Ở họ không chỉ có tài năng mà còn là tinh thần yêu nước, đạo trung nghĩa, thủy chung đã được kết tinh thành truyền thống. Gia tộc nhà Trung Túc Vương Lê Lai thời nhà Lê là một tấm gương điển hình của truyền thống tốt đẹp này.
Từ “Lê Lai liều mình cứu chúa”Truyền thống của gia tộc họ Lê này bắt đầu từ Lê Lai. Lê Lai quê ở thôn Dựng Tú, xã Đức Giang, huyện Lương Giang (nay là thôn Thành Sơn - làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), là con của Lê Kiều, nối đời làm chức phụ đạo trong vùng. Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt.Lê Lai là một trong 18 người đã cùng Lê Lợi tham gia Hội thề Lũng Nhai, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi quân Minh đang cướp phá. Ông được Lê Lợi ban tước Quan Nội Hầu, tổng quản của phủ Đô tổng quản.
Sách Lam Sơn thực lục chép (đại ý) như sau:Bấy giờ nghĩa quân Lam Sơn lực lượng còn yếu, thiếu lương, thường bị quân Minh đánh bại. Nhà vua bèn vời các tướng mà bảo rằng:- Ai có thể thay mặc áo vàng của Trẫm, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây đô. Thấy giặc ra đối địch, thì tự xưng tên: "Ta là chúa Lam Sơn đây!". Để cho giặc bắt? Cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau!Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai thưa rằng:- Tôi bằng lòng xin thay mặc áo nhà vua. Ngày sau bệ hạ gây nên đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!Nhà vua lạy Trời mà khấn rằng:- Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến. Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng: Ta đây là chúa Lam Sơn!Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử chết bằng hình phạt cực tàn khốc. Từ đó giặc Minh rút về Tây Đô, chủ tướng Lê Lợi và quân Lam Sơn thoát hiểm để mưu việc đại sự.Ngay sau khi lên ngôi (1428), Lê Thái Tổ phong Lê Lai là Công thần hạng nhất, tặng là Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần, hàm Thiếu úy, thụy là Toàn Nghĩa; tháng 12 năm năm sau (1429), sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thế ước trước và lời thề nhớ công của Lê Lai, để trong hòm vàng. Đến lúc sắp chết, Lê Lợi vẫn dặn con cháu phải nhớ công ơn Lê Lai, phải làm giỗ Lê Lai trước, để vị tướng này được hưởng lễ trước vua.Đến “Toàn gia trung hiếu, tiếng tốt mấy đời”Lê Lai có ba con trai là Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm. Sau khi Lê Lai mất, cả ba người đều được Lê Lợi trả nghĩa nuôi dạy, chăm sóc như con đẻ. Các hậu duệ của Lê Lai đã nối tiếp phục vụ vương triều Lê, hết lòng vì nước vì vua.Con trưởng là Lê Lư, tử trận khi vây thành Nghệ An năm 1425; năm 1428 được tặng hàm Thiếu úy, đến đời vua Lê Thánh tông được tặng tước Kiến Tiết Hầu, về sau gia tặng Kiến Quận Công.Con thứ là Lê Lộ, trong trận đánh năm 1421 ở sách Ba Lẫm, ải Kình Lộng đã dẫn phục binh đánh bại Trần Trí, được thăng là Tả trung quân tổng đốc chư quân sự; năm 1424 theo Lê Lợi đánh châu Trà Lân (Nghệ An), ở Bồ Lạt, phá được quân Phương Chính và Sư Hựu, được thăng làm Thái bảo. Tháng 10 năm 1424, ông trúng tên mà chết. Sau khi lên ngôi, Lê Lợi phong tặng ông chức Thái úy. Đến đời vua Lê Thánh Tông phong tặng ông là Chiêu Công Hầu, sau gia tặng Chiêu Quận Công. Lê Lộ sinh ba con trai là Lê Tích, Lê Dung và Lê Dũng, đều có công trạng và được phong hầu.Lê Lâm là con út của Lê Lai, lập được nhiều công lao, năm 1428 được phong làm Thứ thủ quân Thiết đột, là một trong những người được gọi là Lũng nhai công thần, được phong là Trung Lượng đại phu, Câu kiềm vệ tướng quân, tước Thượng trí tự Suy trung đồng đức Hiệp mưu bảo chính công thần. Năm 1430, Ai Lao lấn cõi, Lê Lâm làm tiên phong đi tiễu trừ. Trong khi truy kích quân giặc, ông bị trúng chông tẩm độc mà chết. Ông được tặng là Thái Úy Trung Quốc Công và phong làm Phúc Thần.Lê Niệm là con