KTĐT - “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba” câu ca nằm lòng của mọi người con đất Việt trong niềm tự hào về nguồn cội sâu xa.
Mới đây, Việt Nam đã đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi gặp gỡ với Phó Giáo Sư. Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, để ghi lại những nhận xét về tín ngưỡng Hùng Vương và “kinh nghiệm” tham gia trình các hồ sơ lên UNESCO của ông.
Thờ Hùng Vương là tín ngưỡng của Đạo lý dân tộc
Nói về Tín ngưỡng Thờ Hùng Vương, ông Nguyễn Chí Bền đưa ra những khẳng định: "Hùng Vương là ông Thủy Tổ đã khai sinh ra Nhà nước Văn Lang cổ đại và trở thành nhân vật quan trọng trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam. Vua Hùng đã trở thành chỗ dựa tinh thần của mỗi người con Việt Nam và là sợi dây thiêng liêng gắn kết toàn dân tộc.
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương có ý nghĩa giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ người Việt Nam. Không gian thờ Hùng Vương xuất phát từ Phú Thọ, sau đó lan ra một số địa phương rồi rộng mở vào miền Trung và Nam bộ.
Từ xa xưa các vương triều ở Việt Nam đã coi Lễ hội Đền Hùng là Quốc lễ. Hằng năm, các quan đầu tỉnh về đó để tế lễ. Việc thờ cúng Vua Hùng cũng được các triều đại, con cháu người Việt chú trọng thưc hiện.
Trong sắc phong của triều Nguyễn ghi rõ Hùng Vương là Thánh Tổ. Các triều đại yêu cầu dân làng cúng Thánh Tổ Hùng Vương, yêu cầu cấp công điền trong các làng để lấy hoa lợi thờ cúng.
Từ trước, người dân thờ cúng Vua Hùng vào mùa Thu. Một số nơi như làng Trẹo ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh thờ Hùng Vương vào 24 tháng Chạp với ý nghĩa rước vua về ăn Tết… Tới năm 1917, ngày giỗ Tổ được chọn là ngày 10 tháng 3. Điều này căn cứ theo bia đá hiện còn ở Đền Hùng.
Vua Hùng còn được thờ ở nhiều địa phương với các tên gọi khác nhau Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương, Viễn sơn Thánh Vương… Đây cũng là ba bài vị trên ban thờ Vua Hùng ở Đền Hùng mà không phải ai cũng biết."
Ông Bền cho biết, đến nay, tại Phú Thọ còn hơn 100 làng giữ được tín ngường thờ Hùng Vương. Mà Đền Hùng là thu hút nhiều khách thập phương nhất.
Đáng quý là cho dù không gian thờ tự ở các làng có bị mai một, xuống cấp, có chỗ chỉ còn lại cái nền thì người dân đó vẫn nhớ đầy đủ các nghi thức cúng lễ.
Những năm gần đây, người ta lo ngại rằng các nghi thức Đền Hùng bị "hành chính hóa" khiến cho đã có lo ngại rằng vai trò của cộng đồng đã nhạt đi.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh vai trò của các làng qua cách truyền dạy các nghi thức cúng tế trong gia đình, làng xã ví như việc rước kiệu, dâng lễ cho đúng nghi lễ hay cách thức truyền thống để giã và gói bánh dày, bánh chưng…
Về việc làm bánh chưng bánh dày kiểu Guiness hóa, ông Bền tỏ thái độ không ủng hộ. Ông Viện trưởng Viện Văn hóa này nói: Người dân bảo, các cụ quen ăn bánh chưng gói bằng hai bát gạo rồi. Đừng cúng bánh khổng lồ vừa không đúng với truyền thống, khó vận chuyển, bảo quản và lãng phí.
Ví như cái bánh khổng lồ đó được nhà tài trợ chi phí đến hàng trăm triệu thì nên cũng một mâm bánh truyền thống như các cụ vẫn làm. Còn để 99 triệu vào việc phục vụ chính các phần tổ chức lễ hội đón khách, và nhiều việc cần thiết khác của Đền Hùng thì tốt hơn...
Bài thi hoàn thành, chờ kết quả
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là hồ sơ thứ tư Phó Giáo Sư Nguyễn Chí Bền tham gia chỉ đạo, làm hồ sơ trình lên UNESCO để công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Ông Bền chia sẻ: "Xin ví rằng như thí sinh đi thi, bài thi đã làm hoàn thành và chờ kết quả chấm. Việc trình hồ sơ thì chúng tôi đã làm hết mình trên cơ sở những gì tốt nhất có thể. Hiện hồ sơ đang ở vòng xét duyệt đầu."
Kể về việc bị UNESCO loại trong vòng chung kết (vòng cuối), ông Bền nói, đừng nghĩ là dễ dàng, vì vẫn “trượt” là như “sung rụng.” Hồi Việt Nam tham dự và được công nhận Cồng chiêng Tây Nguyên, trong 64 hồ sơ trình lên UNESCO, chỉ có 43 hồ sơ được UNESCO công nhận.
Đợt trình hồ sơ Quan họ, 111 hồ sơ tham dự cũng chỉ được công nhận 76 hồ sơ. Và gần đây nhất là khi tham gia trình hồ sơ về Lễ hội Đền Gióng, các nước đã trình lên 147 hồ sơ nhưng chỉ được công nhận 47 hồ sơ. Và Việt Nam đã vinh dự ở trong số được vinh danh.
Theo ông Bền, bên cạnh bản thân di sản phải đáp ứng được những tiêu chuẩn của UNESCO thì hồ sơ làm về di sản cũng cần phải tốt, ngoài ra, công tác công tác quảng bá, giới thiệu về di sản cũng góp phần quan trọng.
Viện trưởng cho biết, hiện nay, chúng ta mới chỉ có những bài viết tản mạn chứ chưa có công trình dày dặn nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Hùng Vương nên việc nghiên cứu vẫn còn cần tiếp tục và ngày càng cho thấy tầm quan trọng.
Đặc biệt, tới đây vào ngày 13/4 (ngày 11 tháng Ba âm lịch), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại – Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam.”
Cũng theo ông Nguyễn Chí Bền, dự kiến, hội thảo sẽ có 130 đại biểu, trong đó có tới 40 đại biểu quốc tế đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là một dịp để Tín ngưỡng thờ Hùng Vương được quảng bá sâu rộng hơn ra thế giới./.