Năm con người kiệt xuất này đã làm nên một sự nghiệp lớn: Thống nhất đất nước, xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước quân chủ tập quyền mở đầu thời đại độc lập tự chủ sau 1.000 năm Bắc thuộc. Cả bốn con người này đã vì tình bạn, nghĩa vua tôi mà xả thân bảo vệ vương triều nhà Đinh.
Tình bè bạn
Cả năm người này đều có quê ở Hoa Lư. Họ là bạn của nhau từ thưở cùng nhau phất cờ lau đánh trận giả.
Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày rằm tháng Hai năm Giáp Thân (22/3/924) ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Cha của ông là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, thứ sử Châu Hoan. Cha mất sớm, ông theo mẹ về quê ngoại ở Nho Quan nhưng vẫn nương nhờ chú ruột là Đinh Thúc Dự ở quê nội gần đó. Vì thế, tại đây, ông đã sớm kết bạn với những người đồng trang lứa và thân thiết nhất là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú.
Đinh Điền (924 - 979), cùng năm sinh (924) và năm mất (979) với Đinh Bộ Lĩnh, quê ở làng Đại Hữu, nay là xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình.
Nguyễn Bặc, cùng người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, nay thuộc xã Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình, cùng năm sinh năm mất với Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Điền.Trịnh Tú, Lưu Cơ cùng quê, cùng năm sinh, năm mất và cũng là bạn từ thuở thiếu thời của Đinh Bộ Lĩnh. Riêng Lưu Cơ, theo Đại Việt sử lược (đời Trần) lại ghi ông sinh ngày mồng 3/1/940.
Như vậy, chỉ có Lưu Cơ là có thể thua tuổi, bốn người còn lại là bạn cùng quê, cùng tuổi, cùng chăn trâu cắt cỏ với nhau, gắn bó với nhau từ tuổi thơ đến suốt hành trình xây dựng sự nghiệp đế vương, thống nhất đất nước, và cho đến khi từ giã cuộc đời.
Năm 951, Ngô Xương Văn truất bỏ Dương Tam Kha, xưng là Nam Sách vương, rước anh là Ngô Xương Ngập trở về lập làm Thiên Sách vương. Đinh Bộ Lĩnh không phục, không chịu làm tôi, cậy ở Hoa Lư có khe núi hiểm trở, khởi binh chống lại. Hai vương nhà Ngô muốn cất quân đi đánh nhưng không thắng.
Tự biết thế mình chưa đủ mạnh, Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình) và làm con nuôi của ông ta. Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh thay quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ thêm binh lính. Đội quân Hoa Lư của ông là những hào kiệt của Giao Châu. (Người Tống gọi là Giao Châu thất hùng gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Phạm Cự Lạng).
Năm 966, sau khi Ngô Xương Văn mất, chính quyền T.Ư suy yếu, quyền lực bị chia sẻ, hình thái cát cứ của các sứ quân chính thức hình thành. Nhu cầu thống nhất đất nước, củng cố nhà nước tập quyền trở nên cấp thiết. Sau khi tiếp quản quyền lực và đội quân của sứ quân Trần Lãm, kéo quân về Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh và và các tướng sĩ, bạn hữu đã bằng vũ trang hay chiêu hàng lần lượt chinh phục các sứ quân, thống nhất đất nước, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương.
Năm 968 công cuộc thống nhất quốc gia hoàn thành, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi.
Đinh Tiên Hoàng phong cho Nguyễn Bặc là Định Quốc công, Đinh Điền là Ngoại giáp, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được làm Sùng chân uy nghi và phong cho con Đinh Liễn là Nam Việt vương. Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ là “tứ trụ”, là các đại thần thân cận nhất của Đinh Tiên Hoàng.
Chính sử không chép về việc vua phong chức cho Trịnh Tú nhưng theo các tài liệu cổ cho biết Trịnh Tú được giao chăm lo việc đối ngoại; trong năm lần vua Đinh cử đi sứ nhà Tống thì hai lần có ông.
Công lao thống nhất giang sơn, xây dựng đất nước của các vị “tứ trụ” là rất to lớn, không chỉ được nhà vua ghi nhận mà Nhân dân muôn đời lưu dấu: “Dẹp yên tám cõi bốn phương/ Thiên Nam chính thống minh lương hợp hòa” (Sự tích Đinh Điền làng Động Xá - dẫn theo Đinh Công Vĩ).
