Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi:

Thời tiết đang thuận lợi, người trồng hoa kỳ vọng vụ hoa Tết bội thu

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời tiết thuận lợi cho lay ơn sinh trưởng và phát triển, người trồng hoa đang rất kỳ vọng sẽ có vụ mùa bội thu để đón Tết thêm đầm ấm.

Hoa lay ơn “bén duyên” với đất xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) từ hàng chục năm trước- khi những hộ dân tiên phong mang giống hoa từ Đà Lạt về trồng ở đất ruộng, đất vườn nhà.

Hoa lay ơn đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Hà Phương
Hoa lay ơn đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Hà Phương

Hàng năm, cứ vào tháng 10 âm lịch, người dân Nghĩa Hà lại xuống giống hoa để đến tháng Chạp thu hoạch, cung cấp cho thị trường. Nơi đây cũng dần trở thành vùng trồng hoa lay ơn lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi.

Sau 1 tháng chăm bón, hoa lay ơn phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang thời kỳ phát triển mạnh. Những ngày này, bà con nông dân tập trung chăm bón, dựng cây, giăng lưới để tránh mưa, gió làm đổ ngã.

Ông Của bón phân cho ruộng hoa lay ơn. Ảnh: Hà Phương
Ông Của bón phân cho ruộng hoa lay ơn. Ảnh: Hà Phương

“Năm ngoái trồng 6 sào nhưng lỗ vốn vì hoa nở muộn, tính bình quân mỗi sào mất trắng 20 triệu đồng. Năm nay ít vốn nên trồng 2 sào thôi, may mắn là từ khi xuống giống đến giờ, thời tiết thuận lợi, cây hoa phát triển rất tốt”, ông Đặng Của (thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà) cho hay.

Trên mỗi hàng lay ơn, ông Của còn trồng xen thêm ớt với dự tính sau khi thu hoạch hoa bán vào dịp Tết, qua tháng Giêng sẽ bắt đầu vào vụ thu hoạch ớt.

Ớt được trồng xen với hoa lay ơn.  Ảnh: Hà Phương
Ớt được trồng xen với hoa lay ơn.  Ảnh: Hà Phương

“Nếu cứ đà này, năm nay có khả năng tầm 20 Âm lịch tháng Chạp là bắt đầu thu hoạch được lay ơn để bán. Được mùa, được giá, hoa này sẽ mang lại 60- 70 triệu đồng/sào, chưa trừ chi phí”, ông Của chia sẻ.

Gần ruộng của ông của, bà Đặng Thị Nhỏ (thôn Bình Đông) cũng đang tất bật nhổ cỏ, chăm sóc lay ơn. Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gia đình bà Nhỏ xuống giống 7 sào hoa lay ơn với nhiều màu như đỏ mới, đỏ nhung, vàng bê , vàng hổ…

Bà Nhỏ đang rất kỳ vọng vào vụ hoa được mùa, được giá.  Ảnh: Hà Phương
Bà Nhỏ đang rất kỳ vọng vào vụ hoa được mùa, được giá.  Ảnh: Hà Phương

“Trời có mưa nhưng không nhiều, không bị ngập lụt nên cây phát triển rất tốt. Bà con ai cũng vui, mong có vụ hoa được mùa, được giá”, bà Nhỏ phấn khởi.

Xã Nghĩa Hà nằm bên bờ Nam sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi), được mệnh danh là thủ phủ hoa lay ơn, tập trung ở thôn Bình Đông, Hổ Tiếu với khoảng hơn 200 hộ trồng hoa. Mỗi dịp Tết, hàng chục chiếc xe máy, ôtô tải nhộn nhịp trên đường quê để chở hoa bán trong và ngoài tỉnh.

Trồng hoa lay ơn đã lại nguồn thu nhập đáng kể của các hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên cũng có năm, hoa bị ngập úng, hư hỏng nhiều hoặc mở muộn, không kịp phục vụ Tết, gây thất thu nặng.

Năm 2023, hoa lay ơn nở muộn, người dân phải chong đèn "thúc" hoa nở.  Ảnh: Hà Phương
Năm 2023, hoa lay ơn nở muộn, người dân phải chong đèn "thúc" hoa nở.  Ảnh: Hà Phương

Điển hình như năm trước, nhiều diện tích lay ơn bị hư hỏng, thối rễ thời điểm trước Tết nguyên đán Quý Mão 2023. Sau đó gặp mưa, lạnh kéo dài nên đến 28 tháng Chạp, phần lớn các ruộng hoa đều không nở, dù người dân làm đủ mọi cách, thậm chí chong đèn "thúc" hoa nở.

“Xã Nghĩa Hà có khoảng 30 hecta trồng lay ơn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Năm nay thời tiết rất thuận lợi, bà con phấn khởi và kỳ vọng vào vụ hoa Tết bội thu, mang lại cái tết ấm no” - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Nguyễn Thị Loan cho hay.

Ngoài trồng hoa lay ơn, xã Nghĩa Hà còn trồng thêm một số giống hoa khác như cúc, thạch thảo, đồng tiền… để phục vụ thị trường và thu hút du khách.

Hoa thạch thảo được trồng ở thôn Bình Đông (xã Nghĩa Hà). Ảnh: Hà Phương
Hoa thạch thảo được trồng ở thôn Bình Đông (xã Nghĩa Hà). Ảnh: Hà Phương

Để hỗ trợ người dân phát triển vùng trồng hoa theo hướng bền vững, năm 2022, TP Quảng Ngãi đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật làng hoa Nghĩa Hà, trên diện tích 10 ha; hỗ trợ mô hình nhà lồng trồng các giống hoa có giá trị kinh tế cao; đường giao thông đi lại thuận tiện cho người dân sản xuất và vận chuyển hoa. 

Nông dân Nghĩa Hà thu hoạch hoa. Ảnh: Hà Phương
Nông dân Nghĩa Hà thu hoạch hoa. Ảnh: Hà Phương

Trong giai đoạn 2023 - 2030, TP Quảng Ngãi định hướng phát triển làng hoa gắn với du lịch cộng đồng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Làng hoa sẽ trở thành nơi tham quan, học tập và là điểm du lịch trải nghiệm.