Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thỏa thuận thương mại Trung Quốc - EU khó thoát "cửa" ông Biden

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ hội để Trung Quốc và Liên minh châu Âu ký kết một thỏa thuận đầu tư mang tính bước ngoặt trước cuối năm nay khá ngặt nghèo, nhất là dưới sức ép từ chính quyền mới tại Mỹ.

Cuộc bàn thảo giữa Giám đốc thương mại EU Valdis Dombrovskis và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, dự kiến diễn ra vào sáng 22/12, nhưng đã bị hoãn lại không rõ lý do. Bên cạnh đó, đại sứ từ các nước thành viên EU, nhóm họp vào chiều cùng ngày cũng bỏ cuộc thảo luận về thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc khỏi lịch trình.

Giới quan sát cho rằng thỏa thuận EU và Trung Quốc sẽ được Mỹ theo dõi chặt chẽ
Theo Politico, việc chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phản đối thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Brussels đã kìm hãm tiến trình đàm phán giữa EU và Trung Quốc. Đề cập đến thỏa thuận nói trên, Jake Sullivan, cố vấn an ninh tương lai của Mỹ do ông Joe Biden lựa chọn, kêu gọi “sớm tham vấn với các đối tác châu Âu về những lo ngại chung liên quan tới hoạt động kinh tế của Trung Quốc” trong một đoạn tweet, trước các cuộc đàm phán dự kiến (nhưng đã bị hủy bỏ) hôm 22/12.
Có lo ngại rằng thỏa thuận thiếu Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực của EU trong việc hợp tác với chính quyền Biden mới nhằm đối đầu với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, từ nhân quyền cho đến tiêu chuẩn công nghệ. Cảnh báo tương tự cũng đến từ các thành viên của EU. Cụ thể là Ba Lan. Zbigniew Rau - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan trên mạng xã hội Twitter ngày 22/12 khẳng định, “cần tham vấn nhiều và minh bạch hơn để đưa các đồng minh xuyên Đại Tây Dương của chúng ta vào cuộc. Một thỏa thuận tốt, cân bằng sẽ tốt hơn là một thỏa thuận quá sớm”.
Theo chuyên gia về EU - Trung Quốc Noah Barkin nhận định, châu Âu cần một thỏa thuận có đầy đủ các biện pháp phòng thủ kinh tế nhằm đẩy lùi những hành vi thương mại và đầu tư thiếu công bằng từ Trung Quốc, đồng thời cho rằng tiêu chuẩn này sẽ khiến những đàm phán giữa Brussels và Bắc Kinh khó khăn hơn dưới thời chính quyền mới tại Mỹ.
Mặt khác, một số quan chức EU lại cho rằng thỏa thuận châu Âu - Trung Quốc sẽ mang lại cho khối này sức ảnh hưởng chính trị mà họ cần để hợp tác với Mỹ như một đối tác bình đẳng về Trung Quốc. Một quan chức ngoại giao cấp cao cho biết, nếu đạt được thỏa thuận này, nó sẽ đặt Mỹ và EU ở cùng một thế và sau đó hai bên có thể cùng “giám sát” Trung Quốc.
Mỹ hiện có một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty Mỹ và tăng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với hàng hóa và dịch vụ tài chính của Mỹ, đổi lại, Washington giảm một phần thuế quan bổ sung đối với Bắc Kinh. Thỏa thuận này cũng bao gồm cam kết Trung Quốc sẽ tăng mua hàng hóa và dịch vụ sản xuất, năng lượng và nông nghiệp của Hoa Kỳ lên ít nhất 200 tỷ USD trong vòng hai năm.
Trong khi đó, thỏa thuận toàn diện về đầu tư giữa EU và Trung Quốc sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty châu Âu, giảm phân biệt đối xử và cung cấp nhiều lớp bảo vệ hơn cho các nhà đầu tư. Một điểm được nhiều thành viên trong số đại diện 27 quốc gia liên tục trình bày tại cuộc họp kín ở Brussels là yêu cầu Trung Quốc cam kết những thỏa thuận về lao động. Theo các quan chức EU, việc Bắc Kinh từ chối phê chuẩn các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế về quyền lợi cho lao động tại một số khu vực sẽ gây khó khăn về mặt chính trị cho Nghị viện châu Âu - nơi đưa ra sự tán thành quan trọng để thực hiện quá trình xác thực thỏa thuận.