Mặt đê thành chợ
Đi trên đê Tả Đáy (từ xã Cao Viên đến xã Xuân Dương), không khó để bắt gặp những chợ họp trên mặt đường đê. Để tạo ra những chợ này, người ta đã dùng phế thải xây dựng, “cơi” rộng mặt đê, dựng chòi tạm để buôn bán hoa quả. Nhiều người còn tận dụng những quãng mặt, chân đê rộng để tập kết, buôn bán các loại vật liệu xây dựng như gạch, cát, đá… Đó là chưa kể, hàng ngày đê Tả Đáy còn phải "cõng" hàng trăm lượt xe tải nặng chuyên chở vật liệu xây dựng ra vào, dù theo quy định, đường đê chỉ cho phép xe dưới 12 tấn lưu thông. Vì vậy, cứ sửa chữa được một thời gian, mặt đê Tả Đáy lại xuống cấp.Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Cao Ngọc Đĩnh – Hạt trưởng Hạt quản lý đê huyện Thanh Oai – Chương Mỹ cho hay: "Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, Hạt đều cử cán bộ xuống hiện trường lập biên bản.
Tuy nhiên, theo quy chế (hướng dẫn Số 48 của Sở NN&PTNT), chúng tôi chỉ có nhiệm vụ lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật đê điều; Phối hợp với UBND cấp xã trong việc lập hồ sơ vi phạm, xác định cụ thể mức độ, hành vi vi phạm… Còn việc xử lý vi phạm thuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp".
Theo thống kê của Hạt quản lý đê huyện Thanh Oai – Chương Mỹ, hiện có 18 điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, lều lán, chợ tạm đang tồn tại trên 17,5km đê Tả Đáy (đoạn chạy qua địa bàn huyện). Trong số đó, nhiều trường hợp vi phạm đã diễn ra từ rất lâu. Trong khi theo điểm C (hướng dẫn số 48), chậm nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi có quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật đê điều, Hạt quản lý đê phải chuyển hồ sơ vi phạm cho chính quyền các cấp xử lý.Làm chưa đến nơi…Ông Dương Bá Mẫn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai thừa nhận: "Việc xử lý những vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn chưa làm đến nơi đến chốn. Sắp tới chúng tôi sẽ có văn bản trình ngành chức năng TP, sửa đổi một số nội dung của Hướng dẫn số 48 để phù hợp với tình hình thực tế".Những vi phạm pháp luật đê điều xảy ra tại đê Tả Đáy đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay, ngành chức năng huyện Thanh Oai vẫn chưa xử lý được trường hợp nào. Thông báo (ngày 31/1/2018) của UBND xã Cao Viên, nêu rõ: “Các hành vi (tự ý đổ chất thải, tập kết vật liệu xây dựng…) vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. Do vậy, đến hết ngày 6/2/2018, phải tự thu dọn, giải tỏa. Nếu cố tình không chấp hành, UBND xã sẽ phối hợp với ngành chức năng của huyện tổ chức cưỡng chế…Thông báo là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, đã cuối tháng 3/2018, các sai phạm tại xã Cao Viên vẫn mặc nhiên tồn tại.