70 năm giải phóng Thủ đô

Thiếu quảng bá, khó phát triển nông sản an toàn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn tiêu thụ sản phẩm nông sản, rau an toàn đòi hỏi DN phải tăng cường đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời có cơ quan quản lý hỗ trợ DN trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn kinh doanh nông sản, rau an toàn trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018, do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức ngày 12/9.

 Phiên thảo luận giữa DN với cơ quan quản lý

Bí đầu ra cho sản phẩm
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước có 880.000ha rau cung ứng cho người tiêu dùng, tuy nhiên diện tích rau an toàn, rau VietGap chỉ chiếm dưới 10%. TP Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau 12.000ha, phân bổ ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau phong phú với trên 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ Đông Xuân. Sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, 40% cung cấp từ các địa phương khác.
Trên thực tế, mặc dù nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng là rất lớn nhưng chính bản thân các DN sản xuất, phân phối mặt hàng này lại đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Giám đốc Công ty Đầu tư & Thương mại Thái Bình Dương Nguyễn Minh Sơn và đại diện các DN có chung ý kiến: Hiện thị trường tiêu thụ rau an toàn chủ yếu đưa vào các chợ đầu mối, trong khi đa số người tiêu dùng chưa có khái niệm phân biệt rau sản xuất theo quy trình VietGap với rau trồng truyền thống chưa đạt chất lượng, từ đó khiến họ mất lòng tin nên không lựa chọn.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa phân tích: Người tiêu dùng chỉ phân biệt được rau an toàn khi có tem nhãn nhận diện của các DN, tuy nhiên có rất ít DN thực hiện công đoạn này và tham gia vào sản xuất rau an toàn do vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm cao trong khi tiền lương người lao động còn eo hẹp nên sức tiêu thụ thấp là điều khó tránh khỏi.
 Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức và đại biểu truy xuất nguồn gốc rau an toàn tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam

Hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm

Tại Diễn đàn, đại biểu các DN sản xuất, tiêu thụ rau an toàn có chung ý kiến, TP Hà Nội cần quan tâm hỗ trợ DN trong việc kết nối sản xuất, phân phối, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm. Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Để đưa nông sản đến gần với người tiêu dùng hơn, HPA đã giới thiệu website: nongsanantoanhanoi.gov.vn.
Qua đó, những thông tin về nông sản an toàn sẽ được cập nhật đầy đủ, cung cấp cho người tiêu dùng Hà Nội kinh nghiệm nhận diện nông sản sạch, an toàn bằng mã truy xuất điện tử QR Code, giới thiệu các sản phẩm uy tín đã được kiểm nghiệm, từ đó kết nối các chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Nói về những lợi ích mà website mang lại, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa nêu rõ: Đây là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng, tìm hiểu cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.
Thời gian tới, Hội sẽ tuyên truyền tới các cấp hội, hội viên về website để chị em hợp tác và đồng hành. Đồng thời kêu gọi các nữ doanh nhân Thủ đô có nguồn hàng đảm bảo chất lượng, đầy đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ tham gia quảng bá sản phẩm trên website nongsanantoanhanoi.gov.vn của Hà Nội.
Thực tế cho thấy, việc HPA xây dựng trang web nông sản an toàn Hà Nội sẽ giúp các nhà sản xuất tiếp cận quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn khác nhau. Đối với các nhà phân phối, qua website này sẽ tìm kiếm được sản phẩm của những đơn vị sản xuất được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Đặc biệt, trang web còn là diễn đàn để người tiêu dùng trực tiếp tham gia góp ý và phản ánh về sản phẩm dịch vụ với nhà sản xuất, nhà phân phối; phản ánh về chất lượng sản phẩm với cơ quan quản lý…
Ý kiến các đại biểu tham dự Diễn đàn cho thấy, trong thời gian tới, HPA cần chú trọng đầu tư, cập nhật thêm nhiều thông tin cho website nongsanantoanhanoi.gov.vn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời có tiêu chí rõ ràng, cụ thể với nhà sản xuất, kinh doanh tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm; nếu phát hiện DN vi phạm cần xử lý nghiêm.

Tổng biên tập Báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức

Đẩy mạnh truyền thông quảng bá, hạ giá thành sản phẩm

Để tiêu thụ nông sản, rau an toàn, bên cạnh sự vào cuộc của DN còn đòi hỏi người tiêu dùng thay đổi về nhận thức trong quá trình sử dụng sản phẩm. Để làm được điều này đòi hỏi chính bản thân DN cũng như HPA đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các DN sản xuất, phân phối rau, nông sản an toàn bên cạnh việc kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống bán lẻ hiện đại cần tăng cường quảng bá thương hiệu, sản phẩm, cần đẩy mạnh đầu tư sản xuất theo hướng hạ giá thành sản phẩm sao cho phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người lao động khi đó người tiêu dùng sẵn sàng tiêu thụ rau an toàn.

Ngoài ra, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, HPA cần đẩy mạnh tuyên truyền chuyên trang này trên các trang mạng xã hội, qua đó đưa trang thông tin trở thành sàn giao dịch thương mại điện tử.