Những quy định nghiêm ngặt
Suốt một thời gian dài, Nho giáo từ Trung Quốc được du nhập và phát huy ảnh hưởng to lớn của nó tại Việt Nam. Nhìn từ kinh điển, Nho giáo đã từng quy định: “Người nam và người nữ, không được phép ngồi chung hỗn độn, quần áo không được treo chung trên cùng một giá treo áo; từng mỗi người tự có khăn lược của riêng mình, không được phép dùng lẫn lộn; đưa đồ vật cũng không được phép chính tay chuyền cho.
Giữa người chị dâu và em trai chồng không được phép quan tâm chăm sóc lẫn nhau, không được phép nhờ thím hay thứ mẫu giặt quần áo lót giùm mình. (...) Người phụ nữ đến tuổi thành niên sau khi đã đeo đồ trang sức, nếu như không phải là sự cố trọng đại, không được phép tùy tiện đi đến gần phòng người con gái đó. Cô bác gái, chị em gái, con gái, phàm đã đi lấy chồng, khi trở về thăm nhà, ngay cả anh em trai ruột của chính mình cũng không được phép cùng ngồi chung một chỗ, cũng như không được phép cùng ăn chung một đồ đựng” (Lễ ký).
Trên cơ sở nguyên lý Nam nữ thụ thụ bất thân, các triều đại ở Việt Nam xưa đã cụ thể hóa thành những ngăn ngừa cho những quan hệ, va chạm xã hội giữa nam và nữ. Cho tới nay, những ghi chép và sử liệu liên quan tới giai đoạn Lý - Trần không lưu lại cho chúng ta nhiều dấu tích về vấn đề này. Thấp thoáng trong Khóa hư lục là sự răn dạy, tiếc nuối của Trần Thái Tông (1218 - 1277) trước cảnh có người “tắm cùng khúc sông, ngủ cùng giường nệm, tôn ti lẫn lộn, trai gái sống chung”.
Dưới triều Hậu Lê, năm 1469, triều đình ra lệnh “cấm trêu ghẹo, đùa cợt và dâm bôn bừa bãi”; Hồng Đức năm thứ 20 (1489) quy định: “Ban đêm con trai con gái ngồi với nhau, dù chỉ trò chuyện cũng xử tội đồ”; Hồng Đức thiện chính thư còn chép kỹ hơn về sự phòng xa này: “Vuốt ve đứa con, tỏ tình yêu mẹ nó là có ý thông gian thì xử đánh 100 trượng, lưu đầy đi châu xa”.
Trong Hồng Đức thiện chính thư, những dấu vết của Lễ ký còn thể hiện rất rõ: “Răn dạy con trai con gái không được ngồi chung chiếu, không được tắm chung bến, khi trao và nhận vật gì không được chạm tay nhau”. Cũng dưới thời Hồng Đức, những quy định về cách biệt nam nữ ngày càng được cụ thể hóa hơn: “Các quan viên và dân chúng, nếu là cha không được ở cùng với con gái nuôi và con dâu; nếu là mẹ không được ở cùng với con trai nuôi và con rể; con trai nuôi không được ở cùng với mẹ nuôi và chị em gái; con gái nuôi không được ở cùng với cha nuôi và anh em trai. Người nào vi phạm điều lệ này sẽ bị xử tội cố ý thông dâm”.
Đối với tầng lớp sĩ, triều đình dành ra những khuyến giới cụ thể trong Sĩ hoạn châm quy (1470 - 1497): “Lại có câu rằng: “Không thể khinh thường quấy nhiễu người trong làng xóm, quả phụ nhan sắc thì càng phải thận trọng, không thể giao du tùy tiện”.
Qua những thăng trầm cuối thế kỷ XVIII, sang đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, những răn ngừa, phòng xa trong quan hệ nam nữ vẫn được duy trì, ít nhất là về mặt lý thuyết, không hề kém cạnh so với triều Hậu Lê. Theo Hoàng Việt luật lệ, “đàn bà con gái vô cớ không được ra ngoài, để tránh hiềm nghi vậy”.
Trong các vụ án, luật cũng quy định: “Phàm những người đàn bà phạm tội, trừ tội gian dâm và các tử tội phải giam cầm, còn các tội phạm khác đều phải giao về cho người chồng quản giữ” vì “Nam nữ có sự khác biệt, người đàn bà khi đã vào vòng tù ngục thì đã bị nhơ nhuốc đến danh tiết, cho nên nếu không phạm tội gian dâm hay tử tội thì không được giam cầm”. Trên thực tế, các vua triều Nguyễn còn liên tục ban dụ “dạy bảo phong tục”.
Thậm chí, đến năm 1834, Minh Mạng còn “sai soạn bài dạy bảo”, trong đó chỉ rõ: “Giữa trai và gái, rất dễ mắc về tình dục, nếu không dùng lễ pháp tự phòng ngừa, thì đầu mối tuy nhỏ, mà cái họa rất to (...)”. Có thể nói, những chính sách của lịch triều có ảnh hưởng nhất định tới sự vận hành xã hội đương thời, điển hình là sự “hưởng ứng” của hệ thống sách gia huấn, đặc biệt là gia huấn Nôm. Đây chính là một biểu hiện của sự lan truyền và phổ biến các giá trị của Nho giáo, của pháp luật trong đời sống cộng đồng.
