[Thông điệp từ lịch sử] Nhà báo Trần Chánh Chiếu với tư tưởng duy tân, yêu nước

Vĩnh khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trần Chánh Chiếu (1868 - 1919), còn gọi là Gilbert Trần Chánh Chiếu (Gilbert Chiếu), hiệu: Quang Huy, biệt hiệu: Đông Sơ, có các bút danh: Kỳ Lân Các, Nhựt Thăng, Thiên Trung, Mộng Trần… Ông là nhà yêu nước theo tư tưởng duy tân và là nhà báo nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Thủ lĩnh phong trào Minh Tân

Trần Chánh Chiếu sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở làng Vân Tập (sau đổi là Vĩnh Thanh Vân), tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang). Hồi nhỏ, ông học ở Trường trung học D'Adran (Sài Gòn). Tốt nghiệp, ông được bổ về làm giáo học rồi làm thông ngôn cho Tham biện (chủ tỉnh) Rạch Giá. Từ đó, ông tiến hành khẩn hoang ở vùng Tràm Chẹt thuộc huyện Giồng Riềng, tự thiết kế và xây cất phố xá ở chợ Rạch Giá và trở nên giàu có. Ông được bổ hàm Đốc phủ và nhập quốc tịch Pháp (tên mới là Gilbert Trần Chánh Chiếu).

Sau đó, ông xin thôi việc về làm xã trưởng xã Vĩnh Thanh Vân. Năm 1900, ông bán đi một phần gia sản, lên Sài Gòn làm báo và tham gia phong trào duy tân yêu nước.

Ở đây, ông kết thân với các nhân sĩ yêu nước, như Bùi Chí Nhuận, Nguyễn An Khương, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diêu, Đặng Thúc Liêng, Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản..., tổ chức Hội Minh Tân và phát động phong trào Minh Tân mà thực chất là phong trào Duy Tân ở Nam kỳ.
                              Trần Chánh Chiếu (1868 - 1919).
Phong trào khởi phát từ năm 1901 mục đích cụ thể: Phát triển công thương nghiệp, mở mang trường học, sửa đổi phong tục là những vấn đề tương quan nhau để đạt mục đích sau cùng là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, thành lập chế độ quân chủ lập hiến, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm vua (nhà văn Sơn Nam).

Chương trình hành động công khai của Hội Minh Tân bao gồm hai phần chính; một là: Lập các cơ sở kinh tài để vừa lấy tiền lời cho hội, vừa là nơi tập hợp và dung chứa các đồng chí, phân phát các tài liệu cách mạng... Một số cơ sở lớn của hội: Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn, Minh Tân khách sạn - Mỹ Tho, Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ (một công ty cổ phần gần giống các công ty của Pháp lúc bấy giờ) - Mỹ Tho, Hãng Sà bông Con Vịt (Savon Canard) - Mỹ Tho, Chiêu Nam lầu - Sài Gòn, Thương hội - Chợ Gạo (Tiền Giang), Hội tương trợ giáo viên - Gò Công, Minh Tân thương cuộc - Tầm Vu (Tân An, Long An), Hiệu buôn Nam Hòa - Bến Tre, Công ty Nam Chấn Thành - Chợ Lớn, Hiệu buôn Nam Hòa Lợi - chợ Mỏ Cày (Bến Tre), hiệu buôn Nam Đồng Hưng - chợ Rạch Giá,... Hai là: Viết bài cổ súy phong trào Minh Tân trên tờ Lục tỉnh tân văn, đây được xem như là cơ quan ngôn luận chính thức của hội.

Về hội/phong trào Minh Tân, GS Trần Văn Giàu nhận định: “… là một phong trào chính trị tương đương với phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Bắc - Trung, và hai bên có mối quan hệ với nhau”.

Ngoài ra, Trần Chánh Chiếu còn có mối liên hệ chặt chẽ với Phan Bội Châu và Hội Duy Tân. Năm 1907, Phan Bội Châu đã mời Trần Chánh Chiếu sang gặp ở Hương Cảng. Sau đó, hai ông cùng sang Nhật Bản gặp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Tại đây, ông cũng đã được Nhật hoàng tặng quà.

Trở về nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu, Trần Chánh Chiếu đã nỗ lực vận động phong trào Đông du ở Nam kỳ, hỗ trợ tiền bạc cho nhiều thanh niên sang Nhật Bản học tập (có tài liệu nói khoảng 100 người).

Hoạt động của Trần Chánh Chiếu và hội/phong trào Minh Tân được giới điền chủ và giới công chức hưởng ứng nhiệt liệt nhưng bị nhà cầm quyền theo dõi. Tháng 10/1908, ông và 91 người khác bị bắt giam vì tội có quan hệ với phong trào Đông Du và viết báo chống lại chính quyền. Nhờ chí sĩ Phan Văn Trường ở Paris (Pháp) vận động và Chính phủ Nhật can thiệp, tháng 4/1909, ông được thả. Sau đó, ông về Rạch Giá và Mỹ Tho bán hết tài sản để trả nợ, rồi ở luôn Sài Gòn, lập tiệm buôn lấy tiền lời bí mật giúp Phan Bội Châu và Cường Để hoạt động.

Năm 1917, ông lại bị chính quyền thực dân bắt giam vì nghi hỗ trợ Phan Xích Long khởi nghĩa hồi tháng 2/1916. Một thời gian sau ông được trả tự do và mất năm 1919 tại Sài Gòn.

Sau khi ông bị bắt, công cuộc Minh Tân tan rã dần và kết thúc hoạt động.

