Thời cơ mới cho doanh nghiệp cơ khí tự động hóa tại MTA Hanoi

Khắc Kiên - Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 8 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại - MTA Hanoi 2022 tổ chức từ ngày 12 - 14/10, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

MTA Hanoi 2022 do Công ty Informa Markets Vietnam tổ chức sẽ mang lại nhiều trải nghiệm và kiến thức bổ ích cho khách tham quan và doanh nghiệp tham gia.

Thị trường cơ khí của Việt Nam có thể đạt hơn 300 tỷ USD

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Việc áp dụng sản xuất thông minh vào dây chuyền sản xuất, kiến tạo trong doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam giúp các nhà máy nâng cao năng lực sản xuất một cách rõ rệt.

Đây được xem là lợi ích hàng đầu và rõ nét nhất của bất kỳ một nhà máy nào khi ứng dụng tự động hóa, cũng là một cách tối đa hóa năng suất làm việc với các nguồn lực con người được kết nối.

Gian hàng của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Việt Nam Auto Solutions (VNAS). Ảnh: Khắc Kiên
Gian hàng của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Việt Nam Auto Solutions (VNAS). Ảnh: Khắc Kiên

Cùng với đó có thể giúp doanh nghiệp đạt được tính bền vững với phương pháp sản xuất phụ trợ: Giảm hàng tồn kho, giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm bớt các yêu cầu vận chuyển.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2022 để lại những chỉ số ấn tượng và đầy hứa hẹn trong ngành sản xuất: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%. Tính chung tháng 8/2022, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2022 tăng 0,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 23,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Năm nay, MTA Hanoi 2022 giới thiệu đến cộng đồng sản xuất - chế tạo hàng loạt các công nghệ và giải pháp tiên tiến. Với sự tham gia từ hơn 18 quốc gia, vùng lãnh thổ đến từ các quốc gia phát triển như Đức, Anh, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và gần 100 đơn vị trưng bày; trên 5000m2 diện tích trưng bày. Bên cạnh đó, triển lãm sẽ tiếp tục mang đến các hoạt động bên lề bổ ích, tối ưu hóa trải nghiệm của khách tham dự.

Cơ hội tiếp cận công nghệ mới

Theo đại diện Ban tổ chức, kể từ sự kiện MTA Hà Nội 2019, những năm đại dịch đi qua với nhiều khó khăn trở ngại cho các ngành nghề kinh tế. Hy vọng tuần lễ công nghệ chế tạo này góp phần tạo nên khởi đầu mới cho một kỷ nguyên vàng về tăng trưởng công nghiệp Việt Nam nói chung, miền Bắc nói riêng trong thời gian tới. 

Nhiều công nghệ mới được giới thiệu tại MTA Hanoi 2022. Ảnh: Khắc Kiên
Nhiều công nghệ mới được giới thiệu tại MTA Hanoi 2022. Ảnh: Khắc Kiên

Những thách thức trước mắt về nguồn nhân lực cũng thúc đẩy quy trình tự động hóa tại nhà máy nhiều hơn. Việt Nam giữ vị trí không thể thiếu trong hoạch định chuỗi cung ứng toàn cầu - đóng góp đáng kể vào dự báo tăng trưởng GDP khả thi của Việt Nam trong năm nay và năm 2023, trong đó IMF dự kiến ​​ở mức 7,2% - rất ấn tượng trong bối cảnh lạm phát ngược chiều.

Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Tập Đoàn Việt Nam Auto Solutions (VNAS) Nguyễn Ngọc Tú giới thiệu về những công nghệ mới cho ngành cơ khí. Ảnh: Khắc Kiên
Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Tập Đoàn Việt Nam Auto Solutions (VNAS) Nguyễn Ngọc Tú giới thiệu về những công nghệ mới cho ngành cơ khí. Ảnh: Khắc Kiên

Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Tập Đoàn Việt Nam Auto Solutions (VNAS) Nguyễn Ngọc Tú cho biết, thông qua triển lãm doanh nghiệp có thêm cơ hội để mở rộng phát triển với những đơn hàng mới. Bởi, đón đầu xu thế tự động hoá, nhất là đối với ngành sản xuất phụ trợ ô tô, xe máy điện ở Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long cho rằng, Việt Nam sau thời gian mấy chục năm đổi mới, sự phát triển kinh tế nói chung đã có bước tiến tốt. Đại dịch cũng thử thách nền kinh tế nói chung, nền công nghiệp nói riêng.

Vừa qua, Hội nghị T.Ư 6 đã nhấn mạnh 5 mục tiêu quan trọng để phát triển đất nước đến 2045. Trong đó, tiến trình công nghiệp hóa càng được đẩy mạnh hơn. Thời cơ để ngành cơ khí phát triển là điều tất yếu sẽ đến.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội, ông Đào Phan Long nhận định, trong ngành cơ khí chế tạo, Việt Nam hiện có 2 khối doanh nghiệp. Một là khối doanh nghiệp cơ khí nội địa là chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp Việt Nam. Khối thứ hai là FDI, đầu tư nước ngoài, hoặc 100% vốn hoặc liên doanh.

“Nói đến cơ khí, sản xuất kinh doanh cơ khí, với quốc gia muốn xây dựng đất nước trở thành nước công nghiệp không thể thiếu sự phát triển của công nghiệp cơ khí. Sản phẩm cơ khí có mặt rộng khắp đời sống dân sinh cũng như trong sản xuất kinh doanh” – vị này nói. Do đó, ngành chế tạo máy công cụ là máy cái, máy gia công kim loại để hình thành công cụ cho các ngành khác.