[Thông điệp từ lịch sử] Giăng lưới bắt chim - mối ngờ thiên cổ

TS Phạm Văn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lịch sử, có những nỗi oan hoặc mối ngờ vực không bao giờ có lời giải. Cái khó của người trong cuộc chính là ở chỗ họ lâm vào tình thế “qua điền, lý hạ” (sửa dép trong vườn dưa, chỉnh mũ dưới gốc mận) hay tình ngay lý gian.

Câu chuyện giữa thiền sư Huyền Quang và nàng Điểm Bích chính là một nghi án nghìn đời như vậy.
Nghi án “mỹ nhân kế” trong sách vở
Cuối đời Trần, xảy ra một vụ án văn chương hy hữu trong lịch sử nước nhà. Câu chuyện bắt đầu từ việc Trần Anh Tông băn khoăn, nghi ngờ về đạo hạnh của thiền sư Huyền Quang, sau đó được Mạc Đĩnh Chi khoét sâu vào mối ngờ bằng hai câu “Họa hổ, họa bì, nan họa cốt/Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” (Vẽ hổ, vẽ da, khó vẽ xương - Biết người, biết mặt, không biết lòng) nên vua đã sai nàng Điểm Bích đến Yên Tử, dùng mỹ nhân kế để thử Huyền Quang.
 Ảnh minh họa.
Theo ghi chép của Tổ gia thực lục, dù Điểm Bích là một cung nữ “có cái vẻ nõn nà của Phi Yến, có cái thói khéo tài của Điêu Thuyền”, “cửu lưu tam giáo không có gì là không thông hiểu” nhưng không thể quyến rũ được sư Huyền Quang. Vì vậy, Điểm Bích liền bịa ra một câu chuyện thương tâm (cha đi thu thuế được mười lăm dật vàng, bị trộm lấy mất, hiện đang bị giam trong ngục) khiến sư động lòng từ bi, khuyên mọi người cùng giúp nàng, và bản thân ông cũng cho nàng một dật vàng. Sau khi lừa được vàng của sư, về đến kinh đô, Điểm Bích “vào trước vua, quỳ tâu: “Tôi vâng chiếu chỉ đi thử thiền sư Huyền Quang. Đến trước chùa Vân Yên, vào ở nhờ một bà vãi già, tự xưng là con gái nhà dân, xin được theo học đạo tôn sư. Bà vãi già thường sai tôi dâng nước chè lên cho sư. Trải qua hơn một tháng, sư không hề liếc nhìn, hỏi han gì tôi cả. Một hôm, nửa đêm, sư lên nhà tụng kinh, đến canh ba, sư và đám tăng ni, ai nấy đều về phòng mình mà ngủ. Tôi bèn đến bên phòng của thiền sư để nghe xem động tĩnh thế nào thì thấy sư ngâm lời kệ rằng: Vằng vặc giăng mai ánh nước/Hiu hiu gió trúc khua sênh/ Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ/Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình.
Sư ngâm đi ngâm lại mãi, tôi bèn vào phòng tăng, từ biệt sư để về nhà thăm cha mẹ, để sang năm sẽ quay lại học đạo. Sư bèn giữ tôi ngủ lại một đêm rồi cho tôi một dật vàng”.
Vua nghe lời tâu như vậy thì thấy bực bội không vui, và nói: “Sự việc nếu quả có thực như thế, thì đúng là ta đã giăng lưới ở cửa tổ mà bắt chim vậy. Nếu sự việc không có như thế thì Quốc sư khó mà tránh khỏi mối ngờ oan đối với người sửa dép ở ruộng dưa vậy”. Truyện kết thúc bằng việc Trần Anh Tông mời sư Huyền Quang về kinh dự hội Vô Già, lạy tạ xin sư tha thứ lỗi lầm và giáng Điểm Bích làm phu quét rửa chùa Cảnh Linh trong cung. 
Và nghi án trong cái nhìn của người đời sau
Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng ở đó. Đến cuối đời Lê đầu đời Nguyễn, trong tác phẩm Sơn cư tạp thuật, một tác giả khuyết danh hiệu là Đan Sơn đã viết lại câu chuyện này với tiêu đề Yên Tử sơn tự tăng (Sư chùa núi Yên Tử) mà trong đó tình huống truyện xảy ra trái hẳn với ý đồ của Tổ gia thực lục, sư Huyền Quang trở thành người bị quyến rũ trước nhan sắc của Điểm Bích và chủ động phạm vào cấm giới.
Theo Sơn cư tạp thuật, “vào lúc nhá nhem tối, Thị Bích tới buồng của nhà sư xin ngủ. Nhà sư không biết đó là cung nữ, nghiêm nghị từ chối. Nàng cố lựa lời nài nỉ mãi. Sư ông đừng chẳng được, đành nhận lời cho nàng ngủ ở mé ngoài buồng. Đêm vào khoảng canh ba, trăng sáng vằng vặc. Gió thông sịch động bức rèm. Nhà sư nằm trằn trọc chưa ngủ được, liền đi dạo ra ngoài thềm.
Chợt thấy Thị Bích tụt trễ quần lụa, để hở làn da trắng như tuyết. Nhà sư chẳng nỡ nhìn, phải quay đi. Thế rồi trăng khuya xuống thấp dần, bóng trúc che ngang cửa. Lúc nhà sư trở lại buồng ngủ thì mảnh quần hồng của nàng con gái đã tụt hết cả rồi. Thế là lòng thiền xao động, không làm sao ngăn giữ được nữa.
Nhà sư liền ứng khẩu một bài tuyệt cú bằng chữ Nôm, trong đó có câu ý nói đến Phật Thích Ca còn chưa dứt được tình nữa là. Rồi nhà sư trêu ghẹo, nàng cung nữ kiên quyết chống lại không nghe. Lửa dục bốc cháy ngùn ngụt, nhà sư bèn đem hết số vàng vua ban ra cho Thị Bích mà ngủ với nàng”.