Chủ bút hai tờ báo

Trần Chánh Chiếu làm báo đồng thời với tổ chức hoạt động hội/phong trào Minh Tân. Báo chí, đối với ông, là để vận động và tổ chức phong trào yêu nước. Ông không chỉ viết báo mà còn làm chủ bút hai tờ báo lớn của Nam kỳ thời đó là Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn.

Sau khi rời quê lên Sài Gòn, đồng thời với việc lập hội/phong trào Minh Tân, ông làm chủ bút Nông cổ mín đàm (uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn). Cuộc vận động Minh Tân ra đời từ năm 1901 đã thật sự trở thành phong trào kể từ khi Trần Chánh Chiếu thay Lương Khắc Ninh làm chủ bút tờ Nông Cổ mín đàm. Nông cổ mín đàm lúc này như cơ quan ngôn luận của hội/phong trào Minh Tân, hết sức tuyên truyền và cỗ vũ cho Minh Tân.

Tiếp tục quan điểm của chủ bút tiền nhiệm Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu thông qua Nông cổ mín đàm đã vượt qua tầm nhận thức chật hẹp, khuôn cứng và giáo điều của Nho giáo để đưa tư tưởng trọng thương đến với dân chúng. Những bài luận bàn về nghề buôn đã gợi mở ra một lối tư duy kinh tế mới, tiến bộ và hiện đại ở Việt Nam. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “vừa uống trà vừa bàn chuyện nông thương”, tờ báo phân tích không mệt mỏi quan điểm trong vận hội mới, một dân tộc nếu không canh tân thì sớm muộn dân tộc ấy cũng đi đến kết cục: Trở thành nô lệ hoặc tệ hơn, bị tiêu diệt. Và con đường canh tân nhanh nhất để dân giàu nước mạnh chính là buôn bán. “Nông Cổ mín đàm là một tờ báo chữ Quốc ngữ đáng để ý nhất lúc này. Báo sống từ 1901 đến 1924. Một thời, báo đăng nhiều bài tiến bộ, có ít nhiều ý thức về vai trò văn hóa và tư tưởng của một cơ quan ngôn luận. Chính nó đã đăng những bài đầu tiên ở Nam Kỳ, cũng là ở cả nước, về "duy tân", "minh tân"... Ý thức tư sản bản xứ đã nổi bật lên trong loạt bài "Thương cổ thiệt luận" (Trần Văn Giàu).

Năm 1907, Trần Chánh Chiếu làm chủ bút báo Lục tỉnh tân văn, công khai hô hào quốc dân duy tân cứu nước. Đây cũng là thời điểm Hội Minh Tân chính thức ra đời và công khai lãnh đạo phong trào duy tân ở Nam kỳ.

Với chủ bút Trần Chánh Chiếu, tờ Lục tỉnh tân văn, trong khoảng 50 số đầu, đã là “tiếng nói của cuộc vận động Minh Tân, hướng theo cải cách, tự cường đang sôi động ở Bắc và Trung Kỳ… Ưu điểm nổi bật của Lục tỉnh tân văn là đã dám cổ vũ lòng yêu nước, chống Pháp và bọn phong kiến tay sai, chống tư tưởng vong bản… Lục tỉnh tân văn là tờ báo có uy tín nhất ở Nam kỳ trong bước khởi đầu của nghề làm báo. Nhiều cây bút của xứ Bắc, Trung đã từng vào Sài Gòn học tập nghề làm báo ở tờ này, từ Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi đến Trần Huy Liệu, Tản Đà… Ngay Đông Dương tạp chí khi mới ra đời cũng phải ghi tên măng xét của mình là “Ấn bản đặc biệt của Lục tỉnh tân văn cho xứ Bắc và Trung kỳ (GS Đỗ Quang Hưng).

Vì lập trường này, Lục tỉnh tân văn bị chính quyền Pháp theo dõi chặt chẽ và cuối năm 1908, chủ bút Gilbert Chiếu bị Pháp bắt giam, và tờ báo phải chấm dứt đường lối chính trị tiến bộ đó.

Cần nói thêm, Trần Chánh Chiếu còn là một nhà văn, dịch giả nổi tiếng với nhiều tác phẩm như: Minh tân tiểu thuyết (các bài xã luận viết cho LTTV), Tiền căn hậu báo (phỏng dịch tiểu thuyết Comte de Momte-Cristo của Alexandre Dumas), Hương Cảng nhân vật và Quảng Đông tỉnh thành phong cảnh (ký về Hương Cảng và Quảng Đông), Văn ngôn tập giải (từ điển giải nghĩa danh từ mới về sử, địa, khoa học, chính trị, tôn giáo), Lâm Kim Liên (truyện), Hoàng Tố Oanh hàm oan (truyện), Ba người ngự lâm pháo thủ (dịch truyện Les trois mousquetaires của Alexandre Dumas ), Gia Phổ (Dạy viết gia phổ).

Cuộc đời nhà yêu nước Trần Chánh Chiếu gắn liền với phong trào Minh Tân ở Nam kỳ trong vai trò thủ lĩnh. Ông còn để lại dấu ấn sâu sắc với tư cách một nhà truyền bá tư tưởng có chủ kiến, một nhà báo, một nhà văn, một dịch giả nhiệt thành và sâu sắc.

Trần Chánh Chiếu là một nhân vật lịch sử, một nhà báo có tầm vóc vượt trội của Nam kỳ và Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Trần Chánh Chiếu thông qua Nông cổ mín đàm đã vượt qua tầm nhận thức chật hẹp, khuôn cứng và giáo điều của Nho giáo để đưa tư tưởng trọng thương đến với dân chúng. Những bài luận bàn về nghề buôn đã gợi mở ra một lối tư duy kinh tế mới, tiến bộ và hiện đại ở Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần