Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng do các tỉnh, thành không thể tự đấu thầu

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đây là phần trả lời chất vấn của ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) diễn ra vào sáng 7/12.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra vào sáng 7/12, kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) có 8 đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND quận 12 và 6 giám đốc các Sở.

Sau khi nghe ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND quận 12 báo cáo vắn tắt một số tình hình về công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn, đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo đã đặt ra một số câu hỏi.

Đại biểu dự kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) tr.
Đại biểu dự kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) tr.

Cụ thể, trên địa bàn quận 12 có nhiều khu đất của Nhà nước giao cho các doanh nghiệp quản lý, sử dụng nhưng không hiệu quả, giải pháp khắc phục của quận 12 thế nào? Với vai trò là người đứng đầu thì Chủ tịch UBND quận 12 có đề xuất, kiến nghị gì để chăm lo tốt hơn đời sống người dân?

Ông Nguyễn Văn Đức cho rằng qua kiểm tra 50 khu đất của Nhà nước do TP và Trung ương giao cho những tổ chức quản lý sử dụng không hiệu quả, lãng phí thì có 6 khu đất do các tổng công ty quản lý, 44 khu đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng.

“Qua kiểm tra chúng tôi đề xuất TP thu hồi và giao cho quận 12 xây trường học, các công trình công cộng, đến nay đã xây được 3 ngôi trường. Đối với Trung tâm Sâm - Dươc liệu có diện tích khoảng 10.700 m2, đây là khu đất do Bộ Y tế quản lý nhưng sử dụng không hiệu quả. Lãnh đạo quận nhiều thời kỳ đều mong lấy lại khu đất này để xây trường học. Vì gần đó là Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ diện tích 1.760m2, xây dựng từ năm 1990 đến nay xuống cấp nghiêm trọng, nhà trường phải thuê địa điểm gần đó để dạy học, trong khi khu đất Trung tâm Sâm – Dược liệu lại đem cho thuê. Chúng tôi mong TP làm văn bản đề nghị Bộ Y tế giao lại khu đất này để quận 12 xây dựng trường”, ông Nguyễn Văn Đức kiến nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Danh đề nghị Giám đốc Sở Y tế nêu trách nhiệm về việc cạn kiệt nguồn vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi thời điểm tiêm theo độ tuổi?

Ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế trả lời: “Từ tháng 6/2023, Sở Y tế đã lo lắng việc thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng, nên đã tham mưu UBND TP gửi văn bản cho Bộ Y tế về việc này. Tuy nhiên, do Bộ Tài chính không còn rót ngân sách cho Bộ Y tế mua vaccine. Do đó, từ đầu năm 2023, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành tự đấu thầu mua vaccine, nhưng rất khó vì không tìm được nguồn và không thể đăng ký mua từ nước ngoài. Từ tháng 7/2023 đến nay, chúng tôi ráng chờ và liên tục có văn bản tham mưu UBND TP kiến nghị Bộ Y tế nhanh chóng có vaccine. Nếu kéo dài tình trạng thiếu vaccine, sẽ có nguy cơ tăng dịch bệnh. Hiện nay không có tỉnh, thành nào tự đấu thầu được vấn đề vaccine”.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh chất vấn Giám đốc Sở Công thương đã có những giải pháp gì trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết những khó khăn thời gian qua? Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, giá nhiều mặt hàng sẽ tăng cao, gây áp lực đối với người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Sở Công thương có giải pháp gì để hỗ trợ người dân?

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương, trả lời: “Đầu năm 2023 tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn, đến nay có 162.289 doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn 610.000 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2022). Về hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào đầu năm giảm 30% so năm trước, nên Sở đã phối hợp với các cơ quan của Việt Nam đặt tại nước ngoài và đến nay giải quyết khó khăn đối với 2 ngành: gỗ, dệt may. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn khó khăn như đầu tư phải tạm dừng, sức mua các thị trường xuất khẩu giảm mạnh. Hàng hóa Việt Nam khi xuất lại bị chậm được thanh toán, trước kia xuất thì nhận tiền ngay, còn hiện giờ xuất xong phải gửi hàng trong kho ở nước ngoài”.

Về vấn đề hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp trong thời gian giáp Tết Nguyên đán, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm, TP là thị trường có quy mô lớn, để đảm bảo ổn định thị trường, Sở tiếp tục kích hoạt chương trình bình ổn giá đã được thực hiện từ 21 năm qua. Có 45 doanh nghiệp tham gia với trên 10.400 điểm bán hàng. Hiện nay các doanh nghiệp đang ráo riết chuẩn bị nguồn hàng đa dạng, Sở cũng phối hợp các tỉnh chuẩn bị hội nghị kết nối cung cầu; tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung để doanh nghiệp bán được hàng, người tiêu dùng mua được giá rẻ. Các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng để mua hàng, và cam kết đủ lượng gạo cung ứng cho thị trường.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn Chủ tịch UBND quận 12 và các giám đốc sở, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ yêu cầu UBND quận 12 cần tập trung soạn thảo văn bản ngay sau kỳ họp 13 để kiến nghị UBND TP đối với việc thu hồi đất xây dựng trường học, công trình công cộng. Cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, vì đến nay quận 12 mới chị đạt 25%. Cần quan tâm hơn quản lý nhà, đất công trên địa bàn. Đồng thời, tập trung quyết liệt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 23 của Thành ủy trên địa bàn.

Đối với các Sở, cần có giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với lĩnh vực mình phụ trách, trong công tác quy hoạch cần đẩy nhanh tiến độ và công khai quy hoạch. Đề nghị UBND TP cần chuẩn bị các giải pháp, đề án trồng cây xanh tại các khu đất có bãi rác để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đối với Sở Nội vụ cần sớm trình HĐND TP việc bố trí sắp xếp, tiêu chuẩn, định mức đối với người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn.