Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Nguyễn Văn Vĩnh - người phát triển báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu canh tân chấn hưng đất nước bằng con đường văn hóa - giáo dục, Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương phát triển quốc học và chữ quốc ngữ bằng báo chí và xuất bản. Ông là một nhà báo lớn, có công đầu phát triển, hiện đại hóa báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Nhận thức tầm quan trọng của báo chí
Nguyễn Văn Vĩnh (15/6/1882 - 2/5/1936) là con của một gia đình nông dân nghèo ở Hà Đông, làm nghề kéo quạt ở trường Thông ngôn của Pháp từ lúc tám tuổi. Tại đây, nhờ bản tính thông minh, cần cù, ông “học mót” rất giỏi, lại được vị giáo viên người Pháp là André d’Argence giúp đỡ nên được dự thi cùng các học viên “chính khóa” và đỗ thứ 12 trên 40 người. Vì còn quá nhỏ, nhà trường cho phép ông học miễn phí lại từ đầu và ông đỗ thứ nhất kỳ thi mãn khóa khi mới 14 tuổi. Ông được tuyển làm phiên dịch của Tòa công sứ Lào Cai, Tòa công sứ Hải Phòng, sau lại làm thông ngôn ở Tòa công sứ Bắc Giang (từ 1902 - 1905).

Khi làm ở Tòa công sứ, Nguyễn Văn Vĩnh còn là cộng tác viên của hai tờ báo tiếng Pháp là "Courrier de Hai Phong", và "Tribune Indochinoise" của Schneider. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh viết báo, khi 15 tuổi.

Sau đó, ông được viên Công sứ Bắc Giang Hauser tuyển làm thư ký riêng kể cả khi được cử về làm Đốc lý Hà Nội.
Khi Toàn quyền P.Beau chủ trương cải cách giáo dục, cho người Việt lập các trường, các hội, Nguyễn Văn Vĩnh được Hauser giao cho đảm trách toàn bộ công việc vận động và giúp đỡ làm đơn, thảo điều lệ xin phép lập các trường, các hội đệ trình lên Phủ thống sứ. Chính vì vậy, ông là sáng lập viên của các hội Trí Tri, Khai Trí Tiến Đức, “Hội dịch sách”, “Hội giúp đỡ người Việt đi sang Pháp học trung, đại học và kỹ thuật”, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục cùng nhiều trường, nhiều hội khác...

Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh dự Hội chợ thuộc địa tại TP Marseille, từ tháng 3 - 8/1906. Hội chợ kết thúc, Nguyễn Văn Vĩnh ở lại Marseille 1 tháng, được Đốc lý Hauser đưa tham quan nhà in và báo “Revue de Paris”, Nhà xuất bản Hachette, Nhà xuất bản Từ điển Larousse.

Chuyến đi này đã làm thay đổi nhận thức và cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh. Ông ngộ ra cần phải chấn hưng đất nước bằng văn hóa, tư tưởng mà báo chí và xuất bản bằng Quốc ngữ là phương tiện.

Sau khi về nước, ông xin nghỉ việc và cùng với một người Pháp tên là Dufour thành lập nhà in.

Với Nguyễn Văn Vĩnh, chữ Quốc ngữ và báo chí, xuất bản là “hai trong một”. Báo chí, xuất bản là để truyền bá chữ Quốc ngữ, chữ Quốc ngữ là phương tiện để phát triển báo chí, để truyền bá tư tưởng và văn hóa. “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ” (Lời tựa Truyện Kiều) có thể coi là tuyên ngôn về mục đích cuộc đời làm báo và xuất bản của ông.

Nguyễn Văn Vĩnh thực sự bước vào làng báo từ năm 1907 với nhiều bút danh khác nhau như: Tân Nam Tử, Đào Thị Loan, V, Bản Quán… và bắt đầu sự nghiệp xuất bản bằng hai bản dịch quốc ngữ Tam Quốc Chí và Truyện Kiều dịch chung với Phan Kế Bính. Đồng thời, ông hoạt động rất tích cực ở các hội Trí Tri và Khai Trí Tiến Đức; là Ủy viên Hội đồng TP Hà Nội (1907), Hội viên Viện Dân biểu Bắc kỳ (từ năm 1913), và là thành viên của Đại Hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương, tham gia Hội Nhân quyền Pháp tại Việt Nam và Hội Tam điểm Quốc tế với mục tiêu tiếp nhận và truyền bá văn hóa phương Tây để duy tân đất nước. Có không ít người cho rằng hoạt động của ông là phục vụ quyền lợi cho thực dân Pháp. Nhưng có một thực tế là ông đã hai lần từ chối huân chương Bắc Đẩu bội tinh mà nhiều người Việt và người Pháp thời ông đều mơ ước. Và cuối đời ông cũng đã từ chối làm việc cho người Pháp, chấp nhận phá sản để sống chết vì nghề báo mà ông đã lựa chọn.

