Người có tài điều hành việc nước, dù là ở triều đình hay tại các địa phương, đều có dịp thi thố tài năng để góp phần vào những công cuộc ích nước lợi dân. Những biểu hiện dưới đây cho thấy ông cha ta rất nghiêm túc và cẩn trọng khi chọn người tài đức ra làm quan.
Dưới triều Lý, năm 1075, vua Lý Nhân Tông mở khoa thi đầu tiên gọi là khoa thi tam trường để chọn người có kiến thức ra làm quan. Một năm sau (1076), nhà vua lại xuống chiếu thành lập trường Quốc Tử Giám, cử người có tài vào dạy, việc học có quy củ kể từ đó.
Có thể xem đó là những mốc thời gian đặt nền móng cho việc điều hành đất nước qua các hình thức tuyển chọn người tài. Tùy vào từng triều đại, tùy vào tình hình xã hội của mỗi lúc, mỗi nơi mà các chính sách tuyển dụng người của cha ông ta luôn có những biến đổi để phù hợp với tình thế. Song dù thế nào thì việc tuyển bổ người cũng dựa vào các phương thức cơ bản sau:
Khoa cử: Trong buổi đầu, việc tổ chức thi cử không diễn ra định kỳ mà tùy thuộc vào nhu cầu mỗi thời kỳ. Năm 1086, vua Lý Nhân Tông mở kỳ thi chọn người có văn học để sung vào Hàn lâm viện. Gần 80 năm sau, năm 1165, đời vua Lý Anh Tông, triều đình mở cuộc thi thái học sinh, nhưng chưa rõ theo thể thức nào.
Phải chờ đến năm 1232, đời vua Trần Thái Tông, mới có kỳ thi thái học sinh tương đối có qui củ, thí sinh đỗ được xếp thành ba giáp là đệ nhất giáp, đệ nhị giáp và đệ tam giáp. Đây là tiền thân của những kỳ thi lấy tiến sĩ sau này.
Danh xưng Trạng nguyên xuất hiện lần đầu tiên trong kỳ thi đại tỷ năm 1246, và vị Trạng nguyên đầu tiên ở nước ta là Nguyễn Quan Quang (có tài liệu ghi là Nguyễn Hiền, đỗ năm 1247), người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn. Danh xưng Tiến sĩ xuất hiện lần đầu tiên trong kỳ thi Đình tổ chức năm 1374, dưới đời vua Trần Duệ Tông. Từ đó, việc thi cử chọn nhân tài hoàn thiện dần.
Sang đời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), năm 1472, triều đình định lệ tuyển bổ các tiến sĩ đỗ trong các kỳ thi Hội và thi đình như sau: Đệ nhất giáp đệ nhất danh tiến sĩ cập đệ (trạng nguyên) được bổ hàm chánh lục phẩm; Đệ nhất giáp đệ nhị danh tiến sĩ cập đệ (Bảng nhãn) được bổ hàm tòng lục phẩm; Đệ nhất giáp đệ tam danh tiến sĩ cập đệ (thám hoa) được bổ hàm chánh thất phẩm; Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân được bổ hàm tòng thất phẩm; Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân được bổ hàm chánh bát phẩm.
Điều này cho thấy con đường hoạn lộ dành cho những người đỗ đạt cao vào thời Lê không mấy sáng sủa, người đỗ tiến sĩ đệ tam giáp cũng chỉ kiếm được một chức quan vào hàng bát phẩm.
Đến thời Nguyễn, năm 1807, vua Gia Long định lệ thi cử lấy người tài, cứ 6 năm một lần, nhưng đến năm 1832, vua Minh Mạng rút lại còn 3 năm một lần. Việc bổ dụng vào thời này cũng có phần hợp lý hơn. Năm Minh Mạng thứ mười một (1830), triều đình định rằng những người đỗ Tú tài tuổi từ 40 trở lên sẽ được vào kinh để sát hạch, ai được xếp hạng bình và hạng ưu thì được bổ làm Huấn đạo, hàm chánh bát phẩm.
Đời Thiệu Trị (1841 - 1847), với người đỗ Đệ nhất giáp (tam khôi), việc bổ dụng đợi đặc chỉ, các hoàng giáp (đệ nhị giáp) và tiến sĩ đệ tam giáp cùng phó bảng lúc đầu bổ vào viện hàn lâm, sau một năm, hoàng giáp được bổ Tri phủ (tòng ngũ phẩm), tiến sĩ tam giáp bổ thự Tri phủ (chưa chính thức), phó bảng thì bổ hàm Tri huyện (tòng lục phẩm). Như vậy, trong thời Nguyễn, những người đỗ đạt đã được trọng dụng hơn trước.
Bảo cử: Thời nào cũng có những người tài nhưng không màng chuyện công danh, khoa cử, hoặc nhiều người có tài nhưng không may mắn trên đường khoa hoạn nên sống ẩn nhẫn chờ thời. Hình thức bảo cử là một sự bổ sung quan trọng cho phương thức tuyển bổ người thông qua khoa cử.
Bảo cử là tiến cử kẻ hiền tài ra làm việc nước. Ngay khi vừa phục hồi nền độc lập cho xứ sở, năm 1429, vua Lê Thái Tổ đã xuống chiếu định rằng các đại thần từ tam phẩm trở lên có bổn phận tiến cử người hiền tài “hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan, hoặc chưa làm quan…Nếu cử được người có tài bực trung thì thăng tước hai bậc, nếu cử được người tài đức đều giỏi, hơn hết mọi người, thì tất được thưởng hậu…” (Đại Việt sử ký toàn thư - tập 3 - NXB Khoa học xã hội-Hà Nội 1972 - trang 72).
