Thiếu trầm trọng cơ sở bảo hành máy nông nghiệp

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do thiếu trầm trọng cơ sở bảo hành, sửa chữa ở các địa phương nên phần lớn người nông dân mua máy móc cơ giới hóa nông nghiệp khi bị hỏng phải tự sửa chữa.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và công nghệ chế tạo máy nông nghiệp do Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tổ chức ngày 22/9.

 Vận hành máy gặt đập liên hợp tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ.

Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) Lê Văn Bảnh –cho biết, trong những năm qua, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có một số khâu đạt tỷ lệ cao nhưng chưa đồng bộ, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao, chế tạo máy móc chưa đáp ứng nhu cầu. Đánh giá của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cũng cho thấy, sự phát triển của cơ giới hóa nông nghiệp chưa bền vững, chưa toàn diện, đồng bộ, mới chỉ tập trung vào cây lúa ở một số khâu, trình độ và hiệu quả còn thấp. Bên cạnh đó, ngành cơ khí trong nước chậm đáp ứng nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, nhiều chủng loại máy nông nghiệp đang có nhu cầu lớn như máy cấy, liên hợp… phải nhập khẩu.

Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch Chu Văn Thiện thông tin thêm về thực trạng công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản. Qua khảo sát 92 cơ sở chế tạo máy tại 15 tỉnh, TP đại diện cho cả 7 vùng kinh tế cả nước cho thấy, DN nhỏ chiếm chủ yếu 53%, DN siêu nhỏ là 36%. Về trang thiết bị chế tạo, vẫn còn nhiều trang thiết bị trong tình trạng đã cũ 47%, trang thiết bị chế tạo đã lạc hậu chiếm 6%. Trang thiết bị hiện đại chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ 5% và trang thiết bị tiên tiến mà các cơ sở chế tạo đang có là 42% song các thiết bị chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan, hầu như rất từ các nước phát triển. “Đặc biệt, hệ thống mạng lưới dịch vụ bảo hành sửa chữa vẫn còn đang thiếu và hạn chế, người mua khi sử dụng máy nếu xảy ra hư hỏng thì chủ yếu là tự sửa vì không có trạm sửa chữa tại địa phương” – ông Thiện cho hay.

Hiện nay, thị phần thị trường máy móc nông nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan… chiếm con số áp đảo gần 70%, trong khi đó sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm ít ỏi từ 15 – 20%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần