[Thông điệp từ lịch sử] Câu chuyện lạ về bản lĩnh Trần Quốc Tuấn

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là người được đông đảo nhân dân tôn thờ, gọi ông là “Đức Thánh Trần”. Tuy nhiên, cuộc đời của vị thánh này không chỉ là những chiến công, những sự kiện được huyền thoại hóa. Ở ông, còn một khía cạnh rất con người, có vẻ như xa lạ với danh tướng này.

Có thể nói, những Trần Quang Khải, Trần Khánh, Trần Nhật Duật, hay Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái… là tướng của một chiến dịch, một trận đánh. Còn Trần Quốc Tuấn khác hẳn, ông là vị tướng tổng chỉ huy toàn bộ cuộc chiến, người đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng.
Nhắc lại như vậy để thấy rõ hơn vai trò của vị tướng này trong kháng chiến chống Nguyên Mông, đặc biệt là ở lần 2 và 3, khi ông giữ vai trò tổng chỉ huy. Nhắc lại, để thấy không đơn giản các vua nhà Trần sử dụng Trần Quốc Tuấn ở vị trí cao nhất trong quân đội; cũng để thấy, mỗi tính cách, bản lĩnh, kiến thức khoa học quân sự của vị tướng này được hun đúc từ nhỏ. Do đó, có những hiện tượng ông bị phê phán, nếu nhìn lại, ở góc độ khác đó là phần tất yếu của con người này, tạo nên tính cách lỗi lạc trong chiến đấu.
Quyết bảo vệ tình yêu
Đời nhà Trần, chuyện hôn nhân, yêu đương được các sử gia phong kiến cho là có nhiều điều đáng bàn cãi, những huyền thoại được xây dựng thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, trước hết, đây là thời kỳ “Tam giáo đồng nguyên”, Nho giáo chưa chiếm ưu thế. Nhưng khi nhìn nhận vấn đề, các sử gia phong kiến đứng dưới góc độ Nho giáo để phê phán.
Trần Quốc Tuấn đem lòng yêu công chúa Thiên Thành, con của vua Trần Thái Tông. Thời nhà Trần, hoàng tộc thường gả con cho nhau. Thiên Thành là con vua Trần Thái Tông, tức là con chú - con bác với Trần Quốc Tuấn.
Đầu năm 1251, Trần Thái Tông chuẩn bị gả công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vương (chưa rõ tên), nên đã cho công chúa đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (cha của Trung Thành vương, cũng chưa rõ tên). Ngày rằm tháng Giêng, Trần Thái Tông mở hội lớn 7 ngày 7 đêm cho người trong ngoài ý muốn cho công chúa làm lễ kết hôn với Trung Thành Vương.
Trước tình thế người yêu sắp bị gả cho người khác, Trần Quốc Tuấn đang đêm vượt tường để vào với nàng. Sách sử kể lại: “Công chúa Thụy Bà liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi việc gì. Thụy Bà trả lời: “Không ngờ Quốc Tuấn điên cuồng càn rỡ, đêm vào chỗ Thiên Thành ở, Nhân Đạo Vương đã bắt giữ lại rồi, sợ bị giết, xin bệ hạ thương cho, sai người đến cứu”.
Vua vội vàng sai nội nhân đến nhà Nhân Đạo Vương. Đến nơi thấy im lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành ở thì thấy Quốc Tuấn ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết. Hôm sau, Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống, tâu rằng: “Vì vội vàng không sắm đủ lễ vật”. Vua bất đắc dĩ đem công chúa Thiên Thành gả cho Quốc Tuấn, lấy 2.000 khoảnh ruộng ở Ứng Thiên để trả cho Trung Thành Vương” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học 2009, trang 280).
Ở đây, chúng ta nếu tinh ý sẽ thấy cuộc “vượt tường tìm đến của người yêu” của Trần Quốc Tuấn dường như có sự giúp sức, đồng tình của Công chúa Thụy Bà (chị ruột của vua cũng là cô ruột Trần Quốc Tuấn, người nuôi Trần Quốc Tuấn từ nhỏ). Bởi lẽ, bà tâu với vua Trần Quốc Tuấn bị Nhân Đạo Vương bắt và sắp bị giết để vua can thiệp khẩn cấp; thực tế khi đến nhà của Nhân Đạo Vương thì chính vị này cũng chưa biết chuyện gì xảy ra. Hơn thế, ngay sáng hôm sau Công chúa Thụy Bà đã có sẵn 10 mâm vàng để xin cưới cho Quốc Tuấn. Đây có vẻ như có sự sắp đặt từ trước. Thêm nữa, Công chúa Thiên Thành rõ ràng là đã đồng tình cho sự gặp gỡ Trần Quốc Tuấn nên mới im lặng, không có động thái phản đối.
Về sự việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên phê phán Trần Quốc Tuấn nặng nề: “Con gái vua đi lấy chồng, tất phải nhờ chư hầu cùng họ đứng làm chủ hôn, theo lễ thì phải thế. Thái Tông đem Thiên Thành công chúa gả cho Trung Thành Vương mà công chúa lại về với Hưng Đạo Vương (Quốc Tuấn), việc hôn nhân không chính quá lắm vậy” (Sđd, trang 280).
