Ông đã thực hiện một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đặc biệt mạnh mẽ chống tệ nạn tham nhũng, tạo ra bước ngoặt để đưa Đại Việt bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử của mình.
Chống tham nhũng để phát triển đất nướcLê Thái Tổ dựng nên triều Lê (sơ) nhưng chỉ mấy năm sau do bị nịnh thần xúc xiểm và nghi kỵ nên đã tàn sát nhiều trung thần. Có thể coi đây là điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng của nhà Lê. Từ khủng hoảng cung đình/chính trị đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng nặng nề.Các vua Thái Tổ, Thái Tông, kể cả Nhân Tông đã có nhiều chấn chỉnh theo hướng cải tổ nhưng vẫn chưa đồng bộ và chưa có nhiều kết quả. Ngược lại, diễn biến có chiều hướng ngày càng trầm trọng hơn.
Tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa đang có nhu cầu và điều kiện phát triển thì bị kìm hãm bởi cơ chế hành chính lạc hậu và đội ngũ quyền thần thao túng, ngày càng lộng hành. Nhà vua bất lực, trung thần bị hãm hại. Nạn hà hiếp dân và ăn hối lộ ngày càng phổ biến. Bất bình xã hội ngày càng nhiều, nhất là khu vực đồng bào thiểu số, nhiều cuộc nổi dậy đã nổ ra. Cùng lúc, Chiêm Thành đánh nống ra đòi đất ở châu Hóa; Ai Lao quấy nhiễu, xâm lấn ở mường Mộc (Mộc Châu, Sơn La); nhà Minh vẫn chưa nguôi ý chí xâm lược…Trước bối cảnh đó, Lê Thánh Tông đã ý thức được sứ mệnh phải thực hiện một cuộc cải cách lớn, phải xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh, trước mắt là thực hiện một cuộc cải cách về hành chính, tăng cường phòng chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy, để giải phóng sức dân, an dân, bảo vệ và phát triển đất nước.Đồng bộ nhiều chính sách để chống tham nhũngĐể củng cố vương triều, phát triển đất nước, Lê Thánh Tông hướng tới mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh; “pháp trị đi đôi với nhân trị”. Để phòng và chống nạn tham nhũng, theo Lê Thánh Tông phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp, từ cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội, từ xây dựng đội ngũ quan lại đến xây dựng và thực hành nghiêm luật pháp.Lê Thánh Tông chủ trương củng cố vương triều, nâng cao quyền lực nhà vua, xây dựng bộ máy nhà nước mạnh, có hiệu lực, hạn chế đến mức thấp nhất sự phân quyền và sự lộng hành của các công thần bằng các cơ chế thanh tra, giám sát. Năm 1471, ông ban hành “Sửa định Hoàng triều quan chế”, bãi bỏ chức Tể tướng và các chức Tả, Hữu tướng quốc, Bộc xạ, Đại hành khiển; đặt ra các chức Thái (Thái sư, Thái úy, Thái phó, Thái bảo), Thiếu (Thiếu sư, Thiếu Úy, Thái phó, Thiếu bảo) và các Đại học sĩ để giúp việc nhà vua. Ông cho bãi bỏ các cơ quan như Nội mật viện, Chính sự viện, Thượng thư sảnh, Môn hạ sảnh, Tông nhân phủ; đặt mới 5 phủ về quân sự, có đốc phủ đứng đầu. Về hành chính, ông cho đặt 6 bộ (Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Công, Bộ Hình) và 6 Tự (Đại lý, Thái thường, Quang lộc, Thái bộc, Hồng lô, Thượng bảo). Bên cạnh các bộ có các Khoa để giúp đỡ, tư vấn, giám sát. Ở các địa phương, mỗi thừa tuyên có 2 ty là Đô ty và phụ trách quân sự, Tuyên chính sử ty trong coi việc hành chính dân sự, sau đặt thêm Hiến sát ty để giám sát quan lại địa phương và trông nom dân tình. Tổng binh coi việc quân sự, Đô Ty, Thủ Ngự trông coi bố phòng các nơi xung yếu; lại đặt tuần giang, giang quan kiểm tra các nơi sông biển. Cấp Phủ có tri phủ, tri huyện, tri châu. Tất cả các cơ quan đều có liên quan ràng buộc lẫn nhau nhưng mọi quyền lực và quyết định cuối cùng đều thuộc về nhà vua. Lê Thánh Tông hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ quan lại có năng lực và phẩm chất tốt. Quan điểm lựa chọn nhân tài của ông là kết hợp thi cử và tiến cử. Ai đỗ đạt thì được bổ làm quan, 3 năm khảo khóa một lần để kiểm tra năng lực quan chức. Thực hiện