Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XII vừa kết thúc tại thủ đô Bắc Kinh đã hoàn tất quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo của quốc gia đông dân nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đứng trước nhiệm vụ khó khăn là duy trì cho được đà tăng trưởng nhưng phải bảo đảm tái cân bằng nền kinh tế, phát triển bền vững.
Ưu tiên duy trì tăng trưởng kinh tế
Tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi bế mạc kỳ họp trên, tân Thủ tướng Lý Khắc Cường đã khẳng định một trong ba nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc là duy trì tăng trưởng kinh tế.
Ông nhấn mạnh, tại một đất nước rộng lớn như Trung Quốc, chính phủ có rất nhiều nhiệm vụ phải thực thi, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo tăng trưởng kinh tế liên tục.
Theo ông, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp đôi GDP tính theo đầu người và thu nhập cá nhân của năm 2010, Trung Quốc cần phải đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 7,5% trong những năm tới.
Kiểm tra hàng hóa tại siêu thị ở Thượng Hải, miền đông Trung Quốc ngày 9/3. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, người tiền nhiệm của Thủ tướng Lý Khắc Cương là ông Ôn Gia Bảo đã đọc báo cáo công tác của chính phủ, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện "chính sách tài khóa tích cực" và "chính sách tiền tệ thận trọng" nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 7,5%, kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 3,5%, tạo hơn 9 triệu việc làm mới tại thành thị và duy trì tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị ở mức dưới 4,6%.
Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực bảo đảm thu nhập bình quân đầu người tăng cùng với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đề ra mục tiêu tăng trưởng 7,5%. Năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng lần đầu tiên trong 8 năm, từ ngưỡng lâu nay là 8%/năm.
Báo cáo trên cho rằng tác động kép của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn dai dẳng và sự hồi phục của kinh tế thế giới hoàn toàn không chắc chắn và chưa có một nền tảng ổn định.
Tuy vậy, báo cáo cũng thể hiện sự tin tưởng rằng công suất của ngành chế tạo tăng đáng kể, cơ sở hạ tầng cải thiện mạnh mẽ trong nhiều năm qua, tỷ lệ tiết kiệm cao và lực lượng lao động dồi dào là những điều kiện thuận lợi và nhân tố tích cực đối với sự phát triển bền vững của Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục "giảm tốc" xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua là 7,8% năm 2012, so với mức tăng 9,2% năm 2011 và 10,3% năm 2010. GDP của Trung Quốc ở mức 51.900 tỷ NDT (khoảng 8.300 tỷ USD) năm 2012.
Trước đó, trong năm 2011, Chính phủ Trung Quốc thông báo mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình 7%/năm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, giai đoạn 2011-2015.
… trong điều kiện không mấy thuận lợi
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn khá mong manh bởi còn nhiều vấn đề tồn tại trong dài hạn và còn quá sớm để nói rằng kinh tế Trung Quốc đang đi vào ổn định để bắt đầu phát triển với tốc độ nhanh hơn.
Nguy cơ trong ngắn hạn của một cuộc hạ cánh cứng tại Trung Quốc đã bị đẩy lùi nhưng những vấn đề đang tồn tại trong vài năm gần đây chưa có sự chuyển biến.
Nếu Chính phủ Trung Quốc không có những cải cách kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc vào những yếu tố có rủi ro cao, như sự phục hồi của thị trường bất động sản với nguy cơ bong bóng vẫn còn.
Theo một nghiên cứu độc lập mới được công bố, việc đầu cơ ở mức độ cao và dòng tiền giá rẻ đang thổi bong bóng bất động sản của Trung Quốc dần đến mức cực hạn và nguy cơ bùng nổ dường như là không thể tránh khỏi.
Giới phân tích nhận định bong bóng bất động sản của Trung Quốc có thể nổ tung trong nửa cuối của năm 2013 khi chính phủ nước này ngừng bơm các khoản tiền cho các ngân hàng nhằm tránh đổ vỡ tín dụng.
Các tài khoản đầu tư cho bất động sản đang chiếm một phần lớn trong nền kinh tế của Trung Quốc nên nếu bong bóng vỡ sẽ có một tác động rất lớn lên tất cả các bộ phận của nền kinh tế, như làm giảm giá tài sản và các khoản tiết kiệm của người dân gần như sẽ bị xóa sổ.
Và bất chấp những tuyên bố về việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế sang dựa vào tiêu dùng nội địa, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu như là một động cơ chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế.
