Thiếu phối hợp trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giảm nhẹ khí nhà kính (KNK) đã được xác định là phương thức sống còn để cứu nhân loại khỏi thảm họa biến đổi khí hậu – nước biển dâng.

Trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam đã chủ động triển khai hàng loạt chính sách ở tầm quốc gia về giảm nhẹ phát thải KNK và thích ứng với biến đối khí hậu.

Những nỗ lực cần ghi nhận

Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam đã có 254 dự án (DA) Cơ chế phát triển sạch (CDM) được Ban chấp hành Quốc tế về CDM (EB) công nhận. Hiện, Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về số lượng DA giảm nhẹ phát thải KNK, với tổng lượng tiềm năng giảm khoảng 137,4 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng. Trong số 254 DA, các DA về năng lượng chiếm 87,6%; xử lý chất thải chiếm 10,2%; trồng rừng và tái trồng rừng chiếm 0,4%; các loại khác chiếm 1,8%. Số chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CER) do EB cấp đến nay trên 12 triệu, đứng thứ 11 trên thế giới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, như: “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... Chính phủ cũng đã có chính sách ưu tiên về phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường… Việt Nam cũng tham gia INDC (dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định) gồm hợp phần giảm nhẹ phát thải KNK và hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. INDC Việt Nam xác định lộ trình giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn từ năm 2021 - 2030, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải KNK so với kịch bản thông thường (BAU) và có thể tăng lên 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế.

Biến đổi khí hậu - bài học nhãn tiền

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động lớn. Cụ thể, tổng sản lượng sản xuất từ trồng trọt có thể giảm từ 1 - 5%, năng suất cây trồng chính có thể giảm đến 10%. Trong trường hợp thời tiết cực đoan, có thể mất mùa hoàn toàn; khi ấy, từ 80 - 90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão và thiên tai như mưa đá, hạn hán, lũ lụt...

Ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu cho biết: Dù Việt Nam đã xác định mục tiêu giảm phát thải nhưng hiện chưa có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Việt Nam cũng chưa tiếp cận được nhiều công nghệ mới giảm phát thải KNK để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế… Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang thiếu cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành, thể chế, cơ chế chưa hoàn thiện; thiếu cơ ché khuyến khích các thành phần tư nhân cùng tham gia giảm lượng phát thải KNK…

Trong cuộc họp triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (tháng 3/2016), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Với trách nhiệm là Bộ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, đất đai, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, chúng ta cần có ngay những hành động phản ứng quyết liệt, những giải pháp kịp thời giải quyết tình hình ngay trước mắt, sớm cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Đồng thời, chuẩn bị đề xuất các giải pháp dài hạn, bền vững để đối phó với biến đổi khí hậu".
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, tính đến hết tháng 4/2016, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã lên tới 9.020 tỷ đồng. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến gần 475.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; gần 248.000ha lúa, 129.000ha cây công nghiệp, 19.000ha hoa màu, trên 52.000ha cây ăn quả và 5.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Theo Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp cần nguồn kinh phí 4 tỷ USD mới có thể đối phó hiệu quả với nạn hạn hán và nước mặn xâm lấn.