chế độ lương bổng và đãi ngộ hợp lý, khuyến khích các quan lại không vì lương bổng quá thấp mà sinh ra vơ vét của dân, sinh ra nhũng lạm.Lê Thánh Tông đề ra nhiều biện pháp quản lý đội ngũ quan lại, làm trong sạch bộ máy. Ai phạm lỗi thì bị hình phạt, không làm được việc thì bị bãi chức; Ai làm tốt thì được thăng chức.Lê Thánh Tông đã hoàn thiện và ban hành Bộ Luật Hồng Đức - Quốc triều hình luật làm công cụ pháp luật để phát huy hiệu lực của bộ máy nhà nước và ngăn chặn sự thoái hóa, tệ nạn tham nhũng của bộ máy. Trong 722 điều của bộ luật này thì có 76 điều nói đến tội tham nhũng và các hình thức xử phạt, bao gồm các tội: Nhận hối lộ; Biết tội phạm mà không báo cáo lại còn ăn hối lộ để bao che; Đòi hối lộ; Giấu đất đai, tài sản của công để chiếm đoạt hoặc lợi vụ chức quyền để vụ lợi; Đòi tiền lương, tiền công quá mức; Bổ nhiệm, tuyển dụng, thuyên chuyển quan chức, người làm việc không đúng quy định; Quan lại được bổ nhiệm ngoài quy định; Bổ nhiệm luân chuyển tùy tiện; Quan lại thực hiện nhiệm vụ chậm trễ hoặc dùng của công vào việc riêng.Không chỉ có luật, Lê Thánh Tông còn thường xuyên ra các sắc, chỉ dụ để vừa xử lý các trường hợp cụ thể vừa thể chế hóa thành luật, thành văn, thành công cụ pháp luật của triều đình để quan lại và nhân dân tuân theo thi hành. Ví dụ: Năm 1465, Lê Thánh Tông “Dụ các quan trấn, huyện lựa chọn huyện lại trong nha môn của mình xem người nào tài giỏi, liêm khiết, quen thạo việc tấu sớ thì đặt mỗi nha một người thường xuyên để tiện làm việc”. Hay, năm 1472, “tháng 5 ra sắc chỉ rằng những điển nào thanh liêm, cần mẫn thì được thanh chức bổ chức phó nhị”.Lê Thánh Tông đã nghiêm trị tội tham nhũng của quan lại, gần như không không có “vùng cấm”: “Đỗ Tông (Quai) Nam, Thượng thư bộ Hình làm quan mà ăn của đút; Nguyễn Như Đỗ, Thượng thư bộ Lại giữ việc tuyển cử mà làm mất sự chính đáng đều giao xuống pháp ty, xét xử, trị tội theo luật định”. Ông còn nghiêm khắc hơn: “Bọn Nguyễn Thư, Phan Trinh đều là thân phận là người gần vua mà ăn của đút, quan giữ việc pháp luật cầm công cán công bằng đáng phải luận bọn này vào tội tử hình” (Cương mục).Tuy nhiên, Lê Thánh Tông bên cạnh răn đe, xử lý nghiêm khắc nhưng vẫn đi liền với giáo hóa nhân văn để khuyến khích các quan lại phục thiện, sửa đổi và làm việc tốt. Sách sử chép: “Sư Hồi cùng cha hắn là Xí nhận của đút lót của người ta 8 lạng bạc. Nhà vua sai viên Tư lễ giám đem tờ sắc đến quở trách Sư Hồi để lấy lại số bạc đã ăn đút lót ngày trước và răn bảo rằng: Nhà ngươi có lỗi chẳng ngại đổi, may ra sẽ không có sự ăn năn sau này” (Cương mục).Mặt khác, để góp phần đề phòng, ngăn chăn nạn tham nhũng, Lê Thánh Tông còn có chính sách khuyến khích quan lại chống tham nhũng và đề cao quan lại liêm khiết để làm gương cho mọi người. Vị quan nào có tài đức, chính trực thì được lựa chọn, cất nhắc lên những chức vụ cao hơn. Các quan lại liêm khiết, có công còn được nhà vua ban thưởng tiền bạc để động viên, khuyến khích. Sách sử chép; “Nguyễn Thiện, trước đây, giữ chức Ngự sử, gặp việc trái phép thì nói một cách quả cảm, nhà vua hạ sắc lệnh dụ bảo rằng: Nhà ngươi làm bầy tôi, hết lòng thành lo việc nước, thường dâng lời nói phải, có lúc trẫm dùng uy quyền để lấn át cũng chưa thấy nhà ngươi nao núng. Thật là đáng khen. Vậy đặc cách sai viên Ty lễ giám đem sắc dụ đến ban khen thưởng cho bạc lạng” (Cương mục).Kiên quyết chống tham nhũng là một trong những yếu tố đảm bảo cho sự nghiệp của Lê Thánh Tông thành công. Bài học lớn về chống tham nhũng của ông là phải gắn liền với cải cách hành chính, xây dựng bộ máy, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện luật pháp; phòng đi đôi với chống; trừng trị đi đôi với răn đe, giáo hóa; nghiêm khắc nhưng vẫn khoan dung; thưởng, phạt công minh; sử dụng nhân tài đi liền với tạo điều kiện cống hiến.