Thời của V-League

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các nhà đài gần như chắc chắn sẽ bị loại ra khỏi cuộc đua giành bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh thì nhiều người đặt câu hỏi, có nên mua món hàng xa xỉ bằng mọi giá?

Hỏi như vậy là bởi, giá bản quyền do thị trường quyết định và rất khó để đưa ra những mệnh lệnh hành chính nhằm buộc nó rẻ đi theo ý muốn chủ quan của nhà đài. Bước ra sân chơi hội nhập, các đài truyền hình phải tuân thủ luật, tùy thuộc vào sức lực để đưa ra những đấu pháp hợp lý nhất.
Thời của V-League - Ảnh 1
Nhiều người nói rằng, không có bản quyền chẳng phải là thảm họa. Bản quyền Ngoại hạng không phải là tất cả, các đài truyền hình không thể vì thiếu món hàng này mà ngừng phát sóng. Thực tế là không chỉ Việt Nam mà các hãng truyền hình nổi tiếng thế giới cũng lâm vào cảnh "đói bản quyền" nhưng họ vẫn phát triển một cách mạnh mẽ. Nói đâu xa, ở nước láng giềng Thái Lan cũng xảy ra cuộc chiến về đàm phán bản quyền. Ông lớn TrueVisions cùng 6 đối tác khác đã thất bại trước gã khổng lồ CTH với số tiền lên đến 318 triệu USD.

Đến một lúc, các nhà đài không thể chạy đua theo cơn nhảy điên cuồng của giá bản quyền bóng đá. Đó lại là cơ hội để các giải đấu trong nước mà đặc biệt là V-League nâng cao giá trị của mình. Nói đâu xa, thời gian gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ đã phủ sóng kín các trận đấu ở V-League. Mà một khi các đài truyền hình không thể với tới món "thịt nạc" Ngoại hạng thì họ sẽ chú ý đến "miếng xương" V-League và sẽ chế biến nó thành món ăn ngon.

V-League vốn chưa bao giờ có thể mơ đến khoản thu từ bản quyền truyền hình. Thậm chí, các đội bóng phải chi tiền để mình có nhiều trận tường thuật hơn. Nhưng, có thể, đằng sau sự chuyển hướng chiến lược của các đài truyền hình, đến một ngày rất gần, V-League sẽ có khoản thu đáng kể từ bản quyền.