Áp dụng quá máy móc
“Tắt khi không sử dụng” là khẩu hiệu của đa số các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại áp dụng quá cứng nhắc - Cứ ra khỏi phòng, dù lâu hay nhanh cũng tắt hết thiết bị điện. Điều này làm cho một giải pháp rất hữu hiệu nhiều khi lại gây ra phản tác dụng. Bởi lẽ, một số thiết bị như điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, bóng đèn compact, nếu tắt/bật liên tục trong một thời gian ngắn không chỉ gây tốn điện nhiều hơn mà còn giảm tuổi thọ sản phẩm.
Chị Nguyễn Mai Đào (Hà Đông, Hà Nội) than thở: “Để tiết kiệm điện, tôi không dám để điều hòa chạy liên tục mà khi khởi động tôi để nhiệt độ thật thấp (khoảng 18-19 độ C) cho phòng nhanh mát. Sau khoảng 15 phút, tôi tắt điều hòa và bật quạt; đến khi phòng nóng lên lại bật điều hòa. Trung bình, cứ 15-20 phút phải bật/tắt một lần nhưng không hiểu sao, hóa đơn tiền điện vẫn không giảm, thậm chí còn tăng”.
Lý giải thắc mắc của chị Đào, nhân viên tư vấn của Công ty Electrolux Việt Nam cho biết, tắt/bật điều hòa liên tục không chỉ gây tốn điện mà còn khiến điều hòa nhanh hỏng, vì mỗi lần khởi động, máy phải tiêu tốn rất nhiều điện năng để làm lạnh không khí đạt đến nhiệt độ yêu cầu. Để tiết kiệm điện hiệu quả, nên duy trì nhiệt độ trong phòng ở mức ổn định từ 25-28 độ C. Ngoài ra, cũng không nên bật điều hòa 24/24h, vừa tốn điện vừa gây quá tải cho máy.
Tương tự, việc ngắt điện tủ lạnh khi không sử dụng trong một thời gian sẽ làm giàn nóng và giàn lạnh bị oxy hóa và nhanh hỏng. Ngoài ra, khi khởi động lại, tủ lạnh cũng “ngốn” rất nhiều điện năng để làm lạnh lại từ đầu. Theo các chuyên gia, chỉ nên ngắt điện tủ lạnh khi không sử dụng tủ từ 3 ngày trở lên.
Khác với bóng đèn sợi đốt, tuổi thọ của bóng đèn compact và huỳnh quang phụ thuộc vào số lần bật/tắt. Do đó, nếu chỉ ra khỏi phòng từ 5-10 phút không cần thiết phải tắt đèn.
Quá phụ thuộc vào công nghệ
Quá phụ thuộc vào công nghệ cũng là một sai lầm của nhiều gia đình khi tiết kiệm điện. Nhiều người sau khi mua các thiết bị có công nghệ inverter tiết kiệm điện thì yên tâm rằng: Dù có để nhiệt độ thấp, mở cửa khi bật điều hòa; đóng, mở cửa tủ lạnh liên tục... cũng không tốn điện, vì máy đã có chức năng tự điều chỉnh. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, bởi bên cạnh sự hỗ trợ của công nghệ, người dùng phải có ý thức sử dụng thiết bị tiết kiệm, hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, một thiết bị công nghệ inverter không sử dụng đúng cách có thể tiêu tốn điện năng hơn một thiết bị công nghệ thường được sử dụng hợp lý, khoa học.
Không chỉ có vậy, nhiều gia đình còn “yên tâm” bật bình nóng lạnh cả ngày vì sản phẩm có chức năng tự ngắt điện khi nước đủ nóng mà quên rằng, bình nóng lạnh cũng có chức năng tự đóng điện để làm nóng nước khi nhiệt độ xuống thấp. Do đó, bình nước nóng sẽ luôn luôn ở chế độ làm việc 24/24h, tiêu hao nhiều điện năng.
Đó là chưa kể, hiện trên thị trường có nhiều thiết bị “tiết kiệm điện” được quảng cáo tiết kiệm từ 30-40% điện năng khi gắn với tivi, tủ lạnh, điều hòa... Tuy nhiên, đa số thiết bị này chưa được kiểm định. Vì thế, nếu sử dụng phải hàng “dởm” sẽ gây tốn điện hơn hoặc gây nguy hiểm cho người dùng.
Tiết kiệm chưa triệt để
Có thể khẳng định, hiện nay đa số các gia đình khi tắt thiết bị điện đều chỉ tắt từ điều khiển, hoặc tắt trực tiếp trên thiết bị mà không rút hẳn thiết bị khỏi nguồn điện. Họ cho rằng, khi thiết bị ngừng hoạt động sẽ không tiêu tốn điện năng. Tuy nhiên, thiết bị ở chế độ chờ (chế độ standby), hoặc chưa tách khỏi nguồn điện vẫn tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Do đó, muốn tiết kiệm điện hiệu quả, khi tắt các thiết bị nên rút hẳn thiết bị khỏi nguồn điện.
Bên cạnh đó, có nhiều gia đình chỉ quan tâm tiết kiệm điện cho máy điều hòa và tủ lạnh - hai thiết bị gây tốn điện nhất mà quên rằng, trong gia đình còn rất nhiều thiết bị cũng “ngốn” điện khủng khiếp như: Lò vi sóng, lò nướng, quạt điện, tivi… “Tích tiểu thành đại”, mỗi thiết bị tiết kiệm điện một ít, sẽ giúp các gia đình giảm tối đa hóa đơn tiền điện.