Thợ chùi lư đồng với 30 năm nghề, thu nhập tiền triệu mỗi ngày dịp Tết

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhteodthi – Với hơn 30 năm trong nghề... chùi lư đồng, ông Trần Ngọc Bửu được nhiều khách hàng tìm đến bởi tay nghề cao và uy tín. Đặc biệt, những ngày cận Tết, lượng khách tăng gấp nhiều lần và đem đến cho ông thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

Video: Ông Trần Ngọc Bửu - thợ chùi lư với hơn 30 năm gắn bó với nghề, thu nhập tiền triệu mỗi ngày dịp Tết.

Hái tiền triệu mỗi ngày dịp Tết

Những ngày cận tết, khi nhà nhà tất bật lo dọn dẹp nhà cửa, trang trí lại bàn thờ gia tiên đón chào năm mới, cũng là thời điểm những người làm nghề chùi bóng lư đồng “vào mùa”.

Ông Trần Ngọc Bửu - người thợ với hơn 30 năm nghề chùi lư đang tỉ mỉ thay áo mới cho các bộ lư  Ảnh Hồng Thắm
Ông Trần Ngọc Bửu - người thợ với hơn 30 năm nghề chùi lư đang tỉ mỉ thay áo mới cho các bộ lư  Ảnh Hồng Thắm

Đây cũng là mùa ông Trần Ngọc Bửu (65 tuổi, ngụ Chợ sắt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) luôn tất bật với những bộ lư đồng trên tay. Ông Trần Ngọc Bửu cho biết, gần 1 tháng trước Tết, gần như ngày nào cũng tấp nập khách đến gửi các bộ lư đồng để đánh bóng. Trung bình mỗi ngày, ông nhận từ 15 - 20 bộ lư để đánh bóng; mỗi bộ lư vừa được làm sạch và đánh bóng có giá giao động từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Đối với những bộ lư bị hư cần phải sửa chữa hay có họa tiết phức tạp, giá đánh bóng có thể cao hơn.

Ông Trần Ngọc Bửu và thợ tất bật làm vệ sinh những bộ lư đồng để kịp giao cho khách. Ảnh Hồng Thắm
Ông Trần Ngọc Bửu và thợ tất bật làm vệ sinh những bộ lư đồng để kịp giao cho khách. Ảnh Hồng Thắm

"Tết nào, tôi đều phải thuê thêm 3 người để phụ mới kip giao hàng cho khách. Mỗi bộ lư đồng phải mất từ 1-3 tiếng để làm xong nên cả nhà phải làm sáng sớm đến tối mịt mới dám nghỉ tay. Với những bộ đơn giản, tôi chỉ làm trong 1 giờ, tuy nhiên có nhiều bộ phức tập tạp cần mình phải tỉ mỉ đến 3 giờ. Lư đồng là món đồ được nhiều gia đình truyền từ đời này sang đời khác nên có giá trị vật chất và tinh thần rất lớn, tiền bạc không thể mua được. Do đó trong từng công đoạn, tôi phải hết sức tỉ mỉ và cẩn thận.”, ông Trần Ngọc Bửu chia sẻ.

Những bộ lư đồng đã được đánh bóng. Ảnh: Hồng Thắm 
Những bộ lư đồng đã được đánh bóng. Ảnh: Hồng Thắm 

Đam mê với nghề truyền thống

 Chia sẻ về những ngày tháng gian nan mới kết duyên với nghề, ông Bửu kể, hơn 30 năm trước ông bắt đầu với những vài đồ nghề thô sơ, chỉ nhận được vài bộ lư từ khách quen. Lúc này chưa có cơ sở nên ông ngồi trước cửa chùa Bảo An để nhận đơn hàng. Sau khoảng thời gian, ông dời địa điểm về chùi lư tại nhà và nơi đây trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều khách hàng tìm đến mỗi dịp Tết.

Những người thợ theo nghề này thường xuyên phải tiếp xúc với các thứ độc hại như bụi bặm, hóa chất đánh bóng. Ảnh Hồng Thắm
Những người thợ theo nghề này thường xuyên phải tiếp xúc với các thứ độc hại như bụi bặm, hóa chất đánh bóng. Ảnh Hồng Thắm

Theo ông Bửu, nghề chùi lư đòi hỏi sự chịu khó, tỉ mỉ từng chi tiết, từ đó mới tạo nên uy tín để khách hàng tìm đến. Đặc biệt, bộ lư đồng mang giá trị tinh thần rất lớn đối với mỗi gia đình, thế nên mình cần tận tậm nhiều hơn, nâng niu bộ lư như chính tài sản của mình, mới có thể “thay áo mới bóng loáng” cho mỗi chiếc lư.

Người thợ phải tỉ mỉ để đánh bóng kỹ từng chi tiết nhỏ nhất mà không làm biến dạng bộ lư. Ảnh Hồng Thắm
Người thợ phải tỉ mỉ để đánh bóng kỹ từng chi tiết nhỏ nhất mà không làm biến dạng bộ lư. Ảnh Hồng Thắm

Để có một bộ lư sáng bóng, phải trải qua 4 công đoạn, tháo chi tiết, làm vệ sinh, phơi nắng và sau cùng là đánh bóng. Công đoạn nào cũng cần kinh nghiệm và bí quyết riêng để bộ lư đồng có độ bền sau khi được đánh bóng. Trong đó, đánh bóng được xem là công đoạn quan trọng nhất, tạo sự quyết định độ đẹp cho bộ lư đồng.

Chia sẻ về động lực bám trụ nghề, ông Trần Ngọc Bửu nói: “Với tôi nghề đánh bóng lư đồng là nghề truyền thống cần lưu giữ cũng như cách mỗi nhà lưu giã bộ lư đồng của mình. Tôi đam mê cái đẹp, thích thú mỗi khi biến những bộ lư cũ thành mới toang, sáng bóng. Đó cũng là động lực giúp tôi bám trụ, bởi nếu không không có đam mê sẽ khó bám trụ với nghề này, khi phải thường xuyên tiếp xúc với với các thứ độc hại như bụi bặm, hóa chất đánh bóng,...”

Nhờ có tay nghề cao và uy tín nên nhiều khách tỉnh ở xa như An Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… vẫn gửi bộ lư đến nhà để ông Bửu làm đẹp. Công việc tuy vất vả nhưng với đam mê nghề và mong muốn lưu giữ nghề truyền thống, ông Bửu và gia đình vẫn luôn kiền trì, tỉ mỉ với từng công đoạn để tạo nên chiếc áo mới cho mỗi chiếc lư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần