Thời xưa, ao tù nước đọng không chỉ nói về vấn đề môi trường, nơi đó chứa rác thải, làm chỗ cho ruồi muỗi phát triển mà còn nói về tư duy con người tù túng chỉ quẩn quanh trong lũy tre làng.
Ngày nay, cuộc sống khấm khá lên, làng xóm đã có nhiều nhà cửa hoành tráng, đường làng ngõ xóm đẹp hơn nhưng ao tù nước đọng vẫn còn đó.
Chúng tôi được biết nhiều làng, xã vẫn tồn tại nhiều ao làng, ao thôn và đa số là nước đọng. Tuy nhiên, các làng vẫn bảo tồn ao làng, hạn chế việc vứt bỏ rác thải xuống hồ; nhiều nơi còn xây dựng thêm những công trình phụ, đặt thêm ghế đá… để làm nơi nghỉ ngơi cho người dân.
Đó là việc làm đáng hoan nghênh, nhưng có cách nào thoát được cảnh ao tù, nước đọng không?
Mới đây, trong lần về vùng quê xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh, chúng tôi được biết ao làng thôn Đông Thái đã được cải tạo thành “công viên hồ” rất đẹp. Ao làng này có tên hồ Bàu Quán, rộng chừng 1ha, trước đây cho đấu thầu nuôi cá. Là hồ dùng đề nuôi cá nên không đến nỗi bẩn nhưng dân làng vẫn quyết tâm biến hồ nước thành hồ điều hòa khí hậu đẹp, xanh mát, nơi vui chơi, nghỉ dưỡng cho người già…
Người dân đã phối hợp với chính quyền địa phương nạo vét lòng hồ; làm lại hệ thống thoát nước; không cho nước thải đổ trực tiếp xuống hồ; dẫn nước từ kênh Linh Cảm vào hồ. Kinh phí cải tạo hồ là 90 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 50 triệu đồng.
Xung quanh hồ này, người dân trồng cây xanh, bố trí thêm ghế đá…
Được biết, thôn Đông Thái nói trên trước đó cũng đã cải tạo một hồ nước gần đó để làm trung tâm công viên của thôn; hồ được trồng sen vào mùa hoa nở rất đẹp, hương thơm thoang thoảng.
Hà Tĩnh đang có phong trào cải tạo hồ nước tù đọng thành hồ điều hòa, điểm vui chơi như đã nói ở trên. Hồ Bàu Động tại thôn 5, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, được chính quyền chi 100 triệu đồng, người dân góp hàng trăm ngày công cải tạo thành hồ sinh thái. Ngày nay, hồ Bàu Động như một công viên nước xanh, với hàng ngàn cây sen đang vào mùa hoa…
Thiết nghĩ, không chỉ ở Hà Tĩnh, những vùng quê khác cũng nên tham khảo để biến những ao tù, nước đọng trong xanh, mát mẻ.
Việc cải tạo ao hồ, điều đầu tiên có lẽ là sự quan tâm, gợi ý, hướng dẫn của chính quyền địa phương; sau đó là vận động người dân cùng bỏ công và của để thực hiện. Thật là vui, khi ao làng trở nên thơ mộng, với mùa sen về hoa nở thơm ngát.
Riêng ở Hà Nội, một số địa phương cũng đã cải tạo ao hồ của mình, tuy nhiên chưa được nhiều. Các chuyên gia còn cho rằng, ngoài việc cần cải tạo ao hồ, nhiều nơi ở Hà Nội cần đào thêm ao hồ nhằm điều hòa không khí và thu gom nước mưa. Tuy nhiên đây là việc làm lâu dài, cần nhiều biện pháp đồng bộ, trước mắt nên bảo tồn, cải tạo ao hồ sẵn có.