Làm chủ nhiệm, chủ bút nhiều tờ báo

Nguyễn Văn Vĩnh là người làm chủ nhiệm, chủ bút nhiều nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Ông là chủ bút tờ Đăng Cổ Tùng báo (28/3/1907 - 14/11/1907). Sau khi Đăng Cổ Tùng báo đình bản, ông ra tờ báo tiếng Pháp Notre Journal (1908 - 1909). Một năm sau, năm 1910, ông lại chủ trương ra tờ Notre Revue (tồn tại được 12 số). Cùng năm đó, ông làm chủ bút tờ Lục Tỉnh tân văn ở Sài Gòn. Đầu năm 1913, ông làm chủ bút tuần báo Đông Dương tạp chí ở Hà Nội. Năm 1915, ông kiêm làm chủ bút luôn cả tờ Trung Bắc tân văn. Cả 3 tờ báo này đều do một người Pháp là Schneider sáng lập vì quy định lúc đó chỉ có người Pháp mới được làm chủ báo.

Năm 1919 tuần báo Đông Dương tạp chí đổi thành Học báo vẫn do ông làm chủ nhiệm. Cùng năm, ông mua lại tờ Trung Bắc tân văn và cho xuất bản nhật báo, là tờ nhật báo đầu tiên ở Bắc Kỳ. Năm 1931, ông cho ra tờ báo tiếng Pháp “Annam Nouveau” và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho tới năm 1936. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cuối những năm 20 đầu những năm 30 (thế kỷ XX) và tình hình chính trị trong nước có những thay đổi lớn, phong trào cách mạng lên cao và sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương nên chính quyền thuộc địa Pháp kiểm duyệt gắt gao báo chí tiếng Việt nên hoạt động báo chí và in ấn của Nguyễn Văn Vĩnh gặp nhiều khó khăn. Lâm vào tình trạng phá sản nhưng ông vẫn kiên quyết không thỏa hiệp với chính quyền thực dân. Ông chấp nhận sang Lào khai thác vàng để trả nợ và chết vì sốt rét khi đang viết dở phóng sự Một tháng với những người đi tìm vàng.

Trong 30 năm làm báo, Nguyễn Văn Vĩnh say mê viết mọi lĩnh vực, mọi thể loại và luôn thể hiện được sự uyên bác, thông tuệ của một người trí thức mẫn cảm với thời cuộc. Ông viết tin, nghị luận, khảo cứu, phóng sự và làm thơ, dịch tiểu thuyết. Một trong những sở trường báo chí của Nguyễn Văn Vĩnh là viết nghị luận. Nghị luận của ông viết ngắn nhưng nội dung phong phú đề cập đến các vấn đề trong xã hội từ chính trị, kinh tế đến các phong tục tập quán của người dân... Ngay từ những số đầu tiên của tờ Đăng Cổ tùng báo, ông đã phê phán thói lười biếng dẫn tới nghèo đói; về lối sống thờ ơ trong các đô thị; về sự độc canh cây lúa mà dân vẫn đói; về thói mê tín buôn thần bán thánh; về thói học vẹt, không sáng tạo trong tiếp thu kiến thức; ông kêu gọi người dân thực hiện quyền bầu cử; về sự cần thiết phải cử người du học nước ngoài... Ông phân tích thực trạng, mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để hạn chế các mặt tiêu cực của nó. Nhiều vấn đề ông đặt ra cho đến nay, thậm chí rất lâu nữa người Việt Nam vẫn phải đối mặt. Chính vì vậy mà các bài nghị luận của ông có sự tác động lớn đến đời sống xã hội và có giá trị lâu dài.

Là chủ bút, Nguyễn Văn Vĩnh luôn chủ động thay đổi nội dung tờ báo, mở ra những chuyên mục mới với yêu cầu riêng về cách diễn đạt để phù hợp với tâm lý và thị hiếu của người đọc trong từng thời kỳ. Tự ông giữ nhiều chuyên mục và viết với ngữ điệu khác nhau khiến người đọc dễ tiếp nhận những ý kiến, tư tưởng của mình. Ông là một trong những nhà báo Việt Nam đầu tiên “giữ chuyên mục” dài ngày trên một tờ báo. Chuyên mục Nhời đàn bà trên Đăng Cổ tùng báo (20 bài) và Đông Dương tạp chí (53 bài) là một ví dụ. Với chuyên mục này, ông cũng là người đi đầu xác lập thể loại phiếm đàm (hoặc phiếm luận, nhàn đàm...) và thể loại tiểu phẩm báo chí trên báo chí Việt Nam.

Các tác phẩm báo chí của Nguyễn Văn Vĩnh, dù với thể loại nào đều được thể hiện bằng một nghệ thuật báo chí bậc thầy với tài sử dụng ngôn từ hiếm có trên nền tảng vốn văn hóa Đông - Tây dồi dào, phong phú mà ông tích hợp được.

Một đóng góp rất quan trọng khác của Nguyễn Văn Vĩnh là dịch thuật và cho đăng rất nhiều tác phẩm học thuật và văn chương đặc sắc của nước ngoài. Ông cũng là người dịch rất nhiều, không chỉ tiếng Pháp mà cả chữ Hán, chữ Nôm và dịch ngược từ chữ Nôm ra chữ Pháp để bắc cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông và Tây.

Nguyễn Văn Vĩnh mất vì bệnh sốt sét ở Lào ngày 2/5/1936. Ông là nhà báo, nhà canh tân văn hóa mà tư tưởng và công lao ngày càng được khẳng định và tỏa sáng sau nhiều thăng trầm của lịch sử.q

Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người tiên phong viết phóng sự. Hai phóng sự Từ triều đình Huế trở về và Một tháng với những người đi tìm vàng tuy chưa hoàn hảo nhưng có thể coi như là những tác phẩm đầu tiên của thể loại phóng sự của báo chí tiếng Việt.