Trả lời phóng viên báo chí, ông PhanThanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: Xã vừa nhận được thông báo Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ tiến hành khảo sát và thuê thợ lặn tìm hiểu ở vùng biển xã Nhân Trạch, nơi ngư dân phát hiện cá chết xếp dưới đáy biển. Cuộc khảo sát dự kiến tiến hành vào sáng 7/5. Trước đó, nhiều ngư dân tỉnh Quảng Bình khi lặn xuống biển cách bờ 2-3 hải lý đã phát hiện cá chết nằm xếp lớp. Theo họ, nước dưới đáy biển màu vàng đục, khác với màu nước trong xanh bên trên. Các rạn san hô có một lớp cặn màu trắng đục dày gần 0,5 m, mùi hăng hắc như các chất tẩy rửa. Ông Nguyễn Ơn (một ngư dân của tỉnh Quảng Bình) cho biết khi thả lưới ở gần bờ để bắt cá, kéo lên thì lưới sạch như mới giặt, không bám đầy rong rêu, bùn đất như bình thường. Còn ngư dân Nguyễn Cần cũng ở xã Nhân Trạch, chuyên thả lưới bắt cá gần bờ lại cung cấp thông tin chó báo chí rằng, khi tấm lưới cũ của ông thả xuống đáy biển, sau đó kéo lên thì sạch bóng. Ngư dân các xã bãi ngang của Quảng Bình, từ Quảng Trạch vào đến Lệ Thủy cho biết, đáy biển có hiện tượng tương tự. Các vùng rạn san hô gần bờ từ 1 đến 6 hải lí, xác cua, xác cá, các loài giáp xác chết nằm la liệt, nhiều hơn lượng cá trôi dạt vào bờ. Về phía Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học-Công nghệ Việt Nam, sau mấy ngày trực tiếp lấy mẫu nước biển ở Quảng Bình và thu thập thông tin từ ngư dân, trưa 6/5, GS-TS Nguyễn Ngọc Lâm và nhóm chuyên gia bước đầu nhận định vệt nước đỏ dài 1,5 km vừa qua không phải là thủy triều đỏ. Theo GS Lâm, khu vực quanh nơi xuất hiện dải nước này có nhiều đất đỏ. Do đó, không loại trừ khả năng đất bị sóng đánh ra biển tạo vệt nước dài có màu đỏ. Trước phản ánh của người dân, ngày 5/5, Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Bình đã có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường vào cuộc.