Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu kinh phí vì đất “ế”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/9, Sở QH - KT Hà Nội tổ chức giao ban công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch cùng với 8 quận, huyện phía Nam thành phố gồm: Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Trì, Thường Tín.

Tổng số đồ án quy hoạch triển khai sau khi có quy hoạch chung của cụm các quận, huyện phía Nam là 168. Trong đó, có 81 đồ án đã được phê duyệt và 87 đồ án đang chờ phê duyệt và đang trong quá trình lập.

Qua trao đổi với các quận, huyện, Sở QH - KT đánh giá, việc đồng thời triển khai các quy hoạch chung xây dựng huyện, thị trấn, đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng (QHXD) nông thôn mới đã phần nào gây khó khăn cho công tác khớp nối và kế thừa các quy hoạch. Đối với QHXD nông thôn mới, nội dung đồ án có liên quan đến nhiều sở, ngành nên việc khớp nối các ý kiến chuyên ngành còn chưa đồng bộ. Có đồ án QHXD nông thôn mới còn chưa cập nhật được thông tin, chưa quan tâm đến quy hoạch sản xuất, sử dụng đất. Các giải pháp thực hiện và quản lý quy hoạch chưa đồng bộ, chưa phù hợp với quy định hiện hành. Quy hoạch sử dụng đất của thành phố và kế hoạch phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất năm 2012 chưa được phê duyệt gây khó khăn trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến tiến độ chung của QHXD nông thôn mới.

 
Thiếu kinh phí vì đất “ế” - Ảnh 1

Xây dựng nông thôn mới tại xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai. Ảnh: Linh Anh

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở QH - KT đánh giá, khối lượng công việc từ nay đến cuối năm còn nhiều, đây là giai đoạn phải tập trung nhiều nhất để triển khai công tác quy hoạch. Cụm các quận, huyện phía Nam thành phố không chỉ là khu vực có tiềm năng, là động lực phát triển kinh tế mà còn là khu vực văn hóa với nhiều làng nghề, cảnh quan thiên nhiên đẹp, phong phú, có giá trị của Hà Nội, của quốc gia. Quy hoạch của các địa phương ở cụm phía Nam không đơn thuần xây dựng các khu vực đô thị, nông thôn mới mà quan trọng hơn, cần có mục tiêu giữ gìn cảnh quan, văn hóa, truyền thống và đảm bảo yếu tố sinh thái, bền vững.Liên quan đến những khó khăn hiện nay của địa phương trong triển khai công tác quy hoạch, ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, huyện đã bàn giao 89ha cho chủ đầu tư đường trục phát triển phía Nam để triển khai xây dựng. 10km đường đầu tiên của tuyến sắp được khánh thành, nhưng vẫn chưa có đất dịch vụ cho dân. Ba xã của huyện chưa có điểm cho trường mầm non; một số tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế cần mở rộng còn đang chậm thủ tục…

Huyện Chương Mỹ hiện có 18 QHXD nông thôn mới đã được phê duyệt. Theo kế hoạch, đầu tháng 10, huyện sẽ phê duyệt xong đề án và đồ án của 12 xã còn lại. Ông Đỗ Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ băn khoăn, nguồn lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch là vấn đề quan trọng nhưng hiện nay, xã nào cũng chỉ trông vào nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện nông thôn mới. Ông Quang đề nghị, Sở QH - KT "nghĩ" cùng địa phương để tìm kiếm thêm nguồn kinh phí khác cho nông thôn mới. Khi thị trường bất động sản sôi động, các phiên đấu giá đông người tham gia, giá trúng  cao. Nhưng khi thị trường ảm đạm, khó tổ chức đấu giá, nếu có thì giá trúng cũng rất thấp. Có ý kiến cho rằng, nếu thực hiện trong thời điểm này, có thể chỉ bằng 20 - 30% so với thời kỳ thị trường bất động sản "nóng sốt".Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Văn Hải đã thống nhất với quan điểm cần tăng cường phân cấp cho huyện. Sở sẽ tổng hợp ý kiến của các quận, huyện về vấn đề này để báo cáo Thành phố.

Tại cuộc giao ban, vấn đề được nhiều quận, huyện đặc biệt quan tâm là phân cấp và những bất cập tồn tại. Theo ông Trần Gia Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, UBND huyện được phân cấp phê duyệt các QHXD nông thôn mới, nhưng khi thực hiện vẫn phải xin thỏa thuận vị trí cho các địa điểm đấu giá quyền sử dụng đất, khu chức năng của các làng xóm, đất xen kẹt là bất hợp lý.