Thổ Nhĩ Kỳ: Hậu đảo chính bất thành, 1.600 trường tư bị đóng cửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đóng cửa 1.600 trường  tư do liên quan tới giáo sĩ Gulen - người bị giới chức nước này cáo buộc là đứng sau vụ đảo chính bất thành cuối tuần trước.

Vụ đảo chính quân sự bất thành cuối tuần trước đã kéo theo làn sóng rà soát quân đội, thanh trừ hàng loạt giới chức và đóng cửa các đơn vị giáo dục.

Theo đó, hãng tin RT vừa cho biết,  936 ngôi trường tư nhân, 449 ký túc xã sinh viên và 284 học viện tư bị nghi ngờ điều hành bởi Tổ chức Khủng bố FETO đang bị rà soát và đóng cửa. Mục tiêu sâu xa là thanh trừng những sĩ quan thân cận với giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen.

Giáo sĩ Gulen là người đứng đầu phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia mang tên ông. Trong thời gian đương nhiệm, Tổng thống Erdogan đã tạo ra nhiều đối thủ, bao gồm cả những người đi theo giáo sĩ Gulen (gọi là Gulenists). Ban đầu, Gulenists là đồng minh gần gũi của Erdogan, thậm chí hỗ trợ ông thực hiện cuộc thanh trừng quân sự trong quá khứ.
Thổ Nhĩ Kỳ: Hậu đảo chính bất thành, 1.600 trường tư bị đóng cửa - Ảnh 1
Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi ông Erdogan đóng cửa các trường học của giáo sĩ Gulen và bị Gulenitsts trả đũa bằng cách tung ra những cáo buộc tham nhũng đối với nhiều quan chức cấp cao của Erdogan, thậm chí cả con trai tổng thống. Chính phủ hiện tại coi Gulenists là tổ chức khủng bố với tên gọi FETO.  

Đợt thanh trừng vừa qua, trong số 60.000 người thuộc các lực lượng quân đội, thẩm phán, tư pháp, dịch vụ dân sự và giáo dục đã bị bắt giữ, có khá nhiều cá nhân bị cáo buộc liên quan đến FETO. Việc đóng cửa hàng ngàn học viện tư nói trên là một trong những diễn biến mới nhất liên quan tới đàn áp các Gulenists.

Tuy nhiên người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố, cuộc thanh trừng vẫn chưa dừng lại. Hành động này vấp phải chỉ trích từ phương Tây, cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang tận dụng cuộc binh biến như cơ hội thanh lọc bộ máy chính quyền theo phương cách “độc tài”.

Bên cạnh đó, việc Mỹ không đáp ứng yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen cũng đang gây ra những rạn nứt cho mối quan hệ đồng minh vốn được coi là “kiểu mẫu” giữa Ankara và Washington.