1. Trong những năm chiến tranh, chúng tôi sơ tán khắp nơi mọi chốn, từ vùng ác liệt đến những vùng xa trung tâm hơn. Phương án đầu tiên vẫn là tìm đến những gia đình họ hàng ở các miền quê. Nhà đông con, có khi vài đứa ở vào một gia đình cách nhau đến vài làng. Chúng tôi được ôm ấp, bảo vệ và học hành trong tình cảm nồng ấm của những người được gọi là “có họ với nhà mình”. Tôi ngạc nhiên vì cái họ nhà mình sao mà đông thế, lại ở khắp nơi xa nhau đến thế. Hết nội đến ngoại, có khi bán kính lòng vòng đến vài trăm km. Tôi học được cách làm lụng, cách nhận biết các loài cây con, núi này sông nọ, các cách ứng xử… từ vùng này qua vùng nọ cũng là nhờ vào những đợt sơ tán ấy.
Hàng năm, vào ngày 10/3 Âm lịch, hàng triệu con lạc cháu hồng lại nhịp bước lên núi Nghĩa Lĩnh, tỏ lòng thành kính với vị vua Hùng |
Sau chiến tranh, chúng tôi lớn lên và làm ăn ở TP. Ký ức tuổi nhỏ thật lâu bền với lòng biết ơn những người đã cưu mang. Dù cuộc sống chưa nói là chắc chắn, nhưng chúng tôi lại cưu mang những con cháu từ mọi miền hướng về TP học hành, làm ăn. Nhiều lúc chỉ là một yếu tố tinh thần để con cháu vững tâm, học hành, bám trụ và lập nghiệp.
Những cuộc di dân đến các vùng đất mới, có khi cả nhánh họ rủ nhau cùng đi để “có anh có em” rồi lập thành các nhóm dân cư tối lửa tắt đèn, no đói có nhau để lập nghiệp.
Thuở xưa, từ các vị tướng lĩnh mang gươm đi mở cõi đến những người phát vãng xa xôi, có khi họ lập nghiệp rồi mang theo cả bài vị, mồ mả tổ tiên mà xây dựng cuộc sống. Lịch sử Tổ quốc Việt Nam cho đến nay là lịch sử vất vả gian nan trên một điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và nghèo tài nguyên, trên đằng đẳng thời gian tao loạn và biến động. Cái sợi dây thân tộc nó bền chặt và dai dẳng biết bao nhiêu.
2. Tục thờ cúng tổ tiên là một trong những hạt nhân vững bền qua thử thách thời gian, kéo đến tận bây giờ, phô diễn cả mặt lợi và cả mặt hại của nó. Nhưng nhìn bao quát, nó trở thành một đặc sắc văn hóa trường tồn cùng văn hóa dân tộc.
Truyền thống tốt đẹp ''uống nước nhớ nguồn'' của người Việt đã được nối tiếp từ đời này qua đời khác. |
Tổ tiên (hay tổ tông) là một khái niệm vừa mang tính hiện thực trực tiếp theo quan hệ thân tộc, vừa là một “cộng đồng tưởng tượng” mang tính huyền thoại, khi nó nhằm chỉ một thế giới các bậc tiền bối đã khuất mà vẫn có một cuộc sống theo mô hình nhân gian được huyền hoặc hóa. Mọi văn hóa trên thế giới này đều có quan niệm tổ tiên của mình theo hướng suy nguyên đến thời kỳ xa xưa nhất của thị tộc công xã nguyên thủy. Nhưng ở các văn hóa khác nhau, có những hướng phát triển, những biến thái phong phú và phức tạp.
Thờ cúng tổ tiên (phụng sự tổ tông), với người Kinh, nó đã trở thành một hệ thống tín ngưỡng vững bền trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Nó đã bắt đầu mang những yếu tố tương tự là một tôn giáo đặc biệt.
- Về biểu tượng cao nhất: Đó là vị Thủy tổ, vị tổ đầu tiên sinh ra dòng họ và là một hình tượng tưởng tượng mà thôi.
- Về cơ sở vật chất: Gắn với mộ tổ, nghĩa trang dòng họ, nhà thờ tổ tiên, đồ thờ, hoành phi câu đối, ruộng kỵ, quỹ họ.
- Về tài liệu văn bản: Gia phả (nước có quốc sử, nhà có gia phả), phú ý, các bài gia huấn, các nội dung đại tự và câu đối.
- Về nghi thức tín ngưỡng: Nó có lễ Tế Thủy tổ, cúng vái gia tiên, lễ nhập họ, phong tục tảo mộ, các lễ lạt trong họ như lên lão, khao vọng, thăm hỏi, cưới xin (bạn con dì trời cho, bạn con cô trời phạt) tang lễ (thừa nội chí ngoại)…
- Về lực lượng thực hành: Người trưởng tộc chỉ đạo, các gia đình thực hành, thầy cúng hoặc người tư văn, người có kinh nghiệm, già cả tham gia.
