Phạm vi nhiệt độ khiến vi khuẩn sinh sôi
Tiến sĩ Umang Malhotra, nhà dinh dưỡng lâm sàng Fitelo (một chương trình ăn kiêng phổ biến ở Ấn Độ) - cho biết, mang theo hộp cơm đi làm là sự lựa chọn của nhiều người bởi tính tiện lợi, chủ động, không ảnh hưởng đến công việc và an toàn.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc khi đóng gói thực phẩm không phải chay trong hộp cơm trưa là thời gian và nhiệt độ bảo quản.
Theo Tiến sĩ Umang Malhotra, phạm vi nhiệt độ của “vùng nguy hiểm” từ 5 độ C (41°F) đến 60 độ C (140°F) được coi là sẽ sản sinh vi khuẩn có thể gây ra các bệnh do thực phẩm. Chúng có thể sinh sôi nhanh chóng, tăng gấp đôi số lượng chỉ trong 20 phút.
Thực phẩm không phải đồ chay, đặc biệt là thịt, gia cầm và hải sản chứa các chất dinh dưỡng và độ ẩm mà vi khuẩn cần để phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho Salmonella, E. coli, Campylobacter và Listeria monocytogenes sinh sôi.
Khi các loại thịt nói chung được đóng gói trong hộp đựng thức ăn và để ở nhiệt độ phòng trong nhiều giờ, chúng thường có xu hướng nằm trong “vùng nguy hiểm”.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại ở những nơi có khí hậu ấm áp hoặc trong những tháng mùa hè khi nhiệt độ phòng có thể dễ dàng vượt quá 20 độ C (68°F). Trong những điều kiện như vậy, các loại vi khuẩn như Salmonella và Staphylococcus aureus có thể sinh sôi nhanh chóng trong thịt gà hoặc thịt đã nấu chín, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao hơn.
Nên mang theo thực phẩm nào?
Theo ông Umang Malhotra, những thực phẩm nên tránh mang theo trong hộp cơm trưa bao gồm:
- Thịt sống hoặc nấu chưa chín: Những loại thịt này có thể chứa vi khuẩn (Campylobacter, Salmonella, Staphylococcus aureus) sinh sôi nhanh chóng nếu không được bảo quản đúng cách.
- Hải sản: Cá, tôm và các loại hải sản khác dễ hỏng ở nhiệt độ phòng và tốt nhất nên tránh ăn trừ khi có thể bảo quản lạnh.
- Nước sốt từ sữa: Thịt hoặc gia cầm nấu trong nước sốt kem hoặc từ sữa (như gà bơ hoặc mì ống kem) sẽ nhanh hỏng hơn do bản chất dễ hỏng của sữa.
Mặt khác, có thể mang xúc xích và salami do có hàm lượng ẩm thấp hơn và thường được xử lý bằng chất bảo quản, khiến chúng ít bị vi khuẩn phát triển hơn.
Trứng luộc chín ít bị hỏng hơn so với trứng sống hoặc trứng chưa nấu chín.
Tiến sĩ Umang Malhotra nói thêm rằng: “Gà nướng hoặc gà luộc được nấu chín kỹ và giữ khô thường để được lâu hơn so với gà chiên hoặc gà nấu số. Lý tưởng nhất là thực phẩm nên được ăn trong vòng hai giờ sau khi đóng gói, hoặc trong vòng một giờ nếu nhiệt độ môi trường trên 30 độ C (86°F)”.