Lĩnh vực được coi là quan trọng
Trong lịch sử Việt Nam, những ghi chép về cấm kỵ, giới hạn trong tiếp xúc nam nữ, việc đề cao hay bỏ qua chuẩn mực đạo đức “Nam nữ thụ thụ bất thân” xuất hiện khá dày. Điều đó chứng tỏ đây là lĩnh vực quan trọng trong mắt chính quyền cũng như nhà chép sử, đặc biệt là các sử gia Nho thần.
Dưới thời Lý - Trần, các biểu hiện hướng tâm và ly tâm trong tiếp thu quan niệm “Nam nữ thụ thụ bất thân” được ghi nhận khá nhiều, trong đó tiêu biểu là những ghi chép ngụ ý chê bai liên quan tới sự lỏng lẻo, dễ dãi, buông tuồng của triều Trần trong phân biệt đẳng cấp và giới hạn nam nữ. Khởi đầu cho mạch ghi chép này là chi tiết “không biên giới” trong quan hệ Trần Cảnh - Lý Chiêu Hoàng.
Về sự kiện này, sử thần Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) bàn: “(...) Chiêu Hoàng thường đùa bảo Cảnh làm voi ngựa, mình cưỡi lên trên, Cảnh lấy hai tay đỡ lấy, sớm gió đêm trăng, liên tiếp yến tiệc riêng tư với nhau như những loại té nước ném khăn, tuy đó là thói thường của con trai con gái, nhưng nó cũng mở ra tình dục khiến cho sớm hôm quen nhau, tình ái với nhau, khi nữ chúa có chồng, các quan còn ai dám có lời gì khác”.
Chưa kể những chuyện loạn luân, chung chạ, chỉ kể những chuyện vành ngoài đã chiếm số trang khá dày trong lịch sử triều đại, như chuyện năm 1376, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông thân đi đón dâu trong đám cưới của con trai mình là Quan phục đại vương Húc với công chúa Tuyên Huy (con Trần Duệ Tông). Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Lễ rước dâu là nghi tiết lớn trong lễ cưới. (...) Vả lại lễ cốt để tránh hiềm nghi. Làm vua, làm cha mà đi đón vợ của con là mối hiềm nghi lớn lắm”.
Vào ngày 1/11/1469, chỉ sau khi đổi từ niên hiệu Quang Thuận sang niên hiệu Hồng Đức hai ngày, nhà vua đã ban dụ cảnh tỉnh: “Nếu không có lễ thì tình dục bừa bãi, phóng đãng xằng bậy, không gì không làm (...)”, nhưng đến năm 1485 nhà vua vẫn phải than thở về việc “phong tục dân vẫn chưa được sửa tốt” khiến triều đình lại ban huấn điều cho kinh sư và ngoài các đạo, trong đó có những điều liên quan tới “giáo dục giới tính” như “Khi chèo hát, lúc hội hè, trai gái đến chơi xem, không được đứng ngồi lẫn lộn để ngăn ngừa thói dâm ô. (...) Các viên phủ, huyện đều chiểu theo địa phận sở tại, cắm thẻ bài răn chặn trai gái không được tắm cùng một bến, để tỏ rõ sự phân biệt về lễ phép”.
Những điều cấm, có một giá trị hai mặt, vừa thể hiện sự kiên quyết của chính quyền nhưng cũng ngấm ngầm “tố cáo” tình trạng hỗn loạn về phong tục (theo quan điểm của nhà Nho) trong xã hội khi ấy. Sau một thời gian loạn lạc, đến nửa sau thế kỷ XVII, năm 1663, triều đình ban hành lại 47 điều giáo hóa, trong đó nhắc nhở “trai gái không được bừa bãi thói dâm”.
Cuối thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, mọi cấm kỵ về giới hạn cách biệt nam nữ càng được đẩy mạnh, đặc biệt bắt đầu dưới thời Minh Mạng, như năm 1832, Minh Mạng dụ bảo về tình hình dân tục Gia Định vì lo ngại chuyện phụ nữ “sẽ quen thói trên Bộc trong dâu”.
Tháng 12 năm 1878, nhân dịp Nguyễn Tăng Doãn và Nguyễn Thành Ý đi Tây về, Tự Đức đã hỏi rất nhiều chuyện “to tát”, nhân đó hai ông Tăng Doãn và Thành Ý “khuyến mãi” thêm nhà vua câu chuyện nam nữ bên Tây: “Duy có yến hội nhảy đầm thì không cứ thân hay sơ, một người đàn ông, một người đàn bà, cầm tay nhau đứng múa đi vòng quanh” khiến Tự Đức nổi cáu vì “tâu bày lại phần nhiều nói hão”.
Sự xuất hiện của trường Nữ học vào năm 1917 là một cải cách nửa vời, một sự tiến bộ cầm chừng và vẫn phần nào bị ngăn bước bởi quan niệm “Nam nữ thụ thụ bất thân” tồn tại trước đó hàng thế kỷ, và có không ít biểu hiện của quan niệm này vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Những hạn chế của quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân dần dần cũng được các nhà Nho nhìn ra. Đầu thế kỷ XX, một nhà Nho tân học như Phan Kế Bính đã phải than thở trong Việt Nam phong tục: “Tục Âu châu, vợ chồng thủ tín với nhau thì thôi (...). Ta thì kỹ kiêng quá: nào ngồi nói chuyện với đàn ông cũng kiêng, đụng tay vào đàn ông cũng kiêng, đến cả vợ chồng đi với nhau ở ngoài đường cũng kiêng nốt”. |