Chia sẻ về Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Đề án Hệ tri thức Việt số hóa là Đề án huy động các nguồn lực khác nhau trong đó có nguồn lực Nhà nước lẫn nguồn lực xã hội, tránh đầu tư trùng lắp. Trong đó, nguồn lực Nhà nước là những dự án mà Nhà nước đã triển khai để xây dựng dữ liệu thì sẽ tập hợp các dữ liệu đó với nhau. Cùng với đó, huy động nguồn lực từ DN với những dữ liệu mà DN xây dựng. Và chỉ khi tập hợp dữ liệu từ các DN khác nhau cùng với DN của Nhà nước và của người dân thì mới tạo ra dữ liệu có giá trị lớn.
Còn với nguồn lực từ người dân, có 2 giai đoạn: Giai đoạn khởi đầu sẽ cần nhiều nguồn lực tình nguyện từ người dân. Giai đoạn sau là khi các ứng dụng tốt đã được sử dụng, thông qua đó, người dân đóng góp dữ liệu.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, một trong những điểm nghẽn lớn nhất để thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong kinh tế số ở Việt Nam đó là sự chia sẻ dữ liệu. “Tất cả từ cơ quan quản lý Nhà nước cho đến các DN và người dân đều chưa có nhiều nhận thức về dữ liệu. Trong khi đó, với tri thức, chúng ta càng chia sẻ thì nó càng lớn lên chứ nó không mất đi. Mặt khác, dữ liệu phải được cộng lại với nhau thì mới tạo nên được một hệ thống lớn để phát triển ra sản phẩm, phát triển ra những DN cạnh tranh được trên thế giới cũng như phục vụ tốt nhất cho người dân Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ KH&CN phân tích.
Những năm qua, Việt Nam đã dùng các sản phẩm, bản đồ của nước ngoài, trong đó, có những bản đồ miễn phí của Google để tìm ra địa chỉ hay các hãng gọi xe công nghệ (Grab, Fast go, Go Việt…). Khi tìm đến các địa điểm ở Việt Nam, người sử dụng phải gọi ra một cơ sở dữ liệu ở nước ngoài. Và phụ thuộc rất nhiều vào đường truyền ra nước ngoài hay các dữ liệu ở nước ngoài cho đến hiện nay chưa đầy đủ chi tiết để các ứng dụng gọi xe có thể vận hành một cách thuận lợi.
Thông tin qua con số, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, qua xây dựng hệ thống phần mềm và triển khai thử nghiệm thu thập dữ liệu chỉ trong khoảng 1 tháng, toàn bộ tỉnh Phú Yên, tỉnh Hậu Giang, mỗi tỉnh có hơn 200.000 địa chỉ đã được đưa lên vị trí bản đồ, kể cả ngõ ngách, thôn xóm. Trong khi bình thường, với mỗi một địa chỉ, các công ty làm bản đồ, thu thập bản đồ phải mất khoảng hàng chục tỷ đồng; mất hàng nghìn tỷ đồng khi thu thập toàn bộ địa chỉ dữ liệu của cả nước. Nhưng với cách làm hiện nay, Bộ KH&CN đã thu được những kết quả đáng khích lệ: Chỉ trong vòng 4 ngày, tỉnh Nghệ An thu thập được gần 100.000 địa chỉ, với cách thu thập đi đến từng địa chỉ và dùng phần mềm đưa thông tin địa chỉ đó lên vị trí của bản đồ số …
Có thể thấy, đây là cách làm đồng loạt huy động lực lượng của Bưu điện Việt Nam, Đoàn thanh niên và các lực lượng khác. “Hy vọng trong thời gian ngắn nhất, cơ bản các địa chỉ của Việt Nam sẽ lên bản đồ số góp phần cho tất cả các ứng dụng của Việt Nam sử dụng hiện nay”, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.