Cũng theo lập luận của sách Sơn cư tạp thuật, tục truyền Huyền Quang đỗ tiến sĩ kỳ thi Hội năm 1298 nhưng “xét quốc sử và sách Đăng khoa lục thì năm Anh Tông thứ 6 (1298) không có thi Hội”, vì vậy câu chuyện Huyền Quang “vô tội” trong sách vở nhà chùa “Thật không đáng tin chút nào !”.
Có thể nói, sự ăn năn của vua Trần Anh Tông (nếu có) về việc mình “giăng lưới bắt chim” là có cơ sở. Điều đáng quan tâm ở đây là bài thơ Nôm mà Điểm Bích mang về sau chuyến đi thử thách thiền sư đó. Liệu bài thơ là của Điểm Bích làm ra để vu cho Huyền Quang hay đó thực là thơ của Huyền Quang? Nếu đó là thơ của Điểm Bích thì nàng quả là xuất sắc trong việc tạo dựng thêm bằng chứng phạm tội cho người khác, điều này không phải không có cơ sở khi Tổ gia thực lục miêu tả Điểm Bích là người “đặc biệt giỏi thơ quốc ngữ”, được vua khen là “nữ thần đồng”.
Nếu đó là thơ của Huyền Quang thì đây là một trong những vụ án văn chương kỳ lạ mà bài thơ cũng chỉ là một cái cớ, một bằng chứng làm đầy thêm bộ hồ sơ vụ án, trong đó nghi phạm không phải là người dùng văn chương để bôi nhọ chính thể, cũng không phải là người dùng văn chương để chống đối vương quyền mà là người dùng văn chương trong một trạng thái buông lỏng cảm xúc, đi ra ngoài giới luật, đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức và xác tín tôn giáo mà mình đã nguyện cả đời theo đuổi.
Trong Tân đính Lĩnh Nam chích quái, mà Bùi Văn Nguyên coi là của Vũ Quỳnh, có dẫn bài kệ này của Huyền Quang nhưng là bằng chữ Hán (Hạo hạo nguyệt quang ngưng thủy diện/ Du du trúc ảnh lộng phong sinh/Nhiêu kiều thế giới phương phi cảnh/Tùng thị Mâu Ni dã bất tình), không phải chữ Nôm như ở trên.
Theo Bùi Văn Nguyên: “Bài thơ này khá giống với “phong cách phóng khoáng” của Huyền Quang trong nhiều bài thơ khác của ông. Chắc rằng Vân Bích [Điểm Bích] tâu với vua về bài thơ chữ Hán này, còn bài dịch ra quốc âm của Vân Bích, hoặc một tác giả khác (…) không sát với nguyên văn, có phần xuyên tạc để kết án Huyền Quang”.
Ngoài ra, cũng còn một giả thiết chúng ta có thể nghĩ đến là bài thơ đó do người đời sau đặt ra để câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Sau này, Phạm Đình Hổ cung cấp một thông tin đáng lưu ý: “Mộ nàng Bích ở làng Hoạch Trạch; buổi đầu năm Cảnh Hưng [khoảng giữa thế kỉ XVIII], có kẻ đào lên thì thấy quan tài vẫn sơn son y nguyên, mở ra xem, quan tài đầy nước trong veo, hương thơm ngát mũi, rồi đậy lại liền”.
Theo quan niệm truyền thống, rất có thể thông tin này là một cách minh oan cho Điểm Bích, và như một quy luật, nó lại xuất hiện cùng thời với Sơn cư tạp thuật. Bản án ở đây, nếu có, cũng chỉ nặng về yếu tố tinh thần chứ không mang tính hình sự. Theo Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ - Nguyễn Án), tương truyền Nguyễn Công Hoàn thanh minh được cho sư Huyền Quang nên được Thượng đế thưởng cho thọ thêm một kỷ.
Kiều Thu Hoạch thì khẳng định rằng đó là Điểm Bích đã “bịa thơ hại sư” sau đó nàng chủ động “tự thú” (Giai thoại văn học Việt Nam). Chính dân gian đã ghi nhận việc đó trong câu ca dao: “Dù mà tát cạn Bình Than/ Cũng không rửa sạch tiếng oan cho thầy”.
Khởi đi từ mối nghi ngờ rất “thế tục” của vua Trần Anh Tông, câu chuyện giữa thiền sư Huyền Quang và nàng Điểm Bích là một “vụ án” không có hồi kết trong mắt người đời sau. Có ý kiến cho rằng, những thử thách kiểu này dễ khiến đối tượng của nó bị sa lầy trong sự đánh giá của dư luận và miệng lưỡi người đời nên môtíp này không mấy phổ biến trong các kiểu truyện cao tăng. Và cho đến nay, vụ án này sẽ mãi mãi chỉ là nghi án mà không có một đáp án nào khả dĩ làm thỏa mãn tất cả những đầu óc hiếu kỳ và hiếu sự.

Khởi đi từ mối nghi ngờ rất “thế tục” của vua Trần Anh Tông, câu chuyện giữa thiền sư Huyền Quang và nàng Điểm Bích là một “vụ án” không có hồi kết trong mắt người đời sau. Có ý kiến cho rằng, những thử thách kiểu này dễ khiến đối tượng của nó bị sa lầy trong sự đánh giá của dư luận và miệng lưỡi người đời nên môtíp này không mấy phổ biến trong các kiểu truyện cao tăng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần