Thổi tình yêu Lịch sử cho học sinh bằng truyền thống địa phương

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử, nhiều thầy cô đã có nghiên cứu, tìm tòi, tạo những bước chuyển mình tích cực trong phương pháp truyền dạy Lịch sử. Một trong số đó là sử dụng, lồng ghép chất liệu sẵn có và truyền thống ở chính địa phương vào môn học.

Giải quyết căn nguyên học sinh sợ Lịch sử

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô Đỗ Thị Bích Hòa, giáo viên trường Tiểu học Thạch Xá, huyện Thạch Thất đã đào tạo nhiều thế hệ học trò. Bên cạnh số ít học sinh yêu Lịch sử thì phần lớn các em có thái độ hời hợt, thậm chí sợ môn học này. Theo cô Hòa, căn nguyên khiến nhiều học sinh chưa yêu thích môn Lịch sử là do thầy cô chưa có phương pháp, cách thức truyền đạt hấp dẫn, hiệu quả; và đặc biệt còn thiếu những truyện, phim Lịch sử sinh động dành cho các em.

Cô Đỗ Thị Bích Hòa, giáo viên trường Tiểu học Thạch Xá, huyện Thạch Thất quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy Lịch sử
Cô Đỗ Thị Bích Hòa, giáo viên trường Tiểu học Thạch Xá, huyện Thạch Thất quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy Lịch sử

Chính lí do đó đã thôi thúc cô Hòa quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy Lịch sử và “Mô hình lớp học đảo ngược” được cô ưu tiên áp dụng. Mô hình cho phép học sinh mở rộng và làm chủ tài liệu thông qua các bài tập, dự án và thảo luận, học tập cộng tác. Sau khi cô áp dụng mô hình, mỗi tiết học Lịch sử không còn là giờ học khô khan, đáng sợ như các em thường nghĩ mà ngược lại trở nên hấp dẫn, lí thú, hiệu quả. Vui hơn là nguồn video, hệ thống bài tập của các bài Lịch sử áp dụng mô hình lớp học đảo ngược đã được duyệt trên trang của Bộ GD&ĐT, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.

Là một giáo viên dạy môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Phượng, trường THCS Gia Thụy, quận Long Biên cho rằng: Bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông có lượng kiến thức rất phong phú về lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, do đối tượng của lịch sử là quá khứ đã diễn ra, không thể tái hiện hay trực tiếp quan sát được mà chỉ được phản ánh qua các nguồn sử liệu, nên một số học sinh chưa hứng thú với môn học này. Làm sao để giúp học sinh nhận thức được lịch sử một cách chính xác, chân thực như nó đã tồn tại là một khó khăn với người thầy và cũng là nỗi trăn trở của cô Phượng trong suốt những năm tháng đứng lớp.

Mong muốn học sinh hiểu phần nào cái hay và giá trị của lịch sử, cô Nguyễn Thị Phượng đã đổi mới phương pháp dạy học, khơi nguồn sáng tạo cho các em; biến mỗi giờ dạy Lịch sử không phải là nhồi nhét sự kiện, con số ngày tháng, mà quan trọng là giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh, biết tích hợp, xâu chuỗi, liên kết kiến thức môn Lịch sử với các môn học khác. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của đất nước và Thủ đô, biết xác định nhiệm vụ học tập, chính trị để hội nhập quốc tế.

Dạy Lịch sử gắn với truyền thống quê hương

Trao đổi về mô hình “Lớp học đảo ngược”, cô Đỗ Thị Bích Hòa cho biết: Điểm sáng của mô hình là đã tạo cú hích tự học cho học trò. Các em đã biết tự khai thác thông tin từ nguồn tư liệu tranh ảnh, chữ viết, phim ảnh, trong đó cô luôn khuyến khích học sinh có điều kiện nghe kể sử từ chính ông bà, những người từng tham gia chiến đấu và sống trong thời khắc lịch sử lúc bấy giờ kể lại. Cô tổ chức cho học sinh đi thực tế tại các di tích ở chính quê hương như chùa Tây Phương, đền thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nhà Lưu niệm Bác Hồ ở xóm Lai Cài, xã Cần Kiệm- nơi Bác về làm việc trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Qua đó, chẳng những các em mà phụ huynh của các em cũng dần thay đổi cách nhìn về môn Lịch sử.  