Không phải ngẫu nhiên mà hai đợt suy giảm gần đây của kinh tế Trung Quốc diễn ra ngay sau sự sụt giảm tăng trưởng tại hai thị trường lớn nhất là châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, một số nhà bình luận mới đây cho rằng việc chi phí đầu vào và tỷ giá đồng NDT tăng lên đồng nghĩa với việc Trung Quốc không còn có thể dựa vào xuất khẩu như một động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Cục Thống kê Trung Quốc báo cáo sản lượng công nghiệp và hàng bán lẻ trong tháng 1/2013 đã chậm lại trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng. Thực tế này đã đặt lãnh đạo nước này trước bài toán khó là nên đạp phanh để chặn đà lạm phát hay là nên nhấn ga để đẩy mạnh tăng trưởng.
Đây cũng là lý do vì sao Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bị sức ép không tăng lãi suất từ nhiều phía, dù lạm phát tại Trung Quốc vọt lên mức cao nhất trong 10 tháng qua.
Dù vậy, Trung Quốc đang có những thế mạnh để có thể chống đỡ trước những cú sốc bên ngoài trong 4 năm qua, như có khoản tiết kiệm khổng lồ lên tới 53% GDP và dự trữ ngoại tệ 3.300 tỷ USD.
Hơn nữa, không giống như phương Tây đang sử dụng hầu hết các chính sách truyền thống phản chu kỳ của họ, Trung Quốc vẫn duy trì khả năng điều chỉnh các chính sách tài chính và tiền tệ khi cần thiết.
Bài toán tái cân bằng nền kinh tế
Kinh tế Trung Quốc vấp phải nhiều khó khăn hơn, được thể hiện rõ nét nhất qua các đợt suy giảm GDP thực trong các năm 2009 và 2012. Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng đang xấu đi khi đầu tư chiếm tới 50% GDP và tiêu dùng cá nhân giảm xuống dưới 35% GDP. Trong ba lực đẩy chính cho kinh tế là đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì tiêu dùng trong nước là yếu nhất.
Trong hơn 30 năm qua, tỷ trọng tiêu thụ trong nước trên thực tế của các hộ gia đình tại Trung Quốc đã giảm dần, từ 50-52% GDP xuống mức như hiện nay. Đồng thời, giữa ba khu vực sản xuất-đầu tư-tiêu thụ lại thiếu sự phối hợp.
Khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái năm 2008-2009, khả năng tiêu thụ và nhập khẩu của các nước bị hạn chế, tiềm năng xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm. Vì vậy, dù kinh tế cần cải cách trong nhiều năm liền, từ 2009-2011, lãnh đạo nước này tiếp tục chính sách bơm thêm đầu tư để cỗ xe tiếp tục lăn bánh.
Thế nhưng, khi thế giới có những biến chuyển lớn trong 5 năm qua, Trung Quốc sẽ bắt buộc phải chuyển hướng phát triển kinh tế, chấp nhận việc tăng trưởng thấp hơn, với phần đóng góp cao hơn của tiêu thụ nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu.
Như trên đã đề cập tới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020, và "giải phóng" sức mua trị giá 10.200 tỷ USD. Trên thực tế, với 130 triệu người tiêu dùng trung lưu, thị trường nội địa Trung Quốc có tiềm năng rất lớn.
Tập đoàn tư vấn Boston ước tính rằng với mức tăng trưởng GDP trung bình 7% tại Trung Quốc và 2% tại Mỹ, tiêu dùng nội địa của Trung Quốc sẽ tăng lên bằng 50% mức tiêu dùng của Mỹ vào năm 2015 và tương đương 80% vào năm 2020.
Hơn nữa, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã giảm từ mức tương đương hơn 10% GDP vào năm 2007 xuống 2,8% GDP vào năm 2011, phản ánh sự phụ thuộc ngày càng giảm của Trung Quốc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc lớn thứ hai thế giới và dự kiến tăng trưởng trung bình 27%/năm trong giai đoạn 2011-2015, vượt mức tăng kim ngạch xuất khẩu tới 5%. Kết quả là tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến vượt 10.000 tỷ USD trong vòng 2 năm, tạo ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, để giải quyết những mất cân bằng hiện nay, Trung Quốc cần tiếp tục loại bỏ những yếu tố bóp méo giá cả, thực hiện những cải cách thị trường tài chính và tín dụng, hướng đến một chế độ tỷ giá tự do hơn và đảm bảo sự tiếp tục đổi mới và cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động.
Bên cạnh đó, để hướng đến mô hình tăng trưởng và phát triển dựa vào nhu cầu tư nhân, cũng cần đẩy mạnh những cải cách thể chế đang ảnh hưởng đến phát triển của khu vực tư nhân, gồm ưu tiên cải cách hệ thống doanh nghiệp của Trung Quốc, cả việc tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh lẫn sự phát triển của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh./.