Thiếu việc làm sau xuất khẩu lao động: Lãng phí nguồn nhân lực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều lao động sau thời gian làm việc ở nước ngoài về nước, gặp khó khăn trong việc tạo dựng nghề nghiệp hoặc kiếm một công việc có thu nhập ổn định. Đây là thực tế đáng quan tâm được chỉ ra từ nghiên cứu "Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng đã trở về Việt Nam" của Viện Khoa học LĐ&XH.

Hơn 50% làm công việc giản đơn

Nghiên cứu được tiến hành trên 1.450 lao động Việt Nam đi làm việc ở Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc theo các chương trình XKLĐ đã về nước (giai đoạn từ 2004 - 2011) tại 8 địa bàn điển hình về hoạt động XKLĐ. Kết quả cho thấy, người lao động khó hòa nhập thị trường và để kiếm được công việc phù hợp với kiến thức, kỹ năng thu nhận được trong quá trình làm việc ở nước ngoài; chỉ có 9,38% đã kiếm được việc đúng với ngành nghề. Trong khi đó, tỷ lệ lao động làm những công việc giản đơn chiếm tới 57,3% số người đang có việc làm. Số lao động được ký hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội còn rất thấp (24%, tập trung ở số lao động trở về từ Nhật Bản và Hàn Quốc). Còn lại đều làm nhưng công việc trong lĩnh vực nông nghiệp...

Thực tế cho thấy, do sử dụng tiền tích lũy chưa hiệu quả (phần lớn trả nợ phát sinh từ trước hoặc trong quá trình đi XKLĐ, xây dựng, sửa chữa nhà và mua sắm đồ đạc), nên người lao động vẫn phải chấp nhận làm những công việc có mức thu nhập thấp. Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, những lao động này có thể phát triển ngay tại địa phương nếu có điều kiện và môi trường phù hợp. Rõ ràng, đang có một sự lãng phí quá lớn về nhân lực. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: Thiếu thông tin và các dịch vụ hỗ trợ việc làm; trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật còn thấp; thiếu vốn và thiếu kiến thức.

Cần giải pháp phù hợp từ địa phương

Bình quân, mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 70 - 80.000 người đi XKLĐ, trong đó 2/3 làm việc trong những nhà máy công nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau. Sau 3 năm trở về, ngoài tích lũy tiền bạc, kinh nghiệm sống, nhiều lao động còn mang về nước vốn tay nghề kỹ thuật và công nghệ của ngành cơ khí, chế tạo, điện tử, sản xuất ôtô... Nhưng một nghịch lý, trong khi các doanh nghiệp thiếu trầm trọng lao động có tay nghề, thì một bộ phận không nhỏ người đi XKLĐ về nước có kỹ năng và tay nghề cao lại phải làm ruộng vì… thất nghiệp.

Đề cập đến vấn đề hậu XKLĐ, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ về đào tạo cũng như hướng nghiệp cho lao động trong nước, nhưng những chính sách khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau khi XKLĐ trở về vẫn hạn chế. Vì vậy, họ cần được chính quyền, địa phương quan tâm tư vấn, chỉ dẫn cách đầu tư đồng vốn sao cho hiệu quả hoặc giới thiệu việc làm phù hợp với tay nghề. Nghĩa là tạo ra những kênh kết nối giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu, thì sẽ tận dụng được tối đa trình độ, khả năng về tay nghề, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm làm ăn ở nước ngoài.