Tuy nhiên, ở đây chúng ta thấy, Trần Quốc Tuấn có dũng khí để bảo vệ tình yêu của mình, bảo vệ người yêu. Do vậy, cô ruột của ông, cũng như nhà vua, buộc phải chấp thuận cuộc hôn nhân này. Tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của Trần Quốc Tuấn bộc lộ ngay từ thời trẻ. Phải chăng đây cũng là yếu tố giúp các vua Trần nhận ra tính cách, bản lĩnh của ông, để giao cho ông trọng trách sau này? 
Sự nhún mình của người phi thường
Ở các cuộc chiến Đại Việt - Nguyên Mông thời nhà Trần, vai trò của Trần Quốc Tuấn là nổi bật, đó là điều không ai bàn cãi. Tuy nhiên, cách đánh của vị tướng này rất khó để nắm bắt. nếu như cuốn binh pháp của ông “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của ông không thất lạc, người đọc sẽ rõ hơn về tư duy chiến lược của ông, binh pháp của ông.
Người đọc sử chỉ thấp thoáng thấy tư duy, quan niệm về chiến tranh, về giữ nước của danh tướng này qua lần ông trò chuyện với vua Trần Anh Tông khi ông ốm nặng và sắp qua đời; và khi đọc lời tựa “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của Trần Khánh Dư...
Còn nhiều điều rất khó lý giải về tư duy của danh tướng này, như việc ông cho cắm cọc ở sông Bạch Đằng trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 là cọc hướng vào thượng nguồn, nhằm chặn đường rút của địch, khác với bãi cọc của Ngô Quyền là chặn đường tiến công của thuyền địch. Tại sao Trần Quốc Tuấn lại lường trước được là địch sẽ tháo chạy?
Nhiều nguyên nhân để dẫn đến thắng lợi của Đại Việt trước quân Nguyên Mông, như: Vua - tôi, quân - dân đồng lòng; khí hậu khắc nghiệt khiến quân Nguyên Mông mắc bệnh; quân giặc thiếu lương thực vì bị Đại Việt dùng kế “thanh dã” - vườn không nhà trống, rồi đánh phá thuyền lương…
Nhưng trên hết là tài dùng binh của quân nhà Trần từ cách hành binh, lúc thoái binh cũng như lúc phản công; sự bài binh bố trận hợp lý; sự chuẩn bị quân lương khoa học; sự tuyển mộ và rèn binh kịp thời; sử dụng quân tướng chuẩn xác… Trong đó, cách dùng binh mềm dẻo, tấn - thoái vô cùng hợp lý, đúng thời điểm của Đại Việt trước sức mạnh tưởng không gì cản nổi của quân Nguyên Mông là điều khiến ngay cả địch cũng bất ngờ. Cách đánh này, đương nhiên phần lớn là của chủ tướng - tổng chỉ huy quân đội Trần Quốc Tuấn.
Câu chuyện dưới đây minh chứng tinh cách khi nhu, khi cương của Trần Quốc Tuấn. Đầu năm 1281, tức trước cuộc chiến Đại Việt - Nguyên Mông lần thứ 2, hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt sai Sài Xuân (có sách viết là Sài Thung) đem ngàn quân hộ tống nhóm Trần Di Ái về nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Xuân kiêu ngạo vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu... Vua (Trần Nhân Tông) sai Trần Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp.
Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Bấy giờ Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải đi đến sứ quán, vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều lấy làm lạ, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là vẻ hòa thượng phương Bắc. Khi đã ngồi yên, pha trà mời uống, người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu Quốc Tuấn đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Sài Xuân tiễn đến cửa" (Sđd, trang 300).
Đọc đoạn này thấy rõ, Trần Quốc Tuấn nhún mình như thế nào và bản lĩnh cứng cỏi như thế nào. Điều lạ ở đây là ông không phải là nhà ngoại giao chuyên nghiệp như Trần Quang Khải hay Trần Nhật Duật, nhưng ông tỏ ra rất khôn khéo (mặc áo, cạo tóc như hòa thượng) và tỏ cho kẻ ngạo mạn biết đảm lược của người Đại Việt như thế nào. Đây cũng là lần bộc lộ tính cách của một danh tướng cương hay nhu hợp lý trong một con người phi thường.
Hai câu chuyện nhỏ về Trần Quốc Tuấn không thể lột tả đầy đủ con người của ông. Danh tướng này là con người hết sức quyết liệt, cũng là người biết nhún nhường đúng lúc. Tính cách này của ông trong đời thường đã giúp ông bảo vệ được tình yêu, hạnh phúc gia đình của mình; trong chiến đấu đã khiến quân thù không thể thực hiện ý đồ chiến lược của chúng và đã giúp Đại Việt thắng lợi ở những trận đánh cuối cùng của cuộc chiến.
Danh tướng Trần Quốc Tuấn  là con người hết sức quyết liệt, cũng là người biết nhún nhường đúng lúc. Tính cách này của ông trong đời thường đã giúp ông bảo vệ được tình yêu, hạnh phúc gia đình của mình; trong chiến đấu đã khiến quân thù không thể thực hiện ý đồ chiến lược của chúng và đã giúp Đại Việt thắng lợi ở những trận đánh cuối cùng của cuộc chiến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần