Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu nguyên liệu sản xuất: Hàng điện máy, điện tử tăng giá

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ giữa tháng 4 đến nay, do nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là chip điện tử thiếu hụt dẫn đến giá bán các mặt hàng điện máy, điện tử, laptop tăng mạnh.

Người tiêu dùng mua laptop tại cửa hàng kinh doanh máy tính trên phố Thái Hà. Ảnh: Thu Hương
Đồng loạt tăng giá
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HC (DN quản lý khai thác hệ thống siêu thị điện máy HC) Hà Minh Tú, từ đầu tháng 4 đến nay, hầu hết các sản phẩm điện máy đều tăng giá từ 3 - 5%, riêng tivi tăng mạnh 10 - 20%. Cụ thể, Smart Tivi LG 4K 43 inch 43UN7190PTA hiện được bán với giá 12 triệu đồng, trong khi vào tháng 3, sản phẩm này chỉ có giá 8,9 triệu đồng. Tương tự, trong tháng 3, Smart Tivi Samsung 4K 55 inch UA55TU7000 có giá 15,2 triệu đồng nhưng hiện được bán với giá 17,7 triệu đồng/sản phẩm... Các sản phẩm điện máy khác như lò vi sóng, máy lọc nước, nồi cơm điện… cũng trong tình trạng tương tự. Cụ thể, lò vi sóng Sharp R-202VN-S tăng giá 700.000 đồng/sản phẩm so với đầu tháng 4, lò vi sóng Sharp R-20A1(S)VN hiện được bán với giá 2,3 triệu đồng/sản phẩm, trong khi tháng 4 chỉ 1,6 triệu đồng/sản phẩm.

Thời điểm này, tại nhiều cửa hàng, siêu thị kinh doanh laptop đã thông báo laptop nhãn hiệu Dell mã 5301 và 5402 đều đã hết hàng, khách muốn mua phải đặt cọc và chờ 3 - 4 tuần mới có hàng. Không chỉ khan hiếm, hầu hết các mẫu laptop đã tăng giá, chẳng hạn thương hiệu laptop Acer đã áp dụng bảng giá mới tăng từ 5 - 10% tùy từng sản phẩm. Theo đó, mẫu Acer Nitro 5 AN515-44-R9JM tăng từ 21 lên 22 triệu đồng/sản phẩm, còn mẫu Nitro 5 AN515-55-5923 có giá 24 triệu đồng/sản phẩm, tăng 2 triệu đồng so với trước. Tương tự, sản phẩm laptop nhãn hiệu HP, Dell cũng đã bắt đầu tăng giá từ 1 - 2 triệu đồng/sản phẩm.

Bên cạnh laptop, nhiều linh kiện máy tính, đặc biệt là card đồ họa sử dụng “đào” tiền điện tử đã tăng cả chục triệu đồng/sản phẩm. Trưởng phòng truyền thông Công ty TNHH Thương mại GearVN Thái Lê Tú cho biết, hệ thống các siêu thị máy tính đã ghi nhận tình trạng thiếu hàng cục bộ của ngành hàng laptop, bao gồm cả laptop gaming lẫn văn phòng; nghiêm trọng nhất là phân khúc laptop cao cấp từ 30 triệu đồng trở lên, cung không đủ cầu.

Thiếu hụt nguyên liệu sản xuất

Nguyên nhân khiến các mặt hàng điện máy, laptop tăng giá là do nguyên liệu sản xuất nhập khẩu khan hiếm. Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo Lê Xuân Hoàn cho biết, từ cuối tháng 3 đến nay, giá bán các loại linh kiện điện tử đã tăng 20%, nguyên liệu đồng tăng 50% và nhựa tăng 20%... “Nguyên liệu sản xuất tăng giá nên thời gian tới, Tập đoàn Kangaroo có thể điều chỉnh giá sản phẩm tăng thêm 10 - 30%” - ông Hoàn cho biết.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Ngô Khải Hoàn, thời gian qua, giá thép trong nước đã tăng phi mã 40 - 45% so với quý IV/2020. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... không ngừng tăng.

Nói về nguyên nhân sản phẩm laptop tăng giá 5 - 10%, đại diện Công ty CP Thương mại Tổng hợp và Xuất nhập khẩu TVH (DN quản lý khai thác hệ thống bán lẻ điện máy CellphoneS) cho biết, do nguồn cung linh kiện không đủ, đặc biệt việc thiếu hụt chip, nhất là thiếu bộ vi xử lý hình ảnh, đồ họa GPU khiến chi phí đầu vào bị đội lên, kéo theo sản phẩm máy tính vừa khan hiếm, vừa buộc phải tăng giá.

Bên cạnh đó, giá laptop có xu hướng tăng còn bởi các hãng và nhà phân phối tắc nghẽn trong khâu vận chuyển. Rất nhiều lô hàng không kịp vận chuyển bằng đường biển, phải đi bằng đường hàng không nên chi phí tăng đáng kể, việc tăng giá bán là không tránh khỏi. Các DN dự báo, thời gian tới giá bán các mặt hàng điện máy, laptop còn có thể tiếp tục tăng.
Cơn bão giá linh kiện khiến Acer phải thông báo sẽ tiếp tục tăng giá bán lẻ laptop vào đầu quý III/2021. Dự kiến từ nay đến hết quý II/2021, lượng laptop được nhập khẩu về Việt Nam không nhiều nên thời gian tới, nhiều mẫu laptop sẽ bị khan hàng. Sớm nhất phải đến quý IV, nguồn hàng laptop nhập khẩu cho thị trường Việt Nam mới có thể ổn định trở lại.

Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ Phong Vũ Hoàng Thái Phương