Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá, trong tháng đầu tiên của năm 2013, các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và các chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ tháng 1/2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các cấp, các ngành đã xây dựng và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm lệ phí...; đề xuất các giải pháp cụ thể giảm hàng tồn kho, kích thích tiêu thụ, giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản; triển khai các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tăng cường các biện pháp quản lý giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng nhái, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông và trật tự xã hội,...
Đến nay, nhiều bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), kế hoạch đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và Chương trình mục tiêu quốc gia đến các đơn vị cơ sở.
Nhìn chung, trong tháng 1/2013, cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,25% so với tháng 12/2012, là mức trung bình so với các năm trước[1]. Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2013 tăng 7,07%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm gần đây[2]. Việc giá tăng chủ yếu do một số địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, nguồn cung thực phẩm bị ảnh hưởng do rét đậm , rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc; nhu cầu mua sắm tăng và tâm lý tăng giá hàng trong dịp Tết.
Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định[3]. Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến 21/01/2013 ước tăng 0,17% so với tháng 12/2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 0,53%, chủ yếu do doanh nghiệp và người dân rút tiền để chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 1,06% so với tháng 12/2012 và ước tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước (không tính đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm và tương đối ổn định[4] do thanh khoản của hệ thống tiếp tục được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp.
Trong nửa đầu tháng 1/2013, tổng thu NSNN ước đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 3,1% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 33,85 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán.
Xuất khẩu đạt 10,1 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng 12/2012 nhưng tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu khoảng 200 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện trong tháng 01/2013 ước đạt 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng vốn đăng ký ước đạt 281,5 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp so với tháng trước giảm 3,2% nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 21,1%.
Sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển ổn định tuy chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc, khô hạn tại một số tỉnh miền Trung. Diện tích gieo trồng lúa đông xuân cả nước so cùng kỳ vẫn tăng 4,6% (đạt 1943 nghìn ha). Bắt đầu thu hoạch vụ đông xuân tại các tỉnh phía Nam, được mùa, và đang thúc đẩy thu mua tạm trữ. Sản lượng thủy sản tăng 3,3%. Chăn nuôi đang phục hồi.
Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 01 tăng 1,02% so với tháng 12/2012 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2012. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng ước đạt 652 nghìn lượt khách, tăng khoảng 6% so với tháng trước và tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2012.
An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm[5]; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quản lý chặt chẽ hơn; công tác bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, tồn kho ở một số mặt hàng vẫn ở mức cao[6]. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao[7]. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn so với các tháng cuối năm 2012 cần phải tiếp tục kiên trì nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Tổng mức bán lẻ tăng thấp. Tăng trưởng tín dụng chậm được cải thiện. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
Để tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2013, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, kiên quyết và kiên trì các giải pháp chủ yếu đã đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đồng thời, tập trung vào một số trọng tâm sau:
Các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa các giải pháp được nêu trong các Nghị quyết này và triển khai thực hiện nhất quán từ Trung ương đến địa phương; phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện; kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
Ưu tiên chỉ đạo đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giá cả. Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục điều chỉnh lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm và hướng vào những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu; nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa;...
Tập trung giải ngân các nguồn vốn đã phân bổ, trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia,... Nắm chắc nhu cầu và kết quả triển khai thực tế để xem xét, xử lý việc ứng vốn cho một số công trình, dự án giao thông trọng điểm.
Khắc phục mọi khó khăn, khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tập trung xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, trước mắt cần quyết liệt chỉ đạo xử lý nợ xấu từ ngân hàng và doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tích cực chỉ đạo thực hiện tốt việc mua gạo tạm trữ, không để giá xuống thấp, ảnh hưởng đến người nông dân.
Đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế ngay từ những tháng đầu năm. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tiếp tục được thực hiện quyết liệt.
Các Bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai chuẩn bị để nhân dân đón Tết cổ truyền dân tộc trong không khí vui tươi, phấn khởi. Đảm bảo hàng hóa thiết yếu đầy đủ, không để thiếu hàng, sốt giá. Bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân thuận tiện an toàn, không để xẩy ra tình trạng thiếu phương tiện và quá tải. Chăm lo đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Chú ý chăm lo Tết cho bộ đội, công an, đặc biệt là các lực lượng đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, biên giới, hải đảo...
Thực hiên nghiêm việc cấm đốt pháo, tăng cường phòng chống cháy nổ và đảm bảo an toàn giao thông. Nhiệm vụ trước mắt trong những ngày Tết là phải giảm cả 3 chỉ tiêu về an toàn giao thông so với Tết năm trước, đồng thời giữ vững trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc chủ động cung cấp thông tin chính thống kịp thời cho báo chí và các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, củng cố niềm tin và đồng thuận xã hội.
---
[1] So với tháng 12 năm trước, CPI tháng 1 từ năm 2003 – 2013 lần lượt là: 0,9%; 1,1%; 1,1%; 1,2%, 1,05%; 2,38%; 0,32%; 1,36%; 1,74%; 1,0%; 1,25%.
[2] So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 01 năm 2008-2012 lần lượt: 14,11%; 17,48%; 7,62%; 12,17% và 7,27%.
[3] Trần lãi suất huy động ngắn hạn bằng VND ở mức 8%/năm. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn với một số lĩnh vực ưu tiên ở mức 12%/năm. Lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực khác trung bình ở mức 15-17%.
[4] Trần lãi suất huy động ngắn hạn bằng VND ở mức 8%/năm. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn với một số lĩnh vực ưu tiên ở mức 12%/năm. Lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực khác trung bình ở mức 15-17%.
[5] Trong tháng 01/2013, ước tạo việc làm khoảng 130 nghìn lao động, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 7 nghìn người. Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai tích cực và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: xuất cấp (không thu tiền) 18.999 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương để cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết nguyên đán và giáp hạt năm 2013.
[6] Một số ngành có chỉ số tồn kho cao: sản xuất thức săn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 26,7%; may trang phục tăng 23,3%; sản xuất xi măng tăng 35,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 374%; sản xuất dây cáp điện các loại tăng 34,1%.
[7] Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (4.278 doanh nghiệp) tăng 6,9% so với tháng 12/2012 và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó có 3.837 doanh nghiệp thành lập mới tăng 10,2% so với tháng 12/2012, nhưng giảm về tổng số vốn đăng ký.