Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông điệp lan tỏa yêu thương

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sử dụng hội họa làm kênh giao tiếp với xã hội bên ngoài, triển lãm “Sắc màu – Những mảnh ghép”, diễn ra ngày 15/1 tại Megan Galery (299 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) của 6 nghệ sĩ mắc chứng tự kỷ sẽ giới thiệu đến công chúng 40 bức tranh đầy nắng, gió, niềm vui và ẩn chứa nhiều thông điệp về tình cảm.

Hành trình đầy nỗ lực
40 tác phẩm hội họa trong triển lãm “Sắc màu – Những mảnh ghép” là những câu chuyện khác nhau của 6 nghệ sĩ mắc chứng tự kỷ gồm: Tô Đỗ Hương Giang (14 tuổi), Nguyễn Văn Duy (15 tuổi), Vũ Tuấn Duy (14 tuổi), Nguyễn Trung Hiếu (22 tuổi), Phạm Quang Huy (16 tuổi), Nguyễn Danh Lâm (19 tuổi). Mỗi bức vẽ đều ẩn chứa thông điệp tình cảm, cảm xúc của từng tác giả. Đường nét, màu sắc trong tranh dường như đã thay cho lời nói, kể lại những câu chuyện trong cuộc sống, những điều mà đôi khi người tự kỷ không thể kể lại bằng ngôn ngữ bình thường.

Tô Đỗ Hương Giang được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến là Nhím. Giữa năm 2010, bố mẹ Nhím phát hiện ra con mắc hội chứng tự kỷ, không phát triển ngôn ngữ, giao tiếp kém và tăng động, kém tập trung. Sau một thời gian được sự can thiệp tích cực của thầy cô và bố mẹ, Nhím đã có thể hiểu được những gì mọi người nói với mình và thể hiện được nhu cầu tối thiểu của bản thân. Lúc này, Nhím cũng bộc lộ sự yêu thích với vẽ tranh.
 Tác phẩm của các nghệ sĩ tự kỷ trong triển lãm ''Sắc màu - Những mảnh ghép''.
Đến đầu năm 2020, mẹ Nhím biết đến lớp vẽ thiện nguyện ở Trung tâm Megan Art của họa sĩ Lương Giang và đăng ký cho con học. Sau gần một năm theo học, từ cô bé chỉ biết vẽ những nét nguệch ngoạc, không biết cách tô màu mà đến giờ với sự giúp đỡ của các thầy cô tại trung tâm, Nhím đã có thể vẽ được những bức tranh hoàn chỉnh và rất đẹp. Đồng thời, Nhím đã chịu khó ngồi tập trung vẽ hơn và đặc biệt thích đi học vẽ ở lớp.

Với Nguyễn Văn Duy (SN 2008), khi 17 tháng tuổi, gia đình phát hiện em bị hội chứng tự kỷ. Duy được bố mẹ đưa đến trung tâm can thiệp nhưng không hiệu quả. Khi 2 tuổi, cậu bé càng tăng động nhiều hơn, hay chơi một mình và phá bỏ đồ chơi khi tức giận. Duy còn tự làm đau bản thân, đập đầu vào tường. Đến 4 tuổi, em mới bập bẹ được nói vài câu.
Tháng 6/2019, mẹ Duy thấy con xem và nhìn vẽ theo các tranh hoạt hình. Em vẽ chì theo tranh mẫu và không bỏ sót chi tiết nào. Tháng 9/2019, mẹ Duy biết đến lớp vẽ thiện nguyện của họa sĩ Lương Giang. Nhờ sự chỉ dạy rất nhiệt tình của cô giáo, Duy ngồi học ngoan, biết nghe lời mẹ và luôn mong chờ đến thứ Sáu hàng tuần để được học vẽ lớp của cô.

Ở lớp thiện nguyện này, những đứa trẻ như Duy, Nhím đã được các thầy cô chia sẻ yêu thương, chấp nhận khác biệt và dạy dỗ, đồng hành, tiếp thêm ngọn lửa chính tình yêu với hội họa, khơi dậy năng khiếu cũng là mở ra một đường hướng phát triển trong tương lai.

Truyền cảm hứng nghệ thuật

Các bức tranh của Hương Giang, Văn Duy, Tuấn Duy, Trung Hiếu, Quang Huy và Danh Lâm đại diện phần nào cho thế giới của rất nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ khác đang cần được cả xã hội, quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ đồng thời trao cho các em cơ hội để có thể bộc lộ tài năng, thể hiện bản thân và đóng góp cho xã hội.

Không chỉ là một tác phẩm hội họa, mỗi bức tranh còn là một câu chuyện, cảm nhận của các em về thế giới xung quanh, thể hiện niềm đam mê, sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, tâm hồn bay bổng thông qua những nét vẽ về thiên nhiên, phong cảnh, nhân vật hoạt hình... Khó khăn về giao tiếp những qua các nét vẽ, mỗi em đều thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình với gia đình, bạn bè và thế giới xung quanh.

Triển lãm không chỉ nhằm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật mà còn định hướng, giáo dục việc làm tương lai cho nhóm trẻ năng khiếu nghệ thuật. Đồng thời truyền cảm hứng cho các gia đình có con tự kỷ, khuyến khích, tạo cơ hội phát huy năng lực cho con em mình. Triển lãm “Sắc màu – Những mảnh ghép” diễn ra từ 15/1 - 28/2 như một món quà động viên các em trên con đường trở thành những họa sĩ chuyên nghiệp trong tương lai.