70 năm giải phóng Thủ đô

Thiếu nữ Việt đầu tiên đặt chân đến Nam cực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Nam Cực lạnh giá, hoang sơ đã thổi một luồng khí ấm nóng vào trái tim tôi để sau lần đầu tiên ấy, tôi đã thay đổi nhận thức, thay đổi quan niệm sống và bắt đầu thúc giục mình phải làm một điều gì đó bảo vệ hành tinh xanh của nhân loại”.

Chị hoàn toàn khác với trí tưởng tượng của tôi. Chị nhỏ bé, vui vẻ và hoạt bát chứ không cường tráng, lực lưỡng như những người ưa thám hiểm mà tôi từng biết. Một buổi chiều Sài Gòn dịu nắng, tôi được tiếp chuyện với chị, được nghe chị kể về lần đầu tiên đặt chân đến Nam Cực.

Một sự vô tình đã làm thay đổi hẳn suy nghĩ của con người về cuộc sống. Năm đó, Minh Hồng 24 tuổi, đã ra trường được hơn 2 năm đang có công việc ổn định tại một tờ báo.

Một lần nghe cô bạn nói có muốn đi Nam Cực không? Vốn tính tò mò lại ưa mạo hiểm, Hồng gật đầu ngay. “Khi ấy, bản thân tôi chưa biết Nam Cực là như thế nào, chỉ nghe nói là ở đó rất lạnh.

Tôi đăng kí dự thi với ngân hàng ABN AMRO, là ngân hàng của Hà Lan tài trợ cho thành viên Việt Nam trong chuyến thám hiểm. Cùng tham gia thi tuyển lúc ấy có 6 người khác, họ đều là phóng viên, biên tập viên truyền hình, cán bộ ngoại giao có tiếng  nên tôi nghĩ chắc gì mình vượt qua được họ.

Tôi phải trải qua 3 vòng thi viết và phỏng vấn về chủ đề môi trường sau đó gửi bài thi qua Hà Lan để chấm”, Minh Hồng chia sẻ.

Không ngờ, sau đó, Minh Hồng được thông báo là đại diện duy nhất của Việt Nam sẽ tham gia chuyến thám hiểm Nam Cực do UNESCO tổ chức, cùng với 34 bạn trẻ khác trên khắp thế giới.

Hồng cho biết: “Đa số thanh niên các nước không hề biết gì về Việt Nam, tôi nghĩ chỉ có những người lớn thì mới có thể biết đến Việt Nam qua cuộc chiến tranh Việt Nam.

Thế nhưng các bạn trong đoàn ai cũng hào hứng nghe những câu chuyện của tôi, họ yêu cầu tôi dạy họ bài hát Việt Nam. Họ hát những câu từ Việt Nam lắp bắp, ngọng líu và tỏ ra thích thú”.

Kỳ thú Nam Cực

Sau những ngày tập luyện ở một địa danh của Achentina, trong điều kiện thời tiết lạnh giá, đoàn bắt đầu lên tàu vượt biển để tới Nam Cực. “Đi qua eo biển Drake Passage, vùng biển dữ dội nhất trên thế giới, lần đầu tiên Hồng trải qua cảm giác say sóng khủng khiếp nhất trong đời.

Đã từng đi du lịch nhiều nơi, nhưng tôi chưa bao giờ chị bị say sóng, và eo biển mà con tàu đi qua là nơi giao nhau của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đã quật ngã mình”, Hồng nhớ lại chuyện say sóng.

Chị kể, hai ngày không ăn uống gì, nhưng chị và các bạn trong đoàn vẫn gắng gượng đứng dậy tham gia các lớp học trên tàu và các buổi thảo luận các dự án mà các thành viên trong đoàn sẽ tiến hành trong thời gian sống trên đất Nam Cực.

Và cuối cùng, chiếc tàu cũng tiến được ào Nam Cực. Những dãy núi băng hùng vĩ hiện ra, nước biển trong xanh thăm thẳm không một gợn bẩn và những đàn chim cánh cụt lững thững bước đi trên băng lạnh một cánh bình yên và hiền hòa. Cảnh thiên nhiên như một bức tranh thủy mặc của Nam Cực choán lấy tầm mắt Minh Hồng.

Hồng cảm nhận rằng: “Tại sao trên trái đất lại có nơi đẹp nguyên vẹn đến như vậy. Nơi mà không có dấu chân con người tàn phá, vẫn còn thuần khiết và tinh khôi của tạo hóa. Nhưng cũng thật đáng sợ khi biết được rằng, châu lục băng giá này đang dần tan.

Khí hậu đang nóng lên từng ngày. Cuộc sống con người trên toàn cầu sẽ bị đe dọa khi băng tan ở 2 đầu cực, nước biển sẽ dâng lên. Tôi bắt đầu cảm nhận được mối đe doạ, lo lắng cho nhân loại”.

Giữa sự bao la của Nam Cực, Minh Hồng lấy lá cờ đỏ sao vàng được gói cẩn thận trong hành trang và cắm cùng với cờ Liên hiệp quốc trong khu trại. Sau đó, mặc cho cái rét, cái buốt của chốn cực lạnh, chị diện chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam và khoác lên mình lá cờ đỏ sao vàng.

Các bạn trong đoàn thấy lạ, thi nhau chụp hình lưu niệm. Hồng nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc dâng trào. Chưa bao giờ chị thấy tình yêu quê hương và niềm tự hào trong mình lại trỗi dậy mãnh liệt như vậy. Hồng chạy khắp nơi, đôi chân nặng trịch trong băng như quên hết mệt mỏi, khó khăn.

Hồng chia sẻ, chuyến đi Nam Cực đó đã thay đổi cuộc đời chị. Sau chuyến đi, Hồng đã đánh đổi công việc đang tốt đẹp ở tờ báo bằng việc “xả thân” cho các dự án môi trường và phát triển. Vài năm sau, chị tham gia vào Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF). Hồng bắt đầu “lăn mình” khắp nơi vì những  vùng sinh thái và những cánh rừng của Việt Nam…