Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu quyết liệt trong xử lý lạm thu, dạy thêm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các khoản phí đầu năm học đang là vấn đề “nóng” trong mỗi câu chuyện của phụ huynh học sinh (HS). Bức xúc nhất vẫn là ở các khoản thu “tự nguyện” ngoài học phí, mỗi trường một kiểu với nhiều hình thức khác nhau.

Thêm vào đó là những lời phàn nàn đầy lo lắng về chuyện học thêm, dạy thêm. Xem ra, đây vẫn là hai căn bệnh dai dẳng chưa chữa khỏi trong năm học này.

Sợ mất lòng... giáo viên

Sau bài viết “Báo động tình trạng lạm thu” đăng tải cuối tuần qua, báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh về các khoản đóng góp đầu năm. Một phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Nam Thành Công, cho biết, Ban đại diện cha mẹ HS lớp vận động phụ huynh góp tiền quỹ lớp để sửa chữa, thay đổi vị trí bục giảng cho giáo viên. “Không kể tiền học, tiền bảo hiểm y tế họ còn đưa ra số tiền đóng góp gồm: quỹ trường, quỹ lớp và một số khoản thu khác, lên tới 2,5 triệu đồng/HS. Gia đình tôi thu nhập ở mức trung bình, nên đầu năm học nào cũng phát “hoảng” với tiền trường, không hiểu những gia đình khó khăn còn lo đến mức nào” - vị phụ huynh này chia sẻ. Cũng một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học cho biết, lớp con chị cũng được ban phụ huynh hô hào “tự nguyện” đóng quỹ lớp 600 ngàn đồng/phụ huynh để lát lại nền gạch của lớp và lắp điều hòa...
   Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS do Bộ GD&ĐT ban hành quy định rõ: Phụ huynh có quyền từ chối các khoản ủng hộ nếu bản thân không muốn. Song thực tế, nhiều phụ huynh dù biết rõ những khoản thu này là
Trước những phản ánh của báo chí, dư luận về tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm, cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu UBND các tỉnh, TP giám sát, chấn chỉnh tình trạng này. Đồng thời, đề nghị các địa phương có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ HS để thu góp hoặc ép buộc HS may (mua) quần áo đồng phục trái quy định.
vô lý, nhưng không dám không... “tự nguyện”, không dám bày tỏ quan điểm bởi ngại con không “được lòng” cô giáo. Quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập do UBND TP Hà Nội ban hành, đã nêu rõ nguyên tắc xây dựng mức thu phải dựa trên dự toán chi phí, nội dung chi và phải được thỏa thuận bằng văn bản của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của Ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành. Tuy nhiên, một số nơi đã bỏ qua, hoặc làm tắt quy trình để đạt được sự “tự nguyện”. Điều đáng nói, khi bị tố giác, các trường thường hợp lý hóa các khoản hoặc để Ban đại diện cha mẹ HS đứng ra trả lại các khoản thu sai và mọi việc coi như chưa từng xảy ra. Còn Hiệu trưởng thường chỉ bị nhắc nhở, phê bình, chứ chưa có hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Vẫn còn nỗi lo học thêm

Ngoài các khoản thu, năm học này phụ huynh vẫn chưa hết bức xúc về tình trạng dạy thêm, học thêm. Một phụ huynh có con học lớp 3 ở một trường tiểu học của quận Cầu Giấy phàn nàn, bài tập toán có những đề bài quá khó hiểu đối với một đứa trẻ lớp 3. Vị phụ huynh này cho biết, sau bữa cơm tối, cô con gái phụng phịu đưa cho bố tờ giấy photocopy đề toán và đố bố giải được. “Sau khi xem đề, tôi đưa ra các cách giải khác nhau,  con gái đều lắc đầu, kêu bố làm sai. Rồi cháu nói nhỏ với tôi, chỉ những bạn học thêm nhà cô mới biết cách làm. Quả thật, khi con gái đưa ra lời giải, xem đi xem lại mà tôi vẫn mơ hồ không hiểu. Tôi chép lại đề toán và đố các đồng nghiệp cơ quan, 5 - 7 người xúm lại cùng giải. Cuối cùng mọi người đều “bó tay”. Ngay cả khi đã đưa đề cho một giáo viên dạy toán cấp 3 giải, cũng nhận được câu trả lời: “Không hiểu nổi!”. Đề toán "đánh đố" như vậy, thử hỏi phụ huynh nào dám không cho con đi học thêm” - vị phụ huynh chia sẻ.

“Không cho đi học thêm, kể cả bài làm có đúng thì cô giáo cũng có lý do để trừ điểm, như: Chữ xấu, trình bày chưa đẹp; có phụ huynh không cho con đi học nhà cô thì bố mẹ luôn nhận được sự phàn nàn từ cô như: Con ở lớp tiếp thu bài chậm, không chú ý nghe giảng; nghịch ngợm...” – lời giãi bày này không chỉ của riêng vị phụ huynh ở khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa), mà khá nhiều phụ huynh khác cũng có cùng phàn nàn này.

Không nói rằng đây là căn bệnh chung của các trường học ở Hà Nội, mà chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Song có nghĩa, căn bệnh lạm thu và dạy thêm học thêm vẫn còn tồn tại. Một trong những lý do cơ bản khiến cho 2 căn bệnh này ngày càng dai dẳng, khó chữa là do xử lý thiếu quyết liệt từ cấp lãnh đạo, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Để ngăn chặn được tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục không nên “trống dong cờ mở” thành lập các đoàn kiểm tra chỉ để nghe báo cáo từ cơ sở, mà cần đi thực tế, trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để hiểu được những bức xúc từ phía phụ huynh. Có như vậy mới mong không tái diễn nỗi bức xúc của phụ huynh về những khoản đóng góp mang tên “tự nguyện” hay tình trạng dạy thêm, học thêm.