Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thịt ngoại ồ ạt vào Việt Nam, giá lợn trong nước đã giảm gần 20.000 đồng/kg

Minh Anh/Tieudung.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do tỉ lệ tái đàn lợn tăng nhanh, cộng với việc nhập khẩu lượng lớn thịt lợn từ các nước đã kéo giá lợn giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất (tháng 6/2020).

Báo cáo của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2020, 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt trên 93% kế hoạch Chính phủ giao. Lượng thịt này được nhập chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga.

Thịt ngoại ồ ạt vào Việt Nam, giá lợn trong nước đã giảm gần 20.000 đồng/kg.

Cùng với nhập khẩu thịt lợn, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc nhập khẩu lợn sống. Từ ngày 12/6/2020 đến 12/8/2020, có 40 doanh nghiệp của Việt Nam đã đăng ký kiểm dịch nhập khẩu hơn 5 triệu con lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam, trong đó, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 97.338 con lợn thịt từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ, làm thực phẩm.

Để đáp ứng nhu cầu về con giống phục vụ công tác tái đàn, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã nhập khẩu 11,84 nghìn con lợn giống bố mẹ. Năm 2020, dự kiến các doanh nghiệp nhập khẩu gần 400.000 con lợn giống nguồn.

Số lượng lợn giống nhập khẩu và số lượng tự sản xuất trong nước sẽ giúp chủ động được số lượng giống thay thế theo chu kỳ sản xuất, đáp ứng số lợn giống cho sản xuất giai đoạn 2021 - 2024.

Do nguồn cung tăng nên giá thịt lợn trong tuần qua xuất bán tại cửa chuồng đã giảm khoảng 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất (tháng 6/2020).

Hiện nay, giá lợn hơi tại miền Bắc (gồm Hà Nội và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng) dao động trong khoảng 80.000 - 84.000 đồng/kg; tại miền Trung - Tây Nguyên 79.000 - 85.000 đồng/kg; tại miền Nam 78.000 - 85.000 đồng/kg.

Nhiều tỉnh, TP tái đàn đạt tỉ lệ 100%

Căn cứ thống kê của 63 tỉnh, TP, Cục Chăn nuôi nhận định, đến cuối tháng 7/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).

Trong đó, nhóm 1 có 12 tỉnh, TP tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018). Đứng đầu là Bình Phước đạt 164,7%; tiếp đến là Bình Định; Kon Tum; Đắc Nông; Quảng Ngãi; Ninh Thuận; Yên Bái; Hòa Bình; Tây Ninh; Sơn La; Lâm Đồng; Khánh Hòa.

Nhóm 2 tỷ lệ tái đàn từ 90 - dưới 100%, trung bình tái đàn 94,3% so với 31/12/2018, gồm 9 tỉnh: Bình Thuận; Gia Lai; Quảng Bình; Thanh Hóa; Phú Yên; Bình Dương; Đắk Lắk; Hà Giang; Cần Thơ.

Nhóm 3 với tỷ lệ tái đàn từ 70 - dưới 90%, trung bình tái đàn 81,0% so với 31/12/2018, gồm 20 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang; Nghệ An; Hưng Yên; Nam Định; Đồng Nai; Bắc Giang; Thái Nguyên; Lào Cai; Hà Tĩnh; Cà Mau; Trà Vinh; Bà Rịa Vũng Tàu; Điện Biên; Hà Nam; Thừa Thiên - Huế; Bắc Kạn; Phú Thọ; Cao Bằng; Bạc Liêu; Lai Châu.

Nhóm 4 gồm 22 tỉnh, TP với tỷ lệ tái đàn dưới 70%, trung bình tái đàn chỉ đạt 55,5% so với 31/12/2018, gồm: Bắc Ninh; Thái Bình; Hà Nội; Vĩnh Long; Đồng Tháp Quảng Trị; Quảng Nam; Kiên Giang; Tiền Giang; Vĩnh Phúc; Hậu Giang; Ninh Bình; Sóc Trăng; Long An; Hải Dương; Quảng Ninh; Bến Tre; TP Hồ Chí Minh; An Giang; Hải Phòng; TP Đà Nẵng; Lạng Sơn.

Theo báo cáo của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi heo lớn: Đàn lợn thịt đến tháng 7/2020 đạt trên 4,88 triệu con, tăng so với 1/1/2019 (trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi) là 52,8%, tăng so với 1/1/2020 là 46,8%. Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết quý III đạt 5,17 triệu con và quý IV đạt 5,36 triệu con tăng 68% so với thời điểm đầu năm nay.