Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thoát nghèo từ trồng cây ăn quả

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Từ chỗ kinh tế khó khăn, nhiều hộ gia đình ở Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả và vươn lên có cuộc sống khấm khá.

Tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ ở vùng ven sông Phước Giang, ông Phạm Văn Đạt (thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành) là một trong những người tiên phong trong cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả theo chủ trương của huyện để xây dựng nông thôn mới. 

Khu vườn ông Đạt hiện diện tích khoảng 5.000m2, ngoài bưởi da xanh còn có thêm sầu riêng, măng cụt, mít Thái, cam ngọt, chôm chôm...mang lại thu nhập sau khi trừ chi phí trên 100 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Đạt có cuộc sống khấm khá chính nhờ đầu tư trồng cây ăn quả
Gia đình ông Đạt có cuộc sống khấm khá chính nhờ đầu tư trồng cây ăn quả

Theo lão nông gần 80 tuổi này, Long Bàn Bắc là vùng đất ven sông rất màu mỡ và không bị ngập úng lâu dài, phù hợp để trồng bưởi và các loại cây ăn quả khác.

“Trước kia gia đình cũng khó khăn lắm, nhờ cây ăn quả mà đi lên. Nói không ngoa, nhà cửa khang trang, tiền bạc lo cho con cái cùng từ khu vườn này mà ra. Ở đây có nhiều người cũng khá lên nhờ cây ăn quả”, ông Đạt chia sẻ.

Tại thôn Tân Lập (xã Hành Nhân), anh Nguyễn Đăng Kim là tấm gương nông dân trẻ, vượt khó làm giàu bằng mô hình kinh tế tổng hợp. 

Bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao 
Bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao 

Nhận thấy vùng đất quê mình rất thích hợp để trồng bưởi, sẵn có dự án cây ăn trái Nghĩa Hành đầu tư cây giống để phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái, năm 2018 anh Kim đăng ký xin nhận giống cây bưởi da xanh về trồng.

Trước khi đăng ký nhận cây giống, anh Kim đã đến Đắk Lắk mua thử bưởi về trồng thử nghiệm. Trải qua nhiều khó khăn, anh dần tích lũy được kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế.

Sau gần 3 năm cải tạo, mảnh đất nơi gò đồi của anh Kim nay đã được phủ lên màu xanh mởn của hơn 120 gốc bưởi da xanh đang cho trái bói cùng những khóm sả được trồng dọc dưới tán cây để “lấy ngắn nuôi dài”. Với tình hình phát triển tốt của cây bưởi như hiện tại, từ năm sau cây đã có thể cho quả ổn định, ước tính trung bình một năm, mỗi gốc bưởi có thể đem lại cho anh lợi nhuận chừng 5 - 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Kim còn xây chuồng nuôi thêm vài con bò và gần chục con lợn nái để tăng thêm thu nhập.

Ngược về lịch sử, cây ăn quả đã được chú trọng phát triển từ những năm 1995 trên cơ sở cải tạo vườn tạp có hiệu quả kinh tế thấp. Đến nay, cây ăn quả ở huyện Nghĩa Hành đã có mức tăng trưởng khá cả về diện tích, năng suất và sản lượng, góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa, khai thác hiệu quả tài nguyên, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Nghĩa Hành sẽ ưu tiên đầu tư một số vườn chuyên canh với một số cây đặc sản như bưởi da xanh, sầu riêng, mít Thái…
Nghĩa Hành sẽ ưu tiên đầu tư một số vườn chuyên canh với một số cây đặc sản như bưởi da xanh, sầu riêng, mít Thái…

Hiện toàn huyện có gần 800ha cây ăn quả với các giống chủ lực như bưởi da xanh, chôm chôm tróc Java, sầu riêng, dừa, mít Thái , chuối .... 

“Huyện cũng đã hình thành được 32 vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, với các loại cây chủ lực như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, chuối ngự, mang lại thu nhập cho người dân khoảng 100-250 triệu đồng/ha/năm và còn nhiều tiềm năng phát triển tập trung chủ yếu ở các xã: Hành Nhân, Hành Đức, Hành Minh, Hành Dũng, thị trấn Chợ Chùa và Hành Thiện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho hay.

Cũng theo ông Bàng, huyện Nghĩa Hành đang phấn đấu mở rộng và phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích 100ha/năm trong giai đoạn 2023- 2025.

Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trồng các loại cây trồng đặc trưng của huyện, kết hợp chăn nuôi, tạo sản phẩm hàng hóa lớn, phát triển bền vững, ổn định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Ưu tiên đầu tư một số vườn chuyên canh theo quy mô gia trại, trang trại với các loại cây đặc sản của huyện như: bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, mít Thái.... Đồng thời phát triển thêm các cây trồng mới có giá trị kinh tế, phù hợp với khí hậu đất đai địa hình như: măng cụt, bú sữa, quýt đường, cam sành.

Khuyến khích và hướng dẫn nhân dân cải tạo vườn tạp, từ đó hình thành nhiều khu vườn sản xuất tập trung liên hoàn theo mô hình liên vườn, liên thôn. Qua đó hình thành nên các sản phẩm về kinh tế vườn phục vụ phát triển các điểm du lịch sinh thái, điểm dừng chân, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh cây ăn quả bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, mít Thái...