Cô Nguyễn Thị Phượng, trường THCS Gia Thụy, quận Long Biên trong một giờ dạy học
Cô Nguyễn Thị Phượng, trường THCS Gia Thụy, quận Long Biên trong một giờ dạy 

Chưa dừng lại, cô Hòa còn thực hiện hoạt động học tập trải nghiệm bằng dự án với chủ đề: “Những giải pháp bảo tồn và phát triển nghề thủ công ở xã Thạch Xá” và tiếp tục hành trình đưa học sinh đến xóm làng để các em có cơ hội vừa học, vừa trải nghiệm giúp tăng ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống của làng nghề Thạch Xá. Đây cũng là sân chơi lành mạnh cho học sinh sau giờ học căng thẳng; các em về nhà không sà vào ti vi, điện thoại mà phụ giúp gia đình làm nghề truyền thống địa phương.

Còn với cô Nguyễn Thị Phượng, để đổi mới phương pháp dạy học, cô đã vận dụng thành công hình thức “Dạy học dự án”. Từ kiến thức lịch sử dân tộc, cô lựa chọn các chủ đề lịch sử địa phương ngay tại quê hương Long Biên, định hướng cho học sinh cách tiếp cận để các em thấy yêu thích và tìm hiểu.

Học sinh trường THCS Gia Thụy, quận Long Biên với bài thuyết trình về Đình Lệ Mật- di sản văn hóa của địa phương
Học sinh trường THCS Gia Thụy, quận Long Biên với bài giới thiệu về đình Lệ Mật- di tích lịch sử văn hóa của địa phương

Ở từng bài học, cô Phượng hướng dẫn học sinh sưu tầm tranh ảnh tư liệu lịch sử, trong đó có các cổ vật Long Biên, vẽ tranh trên giấy A0 giới thiệu về di tích lịch sử, như đình Gia Thụy, khu Gò Mộ Tổ, đình Lệ Mật… Các em được học Sử bằng phương pháp tranh biện, trao đổi nhóm, vẽ sơ đồ tư duy, chơi trò chơi, đóng kịch hoặc gặp gỡ nhân chứng để nghe kể chuyện lịch sử. Cô Phượng còn tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức các buổi học thực nghiệm, ngoại khóa, đưa học sinh đi tham quan các điểm di tích. Theo cô, đó là con đường ngắn nhất giúp các em thấy yêu lịch sử, có ý thức giữ gìn, phát huy và bảo tồn di tích địa phương bằng những việc làm thiết thực.

Song song các hình thức trên, cô đã cùng đồng nghiệp xây dựng “Lớp học vui vẻ” vào các tiết dạy học Lịch sử. Để biến những giờ học Lịch sử có sức cuốn hút với học trò, cô đưa cách thức “Học mà chơi, chơi mà học” với nhiều trò chơi tương tác để tạo hứng thú, kích thích sự tò mò, ham học hỏi của các em, biến giờ học Lịch sử không nhàm chán, nặng nề, khô khan, mà kết hợp đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh hiệu quả.

Những phương pháp đổi mới trong giảng dạy môn Lịch sử của hai cô giáo Đỗ Thị Bích Hòa và Nguyễn Thị Phượng chẳng những giúp học sinh không còn sợ môn Lịch sử, có thái độ yêu mến môn học này mà còn thêm hiểu biết, tự hào về mảnh đất quê hương; và đây cũng là những phần quan trọng của Nội dung Giáo dục địa phương đang được đẩy mạnh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.