[Thông điệp lịch sử] Nguyễn An Ninh & Chuông Rè “thức tỉnh đồng bào”

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyễn An Ninh là nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà báo lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào yêu nước của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Tờ báo La Cloche Fêleé (Chuông rè) của ông đã “gióng lên từng hồi chuông trong đêm tối” để thức tỉnh tinh thần yêu nước và cách mạng của người dân Việt vùng lên giành độc lập, tự do.
Hành trình của một trí thức Tây học

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15/9/1900 tại quê mẹ ở xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước.

Năm 1910, ông bắt đầu đi học trường dòng Taberd, rồi Collège Mỹ Tho và sau đó theo học chương trình Brevet Elémentaire tại trường Chasseloup Laubat. Năm 1916, ông ra Hà Nội theo học Cao đẳng Y dược nhưng bỏ sang học Luật rồi tìm đường đi Pháp năm 1918.

Sang Pháp, ông thi lấy bằng Tú tài rồi tiếp tục học luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông được cấp bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc rồi tiếp tục theo học bậc tiến sĩ nhưng lại không thi để hoạt động cách mạng.

Thời kỳ ở Paris, Nguyễn An Ninh đi đến nhiều nước ở châu Âu, tiếp xúc với văn minh Pháp/phương Tây không chỉ qua sách vở mà còn cả các sinh hoạt chính trị, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của giới trí thức tinh hoa. Ông không chỉ nghiên cứu triết học phương Tây mà cả chủ nghĩa Gandhi, Phật giáo và triết học Mác - Lê-nin và các học thuyết cách mạng trên thế giới.

Cũng trong thời gian này, Nguyễn An Ninh hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp. Ông tham gia "Nhóm ngũ long" (gồm có Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành/Nguyễn Ái Quốc). Ông cũng kết giao rộng rãi với các nhà hoạt động cánh tả, Cộng sản ở Pháp và một số nước khác ở châu Âu.

Ngày 3/10/1922, Nguyễn An Ninh về nước và bắt đầu một chặng đường mới trên hành trình dấn thân. Trên hành trình đó, ông đã sang Pháp thêm 3 lần và 5 lần bị thực dân Pháp bỏ tù vào các năm 1926, 1928, 1936, 1937, 1939, tổng cộng hơn 10 năm.
Nhà báo Nguyễn An Ninh có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào yêu nước

của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Ngày 25/1/1923, ông diễn thuyết trước đông đảo thanh niên trí thức Sài Gòn với chủ đề "Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam". Ngày 15/10/1923, ông diễn thuyết lần thứ hai tại Hội Khuyến học Nam Kỳ với bài "Lý tưởng của thanh niên An Nam". Ông kịch liệt đả kích chính sách cai trị của chính quyền thực dân, kêu gọi Nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên hăng hái rũ bỏ những ràng buộc của hủ tục, bất chấp sự đàn áp của thực dân Pháp ra đi tìm đường cứu nước và xây dựng cho dân tộc một nền văn hóa mới tự do và hiện đại. Tư tưởng của ông được công chúng, nhất là thanh niên yêu nước ở Nam Kỳ nhiệt liệt hưởng ứng nhưng nhà cầm quyền thực dân thì vô cùng tức tối và tuyên bố cấm ông diễn thuyết tại các nơi công cộng.

Từ 1923, ông bắt đầu làm báo La Cloche Fêleé (Chuông rè). Cùng với Thanh niên (1925) của Nguyễn Ái Quốc và Tiếng Dân (1927) của Huỳnh Thúc Kháng, La Cloche Fêlée đã tạo thành một bộ ba báo chí cổ vũ tinh thần yêu nước và cách mạng Việt Nam những năm 1920.

Năm 1926, ông bị chính quyền thực dân bỏ tù 2 năm. Sau khi ra tù, ông sáng lập Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam Kỳ. Ông còn phối hợp vận động phát triển Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên ở Nam Kỳ. Vì việc này, ông lại bị thực dân Pháp bỏ tù vào cuối năm 1928.

Năm 1936, Mặt trận bình dân ở Pháp thắng lợi. Chớp thời cơ, Nguyễn An Ninh đã phát động Phong trào “Đông Dương đại hội” ở Việt Nam; được nhận định là “cuộc tổng diễn tập lần thứ hai” cho thành công của Cách mạng Tháng Tám (1945).

Với Chuông rè “gióng lên hồi chuông trong đêm tối”

Bị chính quyền thực dân đe dọa và ngăn cản diễn thuyết, Nguyễn An Ninh vẫn không chùn bước mà sử dụng một phương pháp, một vũ khí đấu tranh mới là báo chí. Ông lập ra tờ báo La Cloche Fêleé (Chuông rè) bằng tiếng Pháp, phát hành công khai ở Sài Gòn. Ngày 10/12/1923, báo ra số đầu tiên, mỗi tuần một số vào ngày thứ hai, 4 trang, khổ 63 x 45cm. La Cloche Fêleé tự nhận là cơ quan ngôn luận theo tinh thần Tự do, Bình đẳng, Bác ái với mục đích chuẩn bị cho tương lai, xây dựng nước Việt Nam như một nước Pháp thứ hai ở châu Á, để “Nó gióng lên từng hồi chuông trong đêm tối”, “Giúp dân tộc An Nam thoát ra khỏi sự vô trật tự hiện nay do nước Pháp mang lại, để dân tộc ấy có thể hoàn tất được cái vận mạng đã vạch sẵn cho mình”.

