Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu minh bạch khó nâng chất lượng ngành điện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Lễ tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 tổ chức cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu EVN cần quan tâm tới chất lượng ngành điện.

* EVN lại kiến nghị điều chỉnh giá bán điện

 Góc khuất của giá điện

Báo cáo tổng kết năm 2013 của EVN cho thấy, trong năm 2013, Tập đoàn đã cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế và các nhu cầu xã hội. Theo đó, điện sản xuất và mua là 127,84 tỷ kWh, tăng 8,47% so với năm 2012. Hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất điện với sản lượng 56,45 tỷ kWh. Trong năm 2013, doanh thu bán điện toàn Tập đoàn ước đạt 172.470,31 tỷ đồng, tăng 19,85% so với năm 2012. Chia sẻ với phóng viên về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, từ mức doanh thu trên, dự kiến năm 2013, EVN lãi kinh doanh điện khoảng 120 tỷ đồng. Tuy nhiên,  do "gánh" số lỗ từ những năm trước nên lũy kế đến ngày 31/12/2012, EVN lỗ 19.877,76 tỷ đồng, bao gồm cả lỗ kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá thành điện. Một lần nữa, trong báo cáo của mình EVN lại kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. "Tăng giá điện để kêu gọi đầu tư, do điện đang bán dưới giá thành”  hay "để tiến tới theo giá thị trường…" tiếp tục được EVN đưa ra.

 
Kiểm tra, bảo dưỡng Trạm biến áp 110 kV do EVN HANOI quản lý. Ảnh: Thế Dương
Kiểm tra, bảo dưỡng Trạm biến áp 110 kV do EVN HANOI quản lý. Ảnh: Thế Dương
 
Liên quan đến thu nhập của EVN, Phó Tổng Giám đốc Đặng Hoàng An chia sẻ, trong năm 2013, do sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn còn nhiều khó khăn để lại từ các năm trước, nguồn quỹ phúc lợi, khen thưởng tại các đơn vị rất hạn chế. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công nhân viên trong năm 2013 dự kiến tăng hơn năm trước, phù hợp với mức tăng năng suất lao động và chế độ tiền lương mới của Nhà nước.
Không đồng tình với việc kêu lỗ của ngành điện, ông Vũ Xuân Thuyên - chuyên viên cao cấp của Bộ KH &ĐT đưa ra những số liệu cụ thể, EVN hiện vẫn  mua điện của các doanh nghiệp ngành điện  chỉ 400 - 500 đồng /kWh. Với giá bán bình quân đảm bảo không lỗ của EVN là 1.304 đồng /kWh, việc kêu lỗ của ngành điện như vậy là khó chấp nhận. Đó là chưa kể đến rất nhiều nghi vấn khác. Đơn cử như từ 150 kWh trở đi giá bán điện được điều chỉnh lên tới 2.000 - 2.060 đồng, việc kiểm toán cũng chỉ soát xét trên hệ thống sổ sách của EVN, không thể kiểm tra hết hơn 20 triệu hóa đơn khách hàng (theo báo cáo mới nhất của EVN). Do vậy nguyên nhân thua lỗ của ngành điện, nếu có, là do sự thất thoát trong khâu phân phối điện, đầu tư ngoài ngành một cách dàn trải.

Còn nhớ, năm 2012, sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố giá thành điện năm 2010 của EVN cao hơn giá kiểm toán 92 đồng/kWh vì có nhiều khoản lên đến trên 3.000 tỷ đồng, mà đáng ra, nếu hạch toán vào giá điện thì giá điện bình quân năm 2010 đã không cao đến thế. Khi ấy, một lãnh đạo của EVN khẳng định: việc hạch toán chi phí giá điện được tập đoàn thực hiện theo đúng quy định kế toán Việt Nam. Năm 2013, Thanh tra Chính phủ tiếp tục công bố phát hiện một khoản gần 600 tỷ đồng chi cho việc xây "nhà quản lý vận hành" với cả bể bơi, biệt thự, sân tennis cũng được… hạch toán vào giá điện. Trong khi, có những khoản khổng lồ, lên đến cả ngàn tỷ đồng (tiền từ cho thuê cáp và cột điện dài hạn) nếu được thu và hạch toán vào giá điện thì chắc chắn sẽ kéo giá thành điện xuống.
Đẩy mạnh thị trường điện cạnh tranh

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị, năm 2014 EVN cần đẩy mạnh việc đưa thị trường điện vào cạnh tranh hơn phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu, đẩy mạnh công tác dịch vụ khách hàng, cung cấp cho khách hàng dùng điện các dịch vụ hoàn hảo hơn. Đặc biệt, EVN cũng cần tập trung phát triển các yếu tố thị trường để tiếp tục điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, công khai minh bạch các thông tin đến khách hàng, đẩy mạnh đầu tư và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra cốt lõi với EVN là phải phát triển bền vững, quan tâm tới chất lượng ngành điện. "Khách hàng cần những dịch vụ tương xứng với một giá điện cạnh tranh, minh bạch" - Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn đánh giá. Theo Phó Thủ tướng, nếu tiếp tục vận hành trong tình trạng "lỗ thường xuyên", "lỗ ổn định", tất cả các chuẩn mực của EVN sẽ giảm, đồng thời, chất lượng quản lý cũng như sản xuất kinh doanh của ngành điện sẽ bị xói mòn.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, với sự thiếu công khai, minh bạch, để giải bài toán thực chất EVN đang lãi hay lỗ, rất cần một cuộc "đại phẫu thuật". Và để có giá điện hợp lý, theo ông Phong,  nên rút ngắn lộ trình phát triển thị trường điện theo 3 cấp khoảng 2 - 3 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra. "Nhà nước cần ban hành chính sách giá điện hợp lý, minh bạch. "Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng để tạo điều kiện tốt cho hoạt động của thị trường điện" - ông Phong nhấn mạnh.

 
Năm 2014, cùng với việc hoàn thành và đưa vào vận hành 192 công trình lưới điện từ 110 - 500kV, phấn đấu vượt tiến độ các dự án thuộc danh mục các dự án cấp bách cung cấp điện cho phía Nam… EVN dự kiến đưa vào vận hành phát điện 5 tổ máy với tổng công suất 1.656MW, khởi công 5 dự án là: Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Nhiệt điện Thác Mơ mở rộng, Thủy điện Đa Nhim mở rộng.