Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Thợ săn tiền thưởng" và nguy cơ trở thành kẻ vi phạm pháp luật

Theo VOV/Vietnamnet
Chia sẻ Zalo

Quá trình ghi hình tìm kiếm người vi phạm giao thông nếu không cẩn trọng, những "thợ săn tiền thưởng" sẽ có nguy cơ trở thành kẻ vi phạm pháp luật.

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Nghị định này cho phép Bộ Công an chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.

Theo đó, mức chi cho nội dung này không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa là 5 triệu đồng/vụ việc. Cục CSGT đang xây dựng quy định cụ thể để hướng dẫn chi trả cho người cung cấp thông tin vi phạm và tiêu chí trả cho từng nội dung.

Mức chi không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa là 5 triệu đồng/vụ việc. Ảnh: Đình Hiếu
Mức chi không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa là 5 triệu đồng/vụ việc. Ảnh: Đình Hiếu

Trao đổi về nội dung trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, quy định về việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông là điểm mới đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc áp dụng cần phải tổng kết rút kinh nghiệm, có sự kiểm soát và có thể điều chỉnh phù hợp.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, những quy định mới như đã nhắc ở trên kích thích về mặt lợi ích kinh tế cho công dân khi báo tin vi phạm giao thông cho lực lượng chức năng, góp gia tăng nguồn tin làm căn cứ xử lý vi phạm giao thông, và đồng thời cũng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi việc phát hiện vi phạm giao thông không chỉ do lực lượng chức năng, các thiết bị chuyên dụng mà còn từ tai mắt của người dân.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng/vụ, từ đó khiến một số người muốn trở thành "thợ săn tiền thưởng".

Tuy nhiên, việc quay clip để tìm kiếm hành vi vi phạm giao thông một cách có chủ đích, hoạt động thường xuyên có thể sẽ xảy ra những vấn đề mâu thuẫn, xung đột trong xã hội. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội hoặc tìm kiếm cơ hội có thu nhập cá nhân cũng phải đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do hình ảnh của công dân nơi công cộng.

Quá trình ghi hình tìm kiếm người vi phạm giao thông có thể sẽ có những tình huống tiếp nhận được thông tin có tính chất sơ hở, không đẹp của người tham gia giao thông, thậm chí có thể có những thông tin liên quan đến bí mật đời tư cá nhân.

Bởi vậy, nếu tùy tiện thu thập thông tin cá nhân gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân thì đây lại là hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Đặng Văn Cường cũng cho rằng, hành vi này có thể phát sinh những mâu thuẫn giữa người ghi hình và người tham gia giao thông. Việc ghi lại hình ảnh của người khác chỉ được phép thực hiện mà không cần xin phép nếu có căn cứ cho thấy, người đó đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và việc ghi hình nhằm mục đích để đảm bảo an toàn, lợi ích công cộng.

Vì vậy, chỉ những hình ảnh về người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ thì mới được phép lưu trữ và chỉ được phép sử dụng để trình báo với cơ quan chức năng. "Pháp luật nghiêm cấm việc tùy tiện ghi hình người tham gia giao thông, lưu trữ thông tin hình ảnh đó để sử dụng vào các mục đích trái pháp luật", luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường cũng đề cập đến nghi ngại việc có thể xuất hiện những hình ảnh thông tin giả mạo, dàn dựng để nhận thưởng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Đối với những hành vi này, nếu phát hiện việc có chủ ý gây khó cho lực lượng chức năng hoặc lợi dụng quy định mới của pháp luật để trục lợi thì cần phải xử lý nghiêm.

Những hành vi cung cấp thông tin giả mạo cho lực lượng chức năng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu gây ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, và nếu ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ còn có thể bị xử lý hình sự.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cần có những khuyến cáo, kiểm soát tình hình, đồng thời có những cơ chế để bảo vệ người tố cáo, tránh những mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể xảy ra từ hoạt động này.