Lê Lâm, “từ nhỏ đã thông minh, văn võ đều giỏi, chí khí hơn người” (Đại Việt thông sử). Ông xuất thân tập ấm, được vào làm việc trong triều rồi trở thành vị quan văn võ kiêm toàn. Ông đã được cử đi trị nhậm ở nhiều miền đất xa. Năm 1449, ông làm chức An phủ sứ ở An Bang (Quảng Ninh nay), có công giữ yên bờ cõi dân yên ổn làm ăn. Năm 1470, ông cùng Đinh Liệt theo Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn, ở thành Bồ Bàn. Năm 1480, lúc đã ngoài 50 tuổi ông cầm quân đi đánh Bồn Man, thanh thế lừng lẫy, khiến kẻ thù không còn dám xâm phạm bờ cõi.Năm 1460, Lê Niệm đã cùng Lý Lăng, Nguyễn Xí, Đinh Liệt… có công dẹp loạn Lê Nghi Dân, đưa Lê Tử Thành tức Lê Thánh Tông lên ngôi vua, mở ra thời kỳ thịnh trị nhất của triều Lê. Năm ấy ông được phong tước Đình Thượng Hầu.Chính sử không chép về đường khoa cử của Lê Niệm nhưng “Ông có học vấn, giỏi thơ. Vua Thánh Tông mỗi khi có thơ đề vịnh thường bảo ông họa lại… Lương Nhữ Học tuyển thơ có chép của ông 25 bài” (Đại Việt thông sử). Năm 1463, ông được cử tham gia phụ trách trường Quốc Tử Giám. Năm 1464, ông là chánh chủ khảo kỳ thi Hội .Ngoài ra, ông đã từng nhiều năm làm Tể tướng. Người đương thời vẫn ca tụng ông là vị quan thanh liêm, sống đạm bạc, không ham phú quý, không thích ồn ào, khoa trương. Ông mất năm 1486 để lại nhiều tiếng thơm và được truy tặng là Tĩnh Quốc Công. Đánh giá về ông, trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã viết: “Kể đến người văn võ đều giỏi, công danh toàn vẹn thì không ai bằng Lê Niệm”. Đời sau phong ông là Phúc Thần, nhiều nơi thờ, các triều đại đều có sắc phong là “Thượng, thượng đẳng, tối linh, đại vương”.Lê Niệm có 25 người con, 15 trai có 3 người tước hầu, 2 người tước bá, 2 người làm tả Đô đốc, 1 người làm Thượng thư; 10 con gái thì 1 là hoàng hậu, 1 là cung tần.Lê Khủng là con thứ tư của Lê Niệm, cháu 4 đời của Lê Lai. Trong triều Lê Thánh Tông, ông là một tướng có nhiều công trong công dẹp yên biên giới. Năm 1490, một lần đi đánh Chiêm Thành, lập công lớn nhưng rồi trong một trận đánh ở ông bị thương nặng và chết tại trận. Ông được truy tặng “Thái Bảo”, tước Thuần Quận Công, sau đó được ban Phúc Thần. Con trai thứ 5 là Lê Ý, tước Diên Trục Hầu, đi đánh giặc Chiêm Thành có công, được phong Chưởng phủ sự Diên Quận công. Con trai thứ 2 là Lê Chí “tính nết trầm tĩnh kiên nghị, trí lực hơn người, làm chức Tả Đô đốc, theo đi đánh Chiêm Thành, xông lên phá giặc, bắt được chúa giặc là Trà Toại. Khi quân về, phong tước Bình Lương bá. Năm Hồng Đức thứ 18 (1487), vua sai cùng với Kinh Dương Hầu Lê Quyền và các quan trong 5 phủ, 6 bộ tự soạn dùng Minh lệnh gồm 145 điều. Sau đó tiến phong lên tước Bình Lương Hầu...”. Sau đó, ông được tiến phong Quỳnh Quận Công; năm 1505 được tuy tặng tước Hoài Quận Công.Các con cháu hậu duệ của Lê Lai trải nhiều đời sau đều hết lòng phụng sự vương triều Lê và lập được nhiều công lớn. Phẩm chất nổi bật của gia tộc Lê Lai không chỉ có tài năng mà còn là sự trung thành, dám hy sinh vì nước vì vua. Trong bài văn chế vua Thánh Tông ban cho Lê Niệm có câu rằng: “Dòng dõi công huân, đáng nòi trung nghĩa. Rực rỡ bấy cánh hoa vườn quý, thơm ngát hương danh… Toàn gia trung hiếu…, tiếng tốt mấy đời”. Nhà vua cũng khẳng định quan hệ vua tôi là mối nhân duyên: “Có vua ấy, có tôi ấy, nhân duyên kia ắt bởi trời xui?”.
Các con cháu hậu duệ của Lê Lai trải nhiều đời sau đều hết lòng phụng sự vương triều Lê và lập được nhiều công lớn. Phẩm chất nổi bật của gia tộc Lê Lai không chỉ có tài năng mà còn là sự trung thành, dám hy sinh vì nước vì vua. Trong bài văn chế vua Thánh Tông ban cho Lê Niệm có câu rằng: “Dòng dõi công huân, đáng nòi trung nghĩa. Rực rỡ bấy cánh hoa vườn quý, thơm ngát hương danh… Toàn gia trung hiếu…, tiếng tốt mấy đời”. |