Câu đối ở đình Ba Dân, huyện Thanh Trì viết về Nguyễn Bặc, và cũng có thể như thế về các vị tứ trụ của Đinh Tiên Hoàng:
“Chính thống phù Đinh khai đế Việt/ Uy danh bình sứ lẫm Nam thiên (Chính thống phù nhà Đinh mở ra Hoàng Đế Việt/Tiếng vang dẹp sứ quân còn lẫm liệt trời Nam).
Nghĩa vua tôi sâu nặng
Thống nhất đất nước, Đinh Tiên Hoàng và bề tôi chăm lo xây dựng nhà nước, vỗ về dân chúng, nội trị ổn định, ngoại vụ ổn thỏa. Nhà Tống phong Vương (Giao Chỉ quận vương) cho Đinh Tiên Hoàng và phong cho con Đinh Toàn làm Kiểm hiệu thái sư Tỉnh hải quân Tiết độ sứ An Nam.
Nhà nước Đại Cồ Việt đang yên ổn thì biến cố xảy ra. Ngày rằm tháng Tám năm Kỷ Mão (979), cả hai cha con, vua Đinh Tiên Hoàng và con - Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giết hại. Sử chép là do Đỗ Thích “Đêm nằm trên cầu, thấy sao sa vào mồm, cho là điềm tốt mới manh tâm giết vua”. Sự thật của vụ án này hơn 1.000 năm nay vẫn chưa có lời giải xác đáng. Gần đây, giới nghiên cứu đã công khai nghi ngờ ghi chép này. Một mình Đỗ Thích với chức quan nhỏ trong triều, không có lực lượng, không có vây cánh, liệu có thể cướp ngôi được chăng? Hay là có thế lực nào khác dòm ngó ngai vua và xui, hoặc ép, Đỗ Thích làm việc tày trời này?!
Sau khi Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết, Đinh Toàn, lúc đó mới 6 tuổi, được kế vị vua cha, là Đinh Phế Đế. Lê Hoàn làm nhiếp chính, thâu tóm mọi quyền lực. Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và các trung thần của Đinh Tiên Hoàng thấy vậy, lại nghi Lê Hoàn tư thông cùng Thái hậu Dương Vân Nga nên cử binh đến đánh để bảo vệ Đinh triều. Lê Hoàn dẹp tan, Đinh Điền chết tại trận, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và các quan tướng khác đều bị giết chết. Trịnh Tú, Lưu Cơ thì bị phục kích và chết ở Bãi Vàng. (Có tài liệu cho rằng Lưu Cơ không bị giết, tiếp tục phục vụ triều tiền Lê và triều Lý).
Nhà Tống nghe tin Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết hại liền động binh để tiến đánh Đại Cồ Việt. Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua - Lê Đại Hành, mở đầu triều đại Tiền Lê.
Sống mãi trong lòng dân
Về hành động của “tứ trụ” và các trung thần nhà Đinh, sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: “Việc khởi binh ấy không phải là làm loạn mà là một lòng phò tá họ Đinh, đánh Hoàn không được mà chết đấy là đúng chỗ”… Đó là “bề tôi trung nghĩa, làm không xong việc mà chết ấy là bề tôi tử tiết” (ĐVSKTT). Trong dân gian, giới nho sĩ và Nhân dân cũng hết lòng ngợi ca, coi các vị là tấm gương trung liệt treo cao: “Trung quán nhật nguyệt” (Lòng trung xuyên suốt mặt trời).
Đền thờ vua Đinh ở Hoa Lư có phối thờ bốn vị “tứ trụ” triều đình. Người dân khắp cả nước đã lập đến thờ Đinh Tiên Hoàng và “tứ trụ”.
Công lao thống nhất giang sơn, xây dựng đất nước của các vị “tứ trụ” là rất to lớn, không chỉ được nhà vua ghi nhận mà nhân dân muôn đời lưu dấu: “Dẹp yên tám cõi bốn phương/ Thiên Nam chính thống minh lương hợp hòa” (Sự tích Đinh Điền làng Động xá - dẫn theo Đinh Công Vĩ). |