Đây là một trong những tờ báo đầu tiên thuộc dòng báo chí công khai trực tiếp phê phán mạnh mẽ chính sách cai trị của thực dân Pháp, phơi bày nỗi thống khổ của người dân, đồng thời truyền bá các tư tưởng cách mạng, đặc biệt là tư tưởng cách mạng Pháp, Ấn Độ và chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Để đàn áp tờ báo, chính quyền thực dân đã cấm các nhà in và Sở Bưu điện nhận in và phát hành báo La Cloche Fêleé. Với tinh thần “sẵn sàng hy sinh cho tương lai”, Nguyễn An Ninh và gia đình đã bán hết gia sản để lập xưởng in riêng. Ông trực tiếp vào xưởng làm thợ in rồi để đầu trần, xõa tóc, mặc đồ bà ba, đi guốc gỗ tự mình rao bán báo trên đường phố Sài Gòn. Hành động yêu nước của ông đã được các tầng lớp Nhân dân Sài Gòn và Nam Kỳ rất ngưỡng mộ và ủng hộ. Nguyễn An Ninh trở thành lãnh tụ và là thần tượng của phong trào yêu nước cấp tiến của thanh niên Nam Kỳ.

Do sự o ép của chính quyền thực dân, lại thiếu tiền và sức khỏe không tốt nên đến số 19 ra ngày 14/7/1924 thì Nguyễn An Ninh tạm ngưng La Cloche Fêlée.

Cuối năm 1924, ông sang lại Pháp. Ngày 26/6/1925, ông cùng Phan Chu Trinh về Sài Gòn. Với sự ủng hộ của cụ Phan, ông cho tái bản La Cloche Fêlée và mời Phan Văn Trường đứng tên chủ nhiệm (vì có quốc tịch Pháp) với sự cộng tác của nhiều cây bút nổi tiếng đương thời. Ngày 26/6/1925, báo La Cloche Fêlée ra số 20. Từ số 63 ra ngày 6/6/1926, báo đổi tên thành L’Annam.

Từ đây, cùng với La Cloche Fêlée/ L’Annam, Nguyễn An Ninh đã có sự chuyển hóa về tư tưởng, trở nên quyết liệt, thiên tả hơn trong đấu tranh chống lại chế độ thực dân cai trị. Từ tư tưởng cải lương ôn hòa, ông công khai ủng hộ việc dùng bạo lực trong cuộc đấu tranh giải phóng, giành quyền sống cho Nhân dân, phát triển cho dân tộc với luận điểm “Chống lại một trật tự, phải dùng một trật tự khác, giáng trả lại một sức mạnh, phải dùng một sức mạnh khác”. Đặc biệt, thiên hướng dân tộc chủ nghĩa nhưng ông đã chủ tâm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từng in nhiều kỳ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trên La Cloche Fêlée.

Sau số 182 ra ngày 2/2/1928, La Cloche Fêlée/L’Annam đình bản vĩnh viễn trong sự tiếc nuối của đồng bào Nam Kỳ và cả nước.

Sau khi ra tù lần thứ hai (1931), cuối tháng 4/1932, cùng với bạn là đảng viên Cộng sản Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh lập ra tờ báo công khai bằng tiếng Pháp La Lutte (Tranh đấu). Đây là tờ báo cách mạng rất có uy tín ở Sài Gòn và Nam Kỳ, có đóng góp quan trọng vào việc tổ chức các cuộc đấu tranh công khai sôi nổi của quần chúng.

Về sự nghiệp báo chí của Nguyễn An Ninh không thể không nhắc đến ông đã viết cho các báo Le Paria, Le Libertaire, La Lutte, L’Avant Garde, Donnai, Đông Pháp thời báo, Tranh đấu, Thần chung, Công luận, Đuốc nhà Nam, Trung lập... Ông còn tham gia sáng lập tạp chí Europe nổi tiếng và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Trước đó, từ năm 15 tuổi ông đã làm biên tập cho tờ Courrier saigonnais. Ngoài viết báo, tháng 4/1925, tại Pháp ông còn viết sách "La France en Indochine" (Nước Pháp ở Đông Dương), để "vạch trần" sự xâm lược của thực dân Pháp, phân tích những nguyên nhân đưa đến sự bất ổn tại Đông Dương.

Ngày 14/8/1943, Nguyễn An Ninh hy sinh ở nhà tù Côn Đảo. “Từ một sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn An Ninh trở thành một chiến sĩ, một lãnh tụ có uy tín lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào yêu nước Việt Nam trong suốt gần 2 thập kỷ (từ 1923 - 1943). Ông còn là nhà tư tưởng, nhà văn hóa và nhà báo lớn. Những tác phẩm của ông về tư tưởng chính trị, về tôn giáo và về văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng đối với diễn trình lịch sử văn hóa - tư tưởng Việt Nam cận đại” - Trần Văn Giàu