Giá trị tốt đẹp của ''Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương'' đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. |
- Về quá trình truyền bá, lan tỏa thì rất phong phú với nhiều chiều hướng và nhiều tính chất khác nhau. Quá trình này được gọi là xu hướng “thân tộc hóa”. Gần là con nuôi (nghĩa tử) nhập họ, ngụ cư xin họ, thờ cúng thầy như cha, loạn ly đổi họ, nhà vua ban họ, hoạt động cách mạng thay họ, mang họ thánh thần theo tôn giáo khác. Và gần đây là xu hướng liên kết họ toàn quốc mặc dù gốc tích có thể khác nhau về huyết thống mà không thể nghiên cứu khẳng định được.
Xa hơn là mô hình thân tộc trở thành mô hình quản trị xã hội với những hệ lụy trong việc phát triển xã hội văn minh. Cái truyền thống đè nặng lên vai sự vận động hiện đại. Từ thờ cúng tổ tiên, mở rộng ra tục thờ thành hoàng, thờ tổ nghề, thờ Hùng vương, thờ Quốc tổ, Quốc mẫu… Những yếu tố cơ bản của một hình thức tôn giáo sơ khai đã khá định hình.
3. Với tư cách là một hệ thống tín ngưỡng, tục thờ tự tổ tiên đã vượt qua nhiều thử thách và vẫn tồn tại trong xã hội đương thời. Thử thách lớn nhất là nó đối diện với các tôn giáo khác biệt. Nhà báo - nhà giáo Phan Kế Bính cách nay hơn 100 năm là người thấm đẫm văn hóa truyền thống phương Đông và tiếp xúc tư tưởng hiện đại phương Tây đã có những khảo tả đầu tiên về “Phụng sự tổ tông”. Ông nhấn mạnh:
“Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người. Nhưng cũng nên biết rằng, sự cúng cấp là tỏ cái lòng thành kính, chứ không phải là để mà phụng dưỡng tổ tiên, thì làm cách nào cho ngụ được cái lòng ấy cũng đủ”.
Ông cũng không quên phê phán xu hương biến nó thành hủ tục tốn kém và sân si khi thực hành việc tụ tập cúng cấp, và “giá như dùng cách nào thanh lịch mà đỡ phiền phí thì có lẽ tiện hơn”.
Năm nay, vì lý do dịch bệnh, Khu di tích đền Hùng không mở hội trong ngày giỗ Tổ, nhưng những người con đất Việt bốn phương vẫn một lòng hướng về đất Tổ |
Là một tục lệ, thờ cúng tổ tiên là điểm quy tụ của quan hệ thân tộc và mở rộng ra quan hệ xã hội. Những hệ lụy từ truyền thống quá khứ thường để lại di chứng nặng nề cho sự phát triển xã hội văn minh, hiện đại khi hướng đến công bằng, dân chủ và quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân. Tâm lý “một người làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ vạ lây” không phải không còn tác hại trong xã hội ngày nay. Tâm lý ganh đua họ này với họ khác, tâm lý kỳ thị các dòng họ không phải không còn cơ hội tái phát.
Tuy nhiên, trên tổng thể văn hóa, mối quan hệ thân tộc vẫn có những mặt tích cực thường nhật của nó. Đặc biệt, với hoàn cảnh Việt Nam, khi mà cơ sở xã hội như an sinh xã hội, dịch vụ công cộng, nền tảng kinh tế… thì tinh thần “chị ngã em nâng”, “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “tương thân tương ái”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”… vẫn khả dụng trong đời sống. Khi hoạn nạn, đau yếu, thất bại, già cả, dịch bệnh… thì chỗ nương tựa cho tất cả mọi người, từ biển đến rừng, từ Bắc bộ khá ổn định đến Tây Nam bộ quăng quật cùng sóng nước… thì cái nghĩa “anh em như thể chân tay” vẫn cứu rỗi chúng ta, không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần. Từ thiện thân tộc cũng là một bộ phận trong tổng thể giá trị văn hóa từ thiện nói chung.
Nhiều người thầy của tôi mang tư tưởng tiên phong, họ là những người nghiên cứu và cảnh báo những hệ lụy và lạm dụng quan hệ thân tộc trong xã hội hiện đại bằng nhiều ý kiến sắc sảo. Họ là những lá cờ của đầu ngọn triều.
Khi các thầy mất đi, chúng tôi coi như cha mẹ mình với nghĩa cử “sống tết, chết giỗ” cùng tâm cảm yêu thương thành kính. Ồ, trong sâu thẳm tâm hồn, từ sâu thẳm nhân cách ở đời, cái mối dây thân tộc lại níu kéo, cố kết mọi người lại với nhau, đầm ấm và nhân tình.
Giữ lấy giá trị của truyền thống mà không lạm dụng nó. Phong tục thờ cúng tổ tiên cũng như vậy.