70 năm giải phóng Thủ đô

Thời điểm thích hợp cho cuộc gặp song phương Việt - Mỹ

Lan Hương (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia Mỹ nhận định, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào thời điểm này là thích hợp, khi các lãnh đạo châu Á đều đã có chuyến công du đến Mỹ.

Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Charles Morrison - Chuyên gia cao cấp của Trung tâm nghiên cứu East - West tại Hawaii (Mỹ) về quan hệ giữa hai nước và các vấn đề có thể được bàn bạc.
Ông Charles Morrison - Chuyên gia cao cấp của Trung tâm nghiên cứu East - West.
Ông có đánh giá gì về chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đặc biệt là về thời điểm của chuyến thăm?
Tôi nghĩ thời gian diễn ra chuyến thăm là rất thích hợp. Nhiều lãnh đạo các nước châu Á đã công du đến Mỹ như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vì vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam vào thời điểm này là thích hợp để tăng cường quan hệ song phương cũng như giữa Mỹ với khu vực.
Vậy, theo ông, những thông điệp nào được gửi gắm qua lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam?
Tôi nghĩ, có một vài thông điệp qua chuyến thăm này. Thứ nhất, Tổng thống Donald Trump đang rất quan tâm đến tình hình Triều Tiên hiện nay. Vì vậy, ông muốn các nước trong khu vực ủng hộ quan điểm của mình. Thứ hai là, thể hiện sự quan tâm của Washington đến khu vực châu Á và thứ ba, ông Trump sẽ có chuyến thăm Việt Nam để dự APEC vào tháng 11 năm nay. Vì vậy, tôi nghĩ, chuyến thăm sẽ hỗ trợ cho lịch trình tại APEC.
Ngoài ra, tôi cho rằng, lời mời nhằm khẳng định sự tiếp tục trong chính sách của Washington đối với khu vực. Mặc dù phong cách lãnh đạo của Tổng thống Trump khác biệt so với người tiền nhiệm nhưng lợi ích của Hoa Kỳ tại khu vực vẫn giữ nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nguyên thủ đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á công du đến Mỹ và có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump. Ông đánh giá thế nào về quan hệ giữa 2 nước cũng như vai trò của Việt Nam trong quan hệ Hoa Kỳ với khu vực ASEAN?
Tôi nghĩ, Việt Nam có vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN dưới quan diểm của Washington. Rõ ràng, Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và chia sẻ nhiều lợi ích chung với Mỹ. Giữa hai nước có mối quan hệ kinh tế mật thiết và lợi ích an ninh song trùng, chẳng hạn như cùng quan tâm đến vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông.
Vậy những vấn đề nào trong quan hệ kinh tế sẽ được lãnh đạo hai nước bàn bạc? Liệu nội dung về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có được đưa vào trong cuộc gặp, thưa ông?
Tôi không nghĩ TPP sẽ được đưa ra bàn bạc bởi đại diện Mỹ cũng đã khẳng định sẽ không quay lại với TPP. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là phát triển quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước trong bối cảnh không còn TPP. Vì vậy, vấn đề phát triển kinh tế song phương là rất quan trọng với cả hai quốc gia.
Vừa qua, lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump, quân đội Hoa Kỳ đã điều tàu đến gần khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép. Điều này có phải là tín hiệu cho thấy, Tổng thống Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm trở lại đến vấn đề Biển Đông?
Tôi nghĩ, Tổng thống chưa bao giờ đánh mất sự quan tâm với vấn đề Biển Đông. Washington luôn theo đuổi tự do hàng hải trên biển và mặc dù có thể không thực hành điều này liên tục nhưng hải quân Hoa Kỳ sẽ tiến hành hoạt động tự do hàng hải được luật pháp quốc tế cho phép để thể hiện quan điểm của mình. Hiện tại, mối quan tâm ưu tiên của Tổng thống Donald Trump là căng thẳng tại Triều Tiên nhưng điều này không có nghĩa là có sự thay đổi quan điểm về Biển Đông dưới thời Tổng thống Trump.
Cá nhân tôi rất vui mừng khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Nhà Trắng và có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump. Quan hệ giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua, trong vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh, phát triển quan hệ kinh tế cũng như tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh.
Tôi chắc chắn rằng, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ bàn bạc về việc làm sao củng cố thêm nữa quan hệ kinh tế, bất chấp việc Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục tham gia TPP. Bên cạnh đó là các thách thức an ninh khu vực như Triều Tiên và vấn đề Biển Đông.
Ông Raymond Burghardt
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (2001 - 2004)