẽ tập trung vào loại hình chung cư, vì vậy cần phải sớm xây dựng một bộ quy tắc chuẩn về văn hóa ứng xử, giao tiếp tại các chung cư mới" - Chuyên gia về quy hoạch đô thị, KTS Trần Tuấn Anh

“Tại những nước phát triển, người dân có ý thức cá nhân cao về những hành động, lời nói của mình nơi công cộng, cũng chính bởi vì chế tài của họ rất chặt chẽ. Ví dụ như hút thuốc lá, nhổ nước bọt, vứt bã kẹo cao su... nơi công cộng là sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí có trường hợp còn bị nêu tên, tuổi, hình ảnh tại các khu vực đó. Từ đó, người dân sẽ tự hình thành nên ý thức, khi ý thức trở thành thói quen thì tạo ra nếp sống văn hóa, văn minh” - TS Phạm Đình Hòa cho biết thêm.
Cùng quan điểm, theo tiến sĩ xã hội học Đào Duy Hới, chế tài xử phạt là biện pháp cần thiết để tạo thành nền nếp, thói quen sinh sống. Khi những thói quen và chuẩn mực văn hóa mới được hình thành sẽ không cần phải dùng đến chế tài; việc tuyên truyền, vận động là hết sức quan trọng, nhưng nếu chỉ tuyên truyền không thì chưa đủ.
“Bãi biển ở Đà Nẵng được mệnh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất của Việt Nam và của thế giới, không chỉ đẹp mà còn rất sạch. Sạch ở đây nó bắt nguồn từ việc chính quyền Đà Nẵng đưa ra quy định sẽ xử phạt những ai vứt rác ra bãi biển và những ai tố giác được người vứt rác ra bãi biển sẽ được chính quyền thưởng tiền. Ví dụ này để thấy rằng chế tài sẽ là cơ sở để thực thi các quy định” - TS Đào Duy Hới nói.

"Sinh sống tại các tòa nhà chung cư là xu hướng phù hợp nhất trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Ở Nhật Bản, Singapore... để xây dựng được những tiết chế văn hóa mới tại các tòa nhà chung cư, họ đều có những chế tài xử phạt tương đối nghiêm khắc với những hành vi, ứng xử không chuẩn mực về văn hóa." - Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, PSG.TS Nguyễn Hồng Thục


"Khi cư dân ở các vùng miền chuyển về sinh sống quần tụ với nhau trong một tòa nhà chung cư, cần phải tạo ra sự hòa hợp với nhau về nếp sống mới, thói quen ứng xử mới, để không xảy ra những mâu thuẫn phát sinh từ những thứ tưởng chừng là vô hại, nhỏ nhặt.' - Chuyên gia về xã hội học, TS Phạm Đình Hòa