Từ đời Hồng Đức đến thời Lê trung hưng, việc bảo cử được hoàn thiện thêm. Năm 1671, vua Lê Huyền Tông định rằng các quan nhị phẩm có thể tiến cử bốn người, quan từ lục phẩm đến bát phẩm được tiến cử hai người, tên được kê khai giao cho bộ Lại xét tuyển.
Sang thời Nguyễn, dưới triều Minh Mạng, nhà vua rất chú trọng đến lệ bảo cử, đã ban hành những quy định cụ thể như: các Thượng thư được tiến cử người giữ chức Bố chánh; Tham tri lục bộ và Phó Đô ngự sử được tiến cử người giữ chức Án sát; Thị lang lục bộ và ấn quan tam phẩm được tiến cử người giữ chức Tri phủ, đồng Tri phủ…
Nhiều quan lại thuộc diện có quyền tiến cử nhưng ngần ngại, không dám hành xử, sợ tiến cử nhầm người sẽ bị khiển phạt. Điều này cũng đã từng xảy ra: năm 1836, Tham tri bộ Hộ là Vũ Đức Khuê tiến cử Tô Ngọc Huyền làm Tri huyện chưa được ba năm lại tiến cử tiếp làm Tri phủ Hoài Đức, trong khi quan chức này là người làm việc không cẩn trọng, không thanh liêm. Hậu quả của việc làm này là Đức Khuê bị giáng chức và chuyển đi làm việc khác.
Ấm phong: Một đặc lệ tiêu biểu của thời phong kiến, theo đó, con của các đại thần, các quan lại có nhiều công trạng, con cháu của thân thích nhà vua, được gia phong quan tước và đặc cách sung vào các ngạch quan lại nếu có học, hạnh và trải qua những kỳ khảo hạch (ấm sung).
Tiếp sau việc tuyển bổ quan lại vào những cương vị phù hợp với nhu cầu của nha môn, các triều đình phong kiến còn đặt ra một số qui lệ để kiểm soát quan trường và có cơ sở thưởng phạt, thăng giáng các quan lại.
Lệ khảo khóa: Hình thức hoạt động nhằm kiểm soát các quan lại trong việc thực hiện chức trách của họ. Năm 1162, vua Lý Anh Tông định rằng các quan văn võ sau 9 năm làm việc mà không phạm những lỗi lầm nghiêm trọng thì được thăng trật.
Năm 1488, đời vua Lê Thánh Tông, triều đình định rõ lệ khảo khóa, cứ ba năm thì sơ khảo (khảo xét lần đầu), chín năm thì thông khảo (khảo xét thông suốt). Đến thời Nguyễn, nhận thấy lệ khảo khóa 9 năm một lần quá dài, triều đình đặt ra lệ khảo khóa ba năm một lần, gọi là khảo tích; ai có chánh tích tốt được xếp thượng khảo, trung bình gọi là trung khảo, xấu thì gọi là hạ khảo. Kết quả này được làm cơ sở cho việc thăng giáng, thuyên chuyển…(Đại Nam điển lệ toát yếu - NXB thành phố Hồ Chí Minh - 1993 - trang 117). Năm 1893, đời vua Thành Thái, có lệ định rằng các quan lại cấp tỉnh như Bố chánh, Án sát… làm việc giỏi thì cứ đến Tết nguyên đán được Nha Kinh lược đề nghị cho thăng trật để tưởng thuởng…
Lệ hồi tỵ: Để tránh tệ nạn “một người làm quan cả họ được nhờ” các triều đình phong kiến đặt ra lệ hồi tỵ (nghĩa là tránh đi). Năm 1498, đời vua Lê Hiến Tông, có lệ định rằng những quan chức nào có nha môn làm việc ở gần quê nhà phải đổi đi nơi khác. Lệ này vào thời Nguyễn được quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn. Năm 1831, vua Minh Mạng định rằng những thông phán, kinh lịch ở các trấn nếu là người bản hạt thì phải cải bổ đi hạt khác.
Lệ hồi tỵ còn qui định những người có quan hệ huyết thống hoặc họ hàng bên vợ không được làm chung một nha môn để tránh tình trạng bao che, câu kết nhau nhũng lạm hay làm các việc phi pháp khác.
Lệ trí sĩ (về hưu): Tuổi về hưu thời phong kiến có thay đổi đôi chút tùy thời kỳ, nhưng có một nét chung là so với ngày nay, các quan lại ngày xưa về hưu rất trễ. Đời Lê Thánh Tông (1462), quan chức đến 65 tuổi mới được nộp đơn xin về hưu.
Suốt thời Lê trung hưng, quan lại đủ 70 tuổi mới được về hưu. Phần lớn thời Nguyễn cũng lấy mốc 70 tuổi để cho về hưu, ai muốn xin nghỉ sớm cũng phải trên 60 tuổi và có đơn nêu rõ lý do, những người chưa đến 60 tuổi mà không kham nổi việc thì phải giáng một trật trước khi buộc nghỉ hưu.
Thời phong kiến, tệ đoan phổ biến nhất là nạn mua quan bán tước được chính thức hóa bởi triều đình. Đời vua Trần Dụ Tông, năm 1362, định lệ là người giàu có đem thóc phát chẩn cho dân nghèo thì được ban tước. Đời Lê Thánh Tông, ai nộp được từ 200 thạch thóc trở lên được ban trật chánh thất phẩm, 150 thạch được tòng thất phẩm, con được miễn đi lính. Đến thời Nguyễn, năm 1864, vua Tự Đức định lệ “quyên tiền được thưởng hàm và được chuộc tội”. Việc làm này nhằm chẩn cấp cho dân nghèo trong những năm mất mùa, kể cả việc gia tăng công quỹ nhằm có tiền bồi thường chiến phí cho Pháp. |